Macron ủng hộ Assad, tôn trọng Putin, không muốn Syria giống như Libya
Truyền thông quốc tế cho hay, ngày 21/6 trong cuộc trả lời phỏng vấn 8 hãng tin tại châu Âu, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng tại Syria hiện nay không có nhân vật nào có thể thay thế vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad.
"Quan điểm của tôi về vấn đề Syria là không xem sự ra đi của Tổng thống al-Assad là điều kiện tiên quyết cho tất cả mọi điều, bởi không ai có thể là người kế nhiệm hợp pháp ông ấy trong thời điểm hiện nay”.
Người đứng đầu Điện Elysees khẳng định: “Lập trường của tôi cũng rất rõ ràng. Trước hết, cần một cuộc chiến toàn diện để chống lại tất cả các nhóm khủng bố. Chúng là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta cần sự hợp tác của tất cả các lực lượng, đặc biệt là Nga, để diệt trừ khủng bố”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với những toan tính mới |
Theo ông Macron, nhà lãnh đạo đương thời của Syria không phải là kẻ thù của nước Pháp và ưu tiên của Paris là đảm bảo sự ổn định cho đất nước Syria, tránh để cho quốc gia Trung Đông này trở thành một quốc gia thất bại, tan vỡ. Bởi điều đó chỉ có lợi cho khủng bố.
Có thể nhận diện, quan điểm của chính quyền mới tại nước Pháp là trái ngược hoàn toàn với quan điểm của chính quyền tiền nhiệm.
Từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, chính quyền Pháp luôn ủng hộ mạnh mẽ phe đối lập Syria chống lại chính quyền Assad. Cựu Tổng thống Francois Hollande từng phát biểu trước Đại hội đồng LHQ năm 2015 rằng: “Assad là nguồn gốc của vấn đề và không thể là một phần của giải pháp cho Syria”.
Tuy nhiên, khi được giao nắm giữ quyền lực, chính quyền tân Tổng thống Macron đã có sự thay đổi rất lớn trong lập trường về Syria và tỏ ra khá tương đồng với lập trường của Moscow, khi xem việc thay thế ông Assad không phải là sự lựa chọn khả dĩ cho ván cờ Syria.
Ông Macron cũng thể hiện mong muốn hợp tác thực chất hơn với Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố, chứ không chỉ là những khẩu hiệu suông như người tiền nhiệm, vốn chỉ được hô lên sau mỗi khi nước Pháp bị khủng bố tấn công, rồi sau đó thì chìm vào quên lãng.
Người đứng đầu Điện Elysees cho biết ông đặt niềm tin vào Tổng thống Nga Putin, khi cho rằng có thể làm việc với người đồng cấp Nga trong cuộc chiến chống khủng bố và tìm ra một giải pháp thích hợp cho vấn đề Syria.
"Tôi không nghĩ ông ấy có một mối quan hệ tình bạn không thể lay chuyển với Assad. Ông ấy có hai nỗi ám ảnh, một là chống chủ nghĩa khủng bố và hai là tránh để Syria biến thành một quốc gia thất bại. Đây là quan điểm tương đồng với chúng tôi. Tôi tôn trọng ông Putin”.
Đặc biệt, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của nước Pháp cho rằng chính sách của Paris là quyết không để bị lôi vào một cuộc xung đột kiểu như Libya - một sai lầm không thể nào sửa chữa được.
Thay đổi quan điểm với Assad là một khởi đầu cho ké hoạch của Macron tại Syria? |
“Kết quả của sự can thiệp vào Libya là gì? Đó là những quốc gia thất bại trước một Libya hỗn loạn và phải chứng kiến một loạt nhóm khủng bố nở rộ tại quốc gia Bắc Phi này. Tôi không muốn điều đó xảy ra ở Syria”, ông Macron nhấn mạnh.
Paris mâu thuẫn với Washington
Nhà lãnh đạo mới được kỳ vọng là "Charles de Gualle đệ nhị" của nước Pháp cho thấy quan điểm khá độc lập với đồng minh bên bờ Tây Đại Tây Dương trong đánh giá về vai trò của Moscow trên bàn cờ chính trị thế giới cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tân Tổng thống Pháp tuyên bố, ông không cho phép “chủ nghĩa bảo thủ mới từ nước Mỹ” thẩm thấu vào chính sách của nước Pháp, đặc biệt là trong chiến lược ngoại giao quốc tế. Paris đã thể hiện rõ chủ trương tạo sự ổn định chính trị tại các quốc gia đang bị xem là đất sống và đất diễn của khủng bố.
Thực chất, quan điểm của Tổng thống Macron không khác quan điểm của EU khi muốn kiến tạo một nền hoà bình uỷ nhiệm cho Syria, mà Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini từng đề xuất.
"EU sẽ nỗ lực để đóng vai trò tiên phong trong giai đoạn hậu xung đột tại Syria. EU sẵn sàng hành động khi một quá trình chuyển giao chính trị diễn ra tại Syria. EU sẽ huy động quỹ để hỗ trợ tái thiết Syria".
Khi Mỹ tấn công Syria trong “sự kiện Idlib”, EU cũng tỏ ra không đồng thuận với hành động này của Washington.
"EU tin tưởng chắc chắn rằng không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Syria và cam kết ủng hộ sự thống nhất, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria", bà Mogherini thể hiện quan điểm chính thức của Brussels trước việc “Tomahawk Mỹ bay vào Syria”.
Ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại của EU cũng nhấn mạnh, hòa đàm giữa các bên tại Syria do LHQ làm trung gian là phương cách duy nhất trong việc tìm kiếm một giải pháp khá dĩ cho cuộc xung đột đẫm máu tại quốc gia này
Macron - Putin có thể song hành? |
Tuy nhiên, tất cả những mong muốn của Brussels đều không thể tiến triển được, mà lý do, một là bị Washington phá đám, hai là do EU chưa coi Nga là đối tác quan trọng và không thể thiếu trong việc hiện thực hoá kế hoạch của mình.
Khi Tổng thống Macron xem sự hỗn loạn tại Libya thời hậu Gaddafi là lời cảnh báo nguy hại, nhận diện Moscow là đồi tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, giới phân tích cho rằng vấn đề sẽ được khai thông.
Có lẽ chính vì vậy mà Lầu Năm Góc quyết hành động nóng để hy vọng đảo ngược thế cờ, nâng cao vị thế cho lực lượng đối lập cùng với đó là xác lập vai trò đạo diễn cho Washington trong ván cờ Syria.
Theo Đất Việt