Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao những cố gắng thành phố đạt được trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt là duy trì hạ tầng, cải tạo kỹ thuật, giảm kẹt xe.
Tuy nhiên ông Đông cho rằng, dù là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước nhưng hạ tầng giao thông của TP.HCM chưa tốt. Các dự án vành đai, metro chậm trễ làm ảnh hưởng đến tổng quan hạ tầng giao thông toàn vùng. Vì vậy, thành phố cần bổ sung quy hoạch, chủ động làm sớm các dự án quan trọng (như tàu điện ngầm), các dự án lớn ở nội đô và các đường vành đai.
"Hạ tầng đường bộ của TP.HCM hiện kém xa Hà Nội. Ở thủ đô tất cả cửa ngõ đều thông thoáng, có đường cao tốc về các tỉnh, các tuyến đường vành đai khép kín. Còn ở thành phố, vành đai 3 đóng vai trò vực dậy kinh tế cả vùng nhưng chưa có đoạn nào làm trọn vẹn", ông Đông nói và giải thích so sánh như thế không phải có ý xấu, mà để thấy được thực trạng giao thông của thành phố đang chưa tốt.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói hạ tầng TP.HCM đang kém xa Hà Nội. |
Thứ trưởng Bộ Giao thông đề nghị TP.HCM nhanh chóng hoàn thiện khép kín đường vành đai 2, các đoạn đường gặp khó khăn của vành đai 3. Đây là các dự án lớn, cấp bách, có vai trò quan trọng trong quy hoạch giao thông thành phố và cả vùng miền.
Trước đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ODA từ ngân sách Trung ương cho 2 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2017-2020 là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (hơn 29.500 tỷ đồng) và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 (hơn 8.500 tỷ đồng).
Theo ông Liêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí cho thành phố hơn 11.500 tỷ đồng cho 2 dự án (7.500 tỷ cho tuyến metro số 1 và hơn 4.000 tỷ cho dự án cải thiện môi trường nước) - chỉ đáp ứng được 39% tổng nhu cầu của thành phố, rất khó hoàn thành 2 dự án đúng thời gian quy định.
"Khối lượng thi công các dự án đang đúng tiến độ cam kết nhưng không đủ vốn để bố trí. Các nhà thầu nhiều lần đề nghị thanh toán, nếu không sẽ ngưng thi công. Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của Nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung", ông Liêm nói.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng cho một số cơ chế khác tạo thuận lợi phát triển như: thủ tục tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại; tiếp nhận khoản vay 200 triệu Euro của Ngân hàng Đức cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương); sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của thành phố...
Theo VNE