|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải xong tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2019, không đợi tới năm 2020 như tiến độ mà nhà đầu tư và Bộ Giao thông vận tải đề ra. |
Phải xong cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2019
Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư báo cáo phải đến giữa năm 2020 mới xong tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án này có quy mô 51,1km, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 14.600 tỉ đồng (hiện điều chỉnh còn khoảng 9.600 tỉ đồng), được động thổ từ tháng 2-2015 nhưng “giậm chân” cho tới nay vì vướng nguồn vốn khi các ngân hàng thương mại lúc đó rút khỏi dự án.
Ông Phan Anh Dũng, giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết hiện tại đã giải phóng mặt bằng được khoảng 50%, dự kiến đến tháng 7 giải ngân cơ bản cho giải phóng mặt bằng khoảng 1.200 tỉ đồng trong tổng số 1.700 tỉ đồng vốn giải phóng mặt bằng cho dự án này và sẽ triển khai thi công, quyết tâm đến giữa năm 2020 sẽ thông xe.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án trong năm 2019 bởi hiện tại nguồn vốn đã được đảm bảo, giải phóng mặt bằng cũng đã cơ bản hoàn thành, hiện tại khó khăn của dự án chỉ là nguồn cát san lấp mà thôi.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã hỏi thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật khi nào xong dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Nhật không trả lời cụ thể thời điểm nào xong mà dẫn ra một số quy định cho rằng nếu đấu thầu rộng rãi, nhà đầu tư thì khi chọn được nhà đầu tư BOT phải mất 627 ngày, còn đấu thầu trong nước với duy nhất nhà đầu tư thì cũng mất 597 ngày. Khi đấu thầu xong thì thời gian triển khai thi công chỉ mất hai năm.
Ông Sơn Minh Thắng, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết người dân đã lên tiếng rất nhiều về đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các địa phương ở ĐBSCL về các dự án cao tốc này nhưng thời gian qua lại vướng mắc ở khâu vốn.
Ông Thắng đề nghị phải gấp rút triển khai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bởi nếu làm xong thì sẽ vực dậy ĐBSCL.
Tìm ngay giải pháp thay thế cát truyền thống
Góp về giải pháp để có nhanh các tuyến đường cao tốc cho ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Thể, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (ông Thể trước đây là thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải), cho rằng trường hợp giá cát cùng các yếu tố khác làm tổng vốn đầu tư tăng thì Nhà nước phải rà soát kỹ, bỏ vốn ngân sách đầu tư cho phần tăng này và nhà đầu tư chỉ chịu trách nhiệm so với số vốn hơn 9.600 tỉ đồng hiện tại, có như vậy thì mới làm được dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Còn tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Thể đề nghị Chính phủ phải có cơ chế đặc biệt.
Theo đó, trong quá trình đấu thầu, Nhà nước trích ngân sách giải phóng mặt bằng, đến khi chọn được nhà đầu tư thì họ trả lại tiền này cho Nhà nước, chứ đợi tới khi có nhà đầu tư rồi mới giải phóng mặt bằng thì tới năm 2020 không thể có tuyến cao tốc này.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu từ nay tới năm 2020 phải gỡ nút thắt chính hạ tầng giao thông ĐBSCL mà nút thắt lớn nhất là tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng.
Trả lời kiến nghị của nhiều địa phương về tình trạng thiếu cát san lấp các công trinh giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm các địa phương chỉ cấp phép khai thác cát đúng quy hoạch, gắn với việc chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành liên quan phải tìm ngay các giải pháp thay thế cát truyền thống (phục vụ san lấp và xây dựng).
Theo Phó Thủ tướng, cát san lấp là vấn đề rất lớn mà không nghiên cứu có giải pháp thay thế thì thời gian tới sẽ gây khó khăn cho việc đầu tư hạ tầng giao thông.
Theo TTO