Sau va chạm xe, hai tài xế xuống bắt tay nhau và phân làn đường

Thứ ba, 27/06/2017, 08:58
Thay vì cãi vã hay ẩu đả, hai người đàn ông này lại vui vẻ bắt tay nhau, phân làn đường tránh ùn tắc giao thông và chờ công an đến giải quyết.

Ngày 25/6, khoảnh khắc sau va chạm xe tại Hà Nội, hai người đàn ông xuống bắt tay, cùng nhau phân làn tránh ùn tắc trở thành tâm điểm chú ý trên mạng.

Theo đó, vụ va quệt khiến hai ôtô bị hư hỏng nặng, các phương tiện khác không thể di chuyển. Thấy vậy, hai tài xế cùng nhau phân làn, chỉ đường cho xe máy trong lúc chờ công an đến giải quyết.

Hành động này nhanh chóng nhận được nhiều lời khen từ dân mạng về văn hóa giao thông tại Việt Nam.

Hành xử văn minh

Trên Facebook, bài đăng của thành viên Dương Đăng Thủy hiện thu hút hơn 3.700 lượt like (thích), cùng hàng nghìn chia sẻ, bình luận.

Anh Dương Đăng Thủy (Hà Nội) cho Zing.vn biết sự việc trên xảy ra vào khoảng 3h chiều 25/6, tại phố Trích Sài, Hồ Tây, Hà Nội.

Hai tài xế bắt tay nhau và phân làn đường giúp giải quyết ùn tắc. Ảnh chụp màn hình.

Chủ nhân loạt ảnh đã chứng kiến vụ va chạm và rất bất ngờ trước cách ứng xử văn minh, lịch sự của hai tài xế.

"Họ không hề cãi vã hay xô xát. Thậm chí, hai người còn bắt tay nhau và xuống phân làn cho xe máy để tránh ùn tắc. Tôi cảm thấy ngưỡng mộ, muốn chia sẻ hình ảnh đẹp này cho mọi người", anh kể.

Theo anh Thủy, sau các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam, phần lớn mọi người đều cãi cọ, ẩu đả, không ai nhường ai. Hiếm ai có thể bình tĩnh, cư xử nhẹ nhàng, vui vẻ như tình huống anh vừa gặp.

Nhiều dân mạng hiện chia sẻ khoảnh khắc này và cho rằng đây là hành động đẹp, ý nghĩa, cần được lan tỏa.

Nguyễn Quốc Trung (25 tuổi, Hà Nội) cho hay cách cư xử của hai người đàn ông khá văn minh. Ở Việt Nam, anh ít gặp câu chuyện như vậy, bởi ai cũng nghĩ mình đúng.

Nguyễn Tuấn (27 tuổi, Hương Yên) nhận định đây là hành động đáng học hỏi. Theo anh, ai đúng, ai sai hãy để pháp luật giải quyết. Tuấn từng chứng kiến vụ va quệt ở đường Trần Khát Chân (Hà Nội) đánh cả phụ nữ, Tây ta hỗn loạn khiến anh thấy xấu hổ.

Bài học về cách ứng xử

Câu chuyện về văn hóa giao thông ở Việt Nam thực tế vẫn luôn gây tranh cãi.

Mới đây, clip quay cảnh hai thanh niên đánh người nước ngoài đến chảy máu mũi sau khi va chạm, dù được can ngăn, thu hút sự chú ý. Đặc biệt, hành động đánh phụ nữ áo vàng (người đi cùng anh chàng ngoại quốc) khiến dân mạng bất bình, phẫn nộ.

Trước đó, nhiều diễn đàn từng chia sẻ hình ảnh các vụ gây gổ, đánh nhau mà nguyên nhân chủ yếu do va chạm nhỏ trên đường.

Ngày 11/5, đoạn video hai phụ nữ Việt điều khiển xe máy đâm trúng vị khách nước ngoài đi ra từ phố Tống Duy Tân (Hà Nội) cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

Cú va chạm khiến người đàn ông ngoại quốc bị thương ở chân. Tuy nhiên, hai người phụ nữ lại lao tới giật chìa khóa xe của chàng Tây và yêu cầu bồi thường, nếu không sẽ gọi công an.

Chiều 17/4, sau va quệt, nam tài xế ôtô tranh cãi quyết liệt với một phụ nữ lái xe máy, bắt đền tiền sơn xe.

Hành động này bị lên án bởi clip ghi lại sự việc cho thấy lỗi không hoàn toàn ở cô gái. Những người chứng kiến cũng phải lên tiếng bênh vực thiếu nữ.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM - từng nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng mọi người ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.

Nguyên nhân chính là do con người ngày nay chịu sức ép rất lớn về thời gian, căng thẳng trong cuộc sống. Khi ra đường, họ muốn đi một cách nhanh nhất để giải quyết công việc. Lúc va chạm, vì bị áp lực sau một ngày làm việc mệt nhọc nên đã không thể kiềm chế được.

PGS.TS đưa ra lời khuyên chúng ta cần tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Có va chạm, đặc biệt là chỉ va chạm nhẹ, cần hết sức bình tĩnh xử lý tình huống.

Nếu cần thiết thì nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng. Không nên vì một việc nhỏ mà chửi bới, xúc phạm hay hành hung người khác.

Cơ quan chức năng cũng phải xử phạt thật nghiêm minh trường hợp vi phạm luật lệ an toàn giao thông và cả các trường hợp do va chạm mà hành hung người khác để răn đe những đối tượng có ý định vi phạm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn