Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng trăn trở đất quốc phòng...

Thứ hai, 26/06/2017, 12:03
Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đưa ra ý kiến về sử dụng một số diện tích đất quốc phòng ở một số địa phương để phát triển kinh tế - Nhà báo Dương Đức Quảng, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin báo chí - VP Chính phủ, nhớ lại.

Nhà báo Dương Đức Quảng

Không chỉ đất quốc phòng ở TP.HCM lịch sử để lại có nhiều vấn đề như thượng tướng Lê Chiêm - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đã nói, mà đất quốc phòng trong phạm vi cả nước lịch sử để lại cũng có nhiều vấn đề như thế.

Điều đó đòi hỏi Đảng, Quốc hội và Chính phủ cần có quyết sách giải quyết sao cho có lợi nhất cho đất nước.

Năm 1994, khi đang là thủ tướng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có chủ trương cho kiểm tra và thống kê toàn bộ đất quốc phòng trong cả nước, định chuyển một số đất quốc phòng nay không còn phù hợp với mục đích sử dụng trong chiến tranh sang sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong hòa bình.

Công việc này tiến hành trong một năm, kết quả kiểm tra và thống kê đã có song không giải quyết được vấn đề như Thủ tướng mong muốn. Chỉ lấy một chuyện nhỏ xảy ra ngay tại Hà Nội mà cũng không xử lý được.

Ngay khi còn làm việc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thấy không thể duy trì hoạt động của sân bay dân dụng tại Nha Trang, Khánh Hòa vì diện tích hạn chế, sân bay nằm ngay trong thành phố, thiếu an toàn cho các máy bay có tải trọng lớn cất và hạ cánh.

Nhà báo Dương Đức Quảng

Đó là chuyện về ụ pháo phòng không tại hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Trong chiến tranh chống Mỹ, một đơn vị pháo phòng không Hà Nội đã bố trí trận địa ngay trên hồ Trúc Bạch để bảo vệ bầu trời Hà Nội.

Kết thúc chiến tranh, đơn vị pháo phòng không này đã không còn, các cán bộ, chiến sĩ đã chuyển sang các đơn vị khác, song trận địa cũ của đơn vị này vẫn tồn tại và bây giờ là đất quốc phòng. Hà Nội muốn thu hồi mảnh đất giữa hồ này nhưng không thu hồi được chỉ vì đây là đất quốc phòng.

Và bây giờ chỗ trận địa pháo cũ ấy đã trở thành một nơi kinh doanh ăn uống và làm dịch vụ tổ chức sự kiện, cưới xin... do một đơn vị làm kinh tế của quân đội quản lý. Có thể lấy thêm nhiều ví dụ tương tự như vậy ở các tỉnh thành khác trong cả nước.

Cũng trong thời gian này, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra ý kiến về sử dụng một số diện tích đất quốc phòng ở một số địa phương để phát triển kinh tế nhưng đã không nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

Có một việc đụng đến đất quốc phòng mà thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đương chức đã làm được, đó là mở con đường thông từ đường Điện Biên Phủ sang đường Phan Đình Phùng đi qua khu vực đất quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý.

Khu vực này dân Hà Nội ai cũng biết, là khu vực “trong thành” để phân biệt với các khu vực khác ở Hà Nội.

Chủ trương mở con đường này lúc đầu cũng không phải được nhiều người, nhiều đơn vị, nhiều bộ ngành đồng thuận, song qua nhiều ý kiến rất thuyết phục và nhất là qua thực tiễn sinh hoạt đô thị và giao thông ở Hà Nội đòi hỏi, con đường Nguyễn Tri Phương đã được mở xuyên qua khu đất quốc phòng trong thành Hà Nội, trở thành “con đường dân sinh” thuận tiện, tấp nập xe cộ như bây giờ.

Sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nghỉ, khi tư duy của một số vị lãnh đạo cấp cao có thay đổi thì mới có việc chuyển một số cơ sở quốc phòng và khu vực đất quốc phòng sang phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế.

Việc chuyển sân bay quân sự Cam Ranh thành cảng hàng không dân dụng quốc tế là một trong nhiều ví dụ cụ thể.

Ngay khi còn làm việc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thấy không thể duy trì hoạt động của sân bay dân dụng tại Nha Trang, Khánh Hòa vì diện tích hạn chế, sân bay nằm ngay trong thành phố, thiếu an toàn cho các máy bay có tải trọng lớn cất và hạ cánh.

Thủ tướng muốn dời sân bay Nha Trang xuống bán đảo Cam Ranh nhưng không được vì đây là khu vực quân sự. Từ sau 1975, sân bay Cam Ranh nằm trong bán đảo Cam Ranh tiếp tục được sử dụng vào mục đích quân sự cho tới năm 2004.

Mãi đến ngày 19-5-2004, sân bay Cam Ranh mới chính thức trở thành sân bay dân sự, đón chuyến bay dân sự đầu tiên bay từ Hà Nội vào đây, thay cho việc hạ cánh xuống sân bay Nha Trang như trước.

Lợi ích của việc chuyển sân bay quân sự Cam Ranh thành sân bay dân dụng Cam Ranh rồi mở rộng, nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế Cam Ranh ai cũng thấy rõ.

Theo TTO

Các tin cũ hơn