|
Suki Kim ăn mỳ bên ngoài Triển lãm Quốc tế Mùa thu Bình Nhưỡng lần thứ 7. Ảnh: News.com.au |
Suki Kim, cây bút người Mỹ gốc Hàn Quốc, đã vào vai một tín đồ Tin lành, dạy tiếng Anh tại Triều Tiên trong 6 tháng. Tuy nhiên, thực tế, mục tiêu cô hướng đến là thu thập thông tin nhằm giải mã những bí ẩn về quốc gia này, theo News.com.au.
Kim cho biết sau khi hoàn thành các trang viết mà về sau được tập hợp lại thành sách, cô luôn buộc tất cả chúng lại cùng những tài liệu khác và vài chiếc USB để mang theo bên mình. Kim xóa sạch mọi hoạt động trên máy tính.
"Giây phút nào tôi cũng cảm thấy sợ hãi", cô nói. "Tôi tạo nhiều thư mục xếp chồng lên nhau. Nếu họ kiểm tra họ sẽ thấy chúng giống như các ghi chú giảng dạy trên trường. Đấy là lớp vỏ bọc của tôi. Nếu tôi bị phát hiện, không biết hậu quả sẽ thế nào. Nếu danh tính tôi bị bại lộ, có lẽ giờ tôi không còn ngồi đây nữa".
Kim quyết định chia sẻ những câu chuyện mà cô thu thập ở Triều Tiên sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người bị Triều Tiên giam giữ suốt 17 tháng, được trao trả tự do hôm 13/6 trong tình trạng hôn mê và đã qua đời vào ngày 19/6.
Tổng thống Mỹ Trump chỉ trích Triều Tiên "tàn bạo", khẳng định ông kiên quyết "ngăn chặn những thảm kịch tương tự". Bình Nhưỡng trong khi đó phủ nhận ngược đãi, tra tấn sinh viên Warmbier khiến anh tử vong.
"Triều Tiên bắt giữ công dân nước ngoài và gây ra cái chết cho họ, trong trường hợp này là công dân Mỹ đầu tiên. Chúng ta không thể biết chính xác điều gì đã xảy ra", Kim nói. "Triều Tiên không phải một địa điểm du lịch".
Mỹ hồi đầu tuần trước thông báo đang cân nhắc việc cấm công dân tới Triều Tiên.
"Tôi nghĩ du lịch không phải vấn đề. Vẫn còn những lý do khác để tới Triều Tiên, chẳng hạn như đồng hành cùng những tổ chức đến giúp đỡ người dân nơi đây, điều đó vẫn nên được thực hiện. Triều Tiên cần nó", Kim nhấn mạnh.
Giám sát chặt chẽ
Theo Suki Kim, Triều Tiên là một quốc gia mà dường như tất cả mọi thứ đều bị kiểm duyệt, giám sát chặt chẽ. "Mọi thứ bạn nhìn hay nghe thấy đều do chính quyền đưa ra", Kim nói. "Chỉ có cách hòa nhập, tôi mới có thể trải nghiệm cuộc sống thường ngày ở Triều Tiên".
Quãng thời gian che giấu thân phận tại Triều Tiên, Kim sống trong một căn cứ quân sự với 270 người lính trẻ. Kim ngày nào cũng dùng bữa cùng họ và xây dựng mối quan hệ thân thiết với họ.
"Mặc dù bị giám sát hoàn toàn, tôi vẫn tìm cách khiến họ bộc lộ suy nghĩ của mình", Kim cho hay. "Họ không được phép thể hiện rằng mình hiếu kỳ về thế giới bên ngoài. Họ luôn làm việc có tập thể, bận rộn 24/7, thực hiện các phận sự với lãnh đạo tối cao. Họ tham gia những lớp học về lãnh đạo với thông tin lặp đi lặp lại".
|
Suki Kim trong một lần đứng lớp ở Triều Tiên. Ảnh: Suki Kim |
Kim cho biết dù hiếm khi biểu hiện ra mặt nhưng một số người Triều Tiên mà cô có dịp tiếp xúc cũng tò mò về thế giới bên ngoài. "Họ cũng là người, họ còn thông minh, trẻ trung và đầy sức sống nữa", Kim miêu tả.
Theo Kim, mọi thanh niên Triều Tiên đều có nghĩa vụ gia nhập quân đội. Rất ít học sinh ở đây biết Internet là gì. Các kết nối đều bị khóa, thông tin bị kiểm duyệt.
Khi trở về Mỹ để xuất bản cuốn sách về Triều Tiên hồi năm 2011, Kim cho biết cô còn bị đe dọa.
"Tôi bị đe dọa bởi ngôi trường (nơi Kim làm việc ở Triều Tiên)", cô nói. "Tôi bị dọa rằng mình sẽ gặp những chuyện tồi tệ và họ gây áp lực buộc tôi phải trao những trang bản thảo trước thời điểm xuất bản. Việc này diễn ra trong một khoảng thời gian".
"Nó thật sự khó khăn và phải mất cả thập kỷ để nghiên cứu từ khi tôi nảy ra ý tưởng đến lúc hoàn thành cuốn sách. Mỗi bước đi đều đầy chông gai, đáng sợ nhất là quãng thời gian sống ở đó. Và cũng khó khăn không kém là phản ứng dữ dội từ công chúng đúng như dự đoán", Kim chia sẻ.
Theo VNE