Thổ Nhĩ Kỳ bực bội, Qatar có đồng ý yêu sách Arab?

Thứ bảy, 24/06/2017, 10:28
Ankara sẽ không đóng cửa căn cứ quân sự ở Qatar theo các yêu sách mà các nước Arabia đã đưa ra và Qatar cũng có thể không chấp nhận.

Ngày 23/6, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik nói với đài NTV rằng Ankara kiên quyết bác bỏ các yêu cầu của các nước Arabia ở vùng Vịnh về yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự của nước này ở Qatar.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không "bỏ rơi" Qatar.

Ông  Isik gọi đây là yêu sách can thiệp vào quan hệ song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.

“Nếu có yêu cầu như vậy, nó đồng nghĩa với việc can thiệp quan hệ song phương. Củng cố căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ là một bước tích cực đảm bảo an ninh vùng Vịnh. Chúng tôi không có kế hoạch xem xét lại thỏa thuận về căn cứ với Qatar” – Bộ trưởng Fikri Isik nói.

Bộ trưởng Isik cho biết ông chưa nhìn thấy danh sách 13 điều kiện của các nước Arabia nhưng ông tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không hề có kế hoạch thay đổi thỏa thuận đã ký với Qatar năm 2014 lập căn cứ ở đây. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể sẽ tiếp tục tăng hiện diện quân sự ở Qatar.

Hiện có khoảng 88 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar, tuy nhiên con số này sẽ mau chóng tăng lên 1.000 quân. Hôm 22/6, báo Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) còn thông tin, Ankara đã đưa 5 xe bọc thép và 23 binh sĩ đến thủ đô Doha để tham gia một cuộc huấn luyện quân sự chung giữa hai nước.

Bộ trưởng  Isik cũng cho biết thêm, các quốc gia Arab phản đối Qatar không trực tiếp gửi yêu cầu đóng cửa căn cứ cho nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia lên tiếng ủng hộ Qatar khi khủng hoảng ngoại giao xảy ra. Nước này đã tăng gấp 3 lần xuất khẩu sang Qatar kể từ khi một số nước cấm vận đường không, đường bộ và đường thủy với Qatar.

Ankara cũng đã gửi tàu hàng thực phẩm đầu tiên đến Doha. Tàu chở 4.000 tấn thực phẩm khô, hoa quả và rau đã rời khỏi cảng thuộc tỉnh Izmir, đông Thổ Nhĩ Kỳ, vào rạng sáng ngày 22/6. Tàu sẽ đến Qatar trong vòng 10 ngày.

Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi 105 máy bay chở hàng đến Qatar. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci ngày 21/6 cho hay việc hỗ trợ qua con đường này không duy trì được lâu.

Hành động tuyên bố thẳng thắn về việc không đáp ứng yêu sách của các nước cấm vận Qatar của Thổ Nhĩ Kỳ trông như đang khiến tình hình tồi tệ thêm và đẩy Qatar vào thế khó.

Tuy nhiên, trước khi các nước vùng Vịnh đưa ra bản yêu sách trên, Doha cũng đã thẳng thắn nêu điều kiện để các nước có thể cùng ngồi vào bàn đàm phán, đó là dỡ bỏ phong tỏa Qatar.

Điều kiện này dường như khó được các nước Arabia thực hiện nên bản yêu sách 13 điều của các nước vùng Vịnh cũng đã được gửi tới Kuwait - quốc gia được Qatar nhận hỗ trợ đàm phán giải quyết khủng hoảng ngoại giao-  sau đó ít ngày.

Hiện Qatar chưa có phản ứng gì về bản 13 yêu sách của các nước Arabia nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối đóng cửa căn cứ quân sự cũng như từ chối chấm dứt hợp tác quân sự với Qatar không phải là rào cản duy nhất trong quá trình cải thiện lại mối quan hệ ngoại giao giữa các nước Arabia thuộc vùng Vịnh.

Đóng cửa kênh truyền hình quốc gia Al-Jazeera là điều mà Qatar không thể chấp thuận.

Ngoài vấn đề liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ, 13 yêu sách còn nhắc tới việc Qatar phải đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, cắt giảm quan hệ với Iran. Ngoài ra, Doha còn bị yêu cầu thông báo cắt đứt quan hệ với các nhóm, tổ chức như Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo, Al-Qaeda, Hezbollah và xem họ là khủng bố cũng như "chấm dứt bất kỳ hoạt động tài trợ phần tử, thực thể, tổ chức cực đoan và khủng bố".

Giới quan sát cho rằng, Qatar sẽ bác bỏ những yêu cầu trên và không nghe theo bất cứ yêu sách nào.

Ngoài ra, bản yêu sách cũng không làm hài lòng người muốn giảng hòa - Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 21/6 bày tỏ hy vọng các yêu cầu phải "hợp lý và có thể thực hiện được", qua đó cho thấy Washington không vui khi thấy cuộc khủng hoảng này kéo dài, làm phức tạp thêm những tính toán của họ ở khu vực.

Dù thế nào, bản yêu sách 13 điều mà các nước Arabia gửi tới Qatar cũng sẽ không làm lay chuyển các ý định của quốc gia trước đó cho rằng, nếu cô lập Qatar, các nước vùng Vịnh cũng chịu thiệt hại không kém cạnh. Do đó, Doha cũng chẳng cần vội vàng vì việc mình có được dỡ bỏ phong tỏa hay không.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích