Giải mật đàm phán về tương lai Hong Kong

Thứ hai, 26/06/2017, 09:01
Luật pháp Anh yêu cầu hầu hết tài liệu nội các phải được giải mật sau 20-30 năm. Ngày 1/7 năm nay là tròn 20 năm Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc. Đây là thời điểm nhiều tài liệu được giải mật.

Năm 1982, bà Margarett Thatcher thăm Bắc Kinh, trở thành Thủ tướng Anh đầu tiên đặt chân tới Trung Quốc và chính thức xúc tiến các cuộc đàm phán về tương lai Hong Kong. Ban đầu, London hy vọng sẽ duy trì được sự kiểm soát đáng kể đối với Hong Kong, ngay cả khi nó đã được trao trả cho Trung Quốc.

Một số tài liệu đã được giải mật cho thấy, tại các cuộc thảo luận bí mật trong nội các của bà Thatcher, Anh mong muốn hợp đồng thuê đất của mình ở Hong Kong có thời hạn không xác định. Lời đề nghị này đã bị Bắc Kinh bác bỏ với lý do “không cần thiết và không thích hợp”.

Ngày 23/9/1982,  bà Thatcher gặp Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương tại Bắc Kinh. Biên bản ghi lại cuộc gặp đó viết: “Ông Triệu nói rằng, có hai nguyên tắc gồm chủ quyền, sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong. Nếu chỉ có hai lựa chọn, Trung Quốc sẽ đặt chủ quyền lên trên sự thịnh vượng và ổn định”.

Hôm sau, bà Thatcher gặp lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và nhận được lời cảnh báo: “Chỉ trong một hoặc hai năm nữa, chính phủ Trung Quốc sẽ chính thức công bố quyết định về việc thu hồi Hong Kong”. Các cuộc đàm phán tiếp diễn sau khi bà Thatcher rời Bắc Kinh, và cuối cùng, ngày 19/12/1984, bà Thatcher cùng ông Triệu ký vào Tuyên bố chung Trung Quốc - Anh.

Trong suốt các cuộc thảo luận do nội các của bà Thatcher tổ chức, những mối quan tâm chính được thể hiện trong bản ghi nhớ bí mật là giữ được niềm tin của thị trường Hong Kong và tránh vết xe đổ Falkland (xung đột giữa Anh và Argentina năm 1982 vì tranh chấp lãnh thổ).

Theo sử gia Ian Scott, chính phủ Anh và Trung Quốc đã cùng nhau quyết định áp đặt thỏa thuận của họ trên Hong Kong và không muốn sửa đổi nó. Tài liệu giải mật từ các cuộc đàm phán kéo dài trước khi bàn giao cho thấy, một số quan chức Anh đã tìm cách đưa ra nhiều chế độ dân chủ hơn ở Hong Kong nhưng  đều bị Bắc Kinh từ chối.

Cho phép người dân Hong Kong tự quản chính họ là một hành động rất “không thân thiện”, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai nói với các quan chức Anh năm 1958. Năm 1960, một quan chức Trung Quốc khác đe doạ cuộc xâm lược tiềm ẩn nếu nước Anh cố gắng đưa dân chủ vào Hong Kong.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn