Trên những cụm rừng tự nhiên còn sót lại ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam) có đàn voọc chà vá chân xám sinh sống.
Theo một số người dân địa phương, số lượng quần thể voọc ở khu vực này giảm dần trong nhiều năm qua, tuy nhiên nhà chức trách chưa có những cuộc khảo sát, nghiên cứu bảo tồn cần thiết.
Hai cá thể voọc chà vá chân xám sinh sống ở vùng núi xã Tam Mỹ Tây. |
Ông Nguyễn Văn Cường - chủ một trang trại ở xã Tam Mỹ Tây cho hay, đàn voọc từng có cả trăm con nhưng nay chỉ còn khoảng vài chục cá thể do môi trường bị thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm. Đặc biệt tình trạng săn bắt không được ngăn chặn khiến chúng suy giảm số lượng nhanh chóng.
“Trước đây cây rừng tự nhiên bạt ngàn, đàn voọc bay, nhảy từ cây này qua cây khác theo bầy đàn kiếm thức ăn, số lượng đàn tăng lên nhanh chóng. Nhưng thời gian gần đây thì ngược lại”, ông Cường nói và thông tin thêm, loài voọc này không phá hoại cây trồng của người dân, chúng chỉ ăn lá rừng.
Theo ông Cường, cách đây khoảng 10 năm, cây keo đem lại giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân phá rừng để trồng keo. Hiện cây keo được trồng dày đặc nhưng loài voọc chỉ sinh sống được trong những cánh rừng tự nhiên còn sót lại ở Nà Lấm, Hòn Bà, Hòn Dồ và khu vực phát sóng trạm viễn thông trên đỉnh núi.
Một trong bốn khu rừng tự nhiên rộng khoảng một hecta còn sót lại gần trang trại ông Nguyễn Văn Cường, nơi quần thể voọc thường lui tới kiếm thức ăn. |
"Khi voọc đến khu rừng nào thì rất dễ biết vì chúng hú, kêu rộn ràng. Đứng từ xa sẽ thấy voọc vắt vẻo, bay nhảy trên cây rất đẹp", ông Cường nói.
Ông Nguyễn Dư (xã Tam Mỹ Tây) nói số lượng voọc còn lại hiện tập trung nhiều nhất ở núi Hòn Bà, nơi có diện tích khoảng 10 hecta rừng tự nhiên.
Một cá thể voọc chà vá chân xám bay nhảy tìm kiếm thức ăn. |
Ông Phan Minh Huấn - Cán bộ phụ trách trạm kiểm lâm Núi Thành, cho biết đơn vị đã từng thông báo cho chi cục kiểm lâm tỉnh về tình trạng của đàn voọc trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền người dân không xâm hại đến voọc. Tuy nhiên, theo ông, một số người dân ở địa phương khác đã lén lút đến khu vực này để săn bắt voọc.
Ông Huấn thông tin thêm, đến nay chưa có bất kỳ dự án hay chương trình nào về việc bảo tồn voọc, trong khi đó công việc này cần có kinh phí thì mới triển khai được.
Theo ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Nam, thời gian tới chi cục sẽ rà soát lại phân bố của đàn voọc và đưa ra một số giải pháp.
"Chúng tôi sẽ đầu tư vào vùng này nhằm giảm tối thiểu tác động vào rừng, tạo sinh cảnh để bảo tồn”, ông Tuấn nói.
Voọc chà vá chân xám có tên khoa học Pygathrix cinerea là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực Trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Số lượng quần thể ước khoảng 500, chúng nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới. |
Theo VNE