Cảm tử với Nga, Mỹ xâm lược Syria?

Thứ năm, 22/06/2017, 14:29
Chỉ có một từ miêu tả việc một cường quốc bên ngoài xâm chiếm lãnh thổ mà không có sự đồng ý của quốc gia có chủ quyền đó là: “xâm lược”.

Chuyển hướng xâm lược Syria

Đã từ lâu, câu hỏi đặt ra là sau khi đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở cả Iraq và Syria, Mỹ sẽ làm gì tiếp theo?

Kịch bản lý tưởng đó là các đồng minh của Mỹ sẽ đánh bại các phần tử khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, các phe phái tham chiến ở Syria sẽ có không gian để đạt được thỏa thuận chính trị và cuộc nội chiến cuối cùng sẽ kết thúc.

Một chiếc F/A-18C Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower (CVN 69) của Mỹ trên Địa Trung Hải

Tuy nhiên, giới phân tích Mỹ chỉ thẳng ra rằng thay vì mang lại hòa bình, Mỹ không chỉ làm dấy lên nguy cơ đối đầu trực tiếp và lâu dài với Syria và Nga, Mỹ còn đang lấn sâu vào cuộc xâm lược hoàn toàn và mở rộng sự chiếm đóng ở miền Bắc Syria.

Sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria phát triển qua 3 giai đoạn chính, phản ánh diễn tiến của cuộc xung đột.

Giai đoạn 1 đó là khẩn cấp triển khai lực lượng quân sự để ngăn chặn sự sụp đổ của cả các đồng minh người Kurd ở Iraq và chính quyền trung ương Iraq tại Baghdad.

Trong giai đoạn đầu tiên này, Mỹ không có cuộc xung đột trực tiếp nào với chế độ Assad bởi ông Assad cũng đang tiến hành cuộc chiến vì sự sống còn của ông tại các thành phố cách xa trung tâm kiểm soát của IS.

Cuộc nội chiến ở Syria vốn bao gồm nhiều cuộc xung đột khác nhau: Tổng thống Assad chống lại phe nổi dậy do Mỹ ủng hộ, Tổng thống Assad chống lại các nhóm thánh chiến, phe nổi dậy chống lại lẫn nhau, IS chống lại tất cả và liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại IS.

Phi công và máy bay chiến đấu của Nga tại Syria

Giai đoạn 2 bắt đầu với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định can dự vào cuộc xung đột. Đối với phương Tây, Nga tới Syria không phải để chống IS mà để tấn công các nhóm nổi dậy do Mỹ ủng hộ và các nhóm dân quân chống lại ông Assad.

Nhờ sự hỗ trợ của Nga, quân đội Syria đã giành chiến thắng tại các trận chiến chủ chốt và giành lại các thành phố chính.

Trong khi đó, các đồng minh được Mỹ ủng hộ đã đạt được tiến triển ở phía Bắc. Các nhóm dân quân người Kurd và Arab - với sự hậu thuẫn của Mỹ trên bộ và trên không - đã tiến tới vùng ngoại ô thành phố Raqqa.

Trong bối cảnh IS bắt đầu tan rã và ông Assad chiến thắng ở miền Nam và miền Tây, một điều trở nên rõ ràng đó là thay vì “một mớ bòng bong” các lực lượng và các cuộc xung đột, cuộc nội chiến Syria đã lên mức đỉnh điểm, nơi 2 lực lượng riêng nắm giữ cán cân quyền lực, đó là: quân chính phủ Syria liên minh với Nga và các lực lượng đồng minh của Mỹ đang kiểm soát ở miền Bắc.

Biểu tình phản đối chiến tranh ở Syria ngay trước Nhà Trắng

Điều này đã đưa Mỹ tới giai đoạn 3 như hiện nay. Trong lúc các lực lượng đồng minh của Mỹ và quân đội Syria dần đánh bại và làm suy yếu các kẻ địch, khu vực kiểm soát của họ được mở rộng và do đó gia tăng khả năng xung đột trực tiếp.

Trong bối cảnh các lực lượng của Mỹ giành được bước tiến cùng các đồng minh tại Syria, họ cũng làm gia tăng khả năng đối đầu trực tiếp với lực lượng của ông Assad.

Để đáp trả, Tổng thống Assad đang thử thách cam kết của Washington trong việc bảo vệ không chỉ binh sĩ Mỹ mà cả các đồng minh.

Trong một tháng vừa qua, các lực lượng của Mỹ đã 4 lần chạm trán trực tiếp các lực lượng của Syria đang đe dọa các binh sĩ Mỹ hay các lực lượng đồng minh của Mỹ.

Vụ đối đầu kịch tính nhất đã diễn ra cuối tuần qua khi máy bay F/A-18 của Mỹ bắn hạ máy bay Su-22 của Syria sau khi chiếc máy bay này thả bom vào các tay súng do Mỹ hậu thuẫn.

Ngay cả giới phân tích Mỹ cũng phải thừa nhận rằng chỉ có một từ rõ nhất để miêu tả việc một cường quốc bên ngoài xâm chiếm lãnh thổ mà không có sự đồng ý của quốc gia có chủ quyền đó là: “xâm lược”.

Chính sách của Mỹ hiện nay là phiên bản “ít tham vọng hơn” của cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Mỹ đang sử dụng các đồng minh địa phương, nhưng cũng tham chiến trên thực địa, và đang trực tiếp bảo vệ các lực lượng và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ chính quyền Syria.

Cuộc chiến mà Mỹ vẫn tuyên bố nhằm chống lại IS đang chuyển thành cuộc xâm lược Syria.

Mỹ sẵn sàn cảm tử với Nga?

Ngày 19/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã tuyên bố Moscow sẽ coi tất cả máy bay của Mỹ và lực lượng đồng minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đang tiến hành các chiến dịch tại phía Tây Syria, nơi có sự hiện diện của các lực lượng Nga và chính quyền Damascus, là mục tiêu.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào máy bay của Syria là một hành động xâm lược và là một sự vi phạm luật pháp quốc tế.

Nga cũng tuyên bố “cắt đứt” đường dây nóng với Lầu Năm Góc, vốn được sử dụng nhằm cảnh báo các cuộc đụng độ không mong muốn giữa các máy bay chiến đấu của Mỹ và Nga trên bầu trời Syria.

Các máy bay của Mỹ và đồng minh tại phía Tây Syria bị Nga coi là mục tiêu

Tuyên bố của phía Nga là lời đáp trả vụ Mỹ bắn hạ máy bay của lực lượng không quân Syria tại phía Bắc Syria, gần thành phố Raqqa do IS nắm giữ. Vụ việc diễn ra vào ngày 18/6 đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bắn hạ một máy bay của quân đội Syria ngay trên lãnh thổ Syria, tạo ra nguy cơ leo thang trong cuộc chiến 6 năm qua nhằm thay đổi chế độ do Mỹ đạo diễn.

Washington đã đưa ra một loạt lời đáp trả đầy mâu thuẫn. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford tuyên bố với báo giới rằng Lầu Năm Góc sẽ tiến hành các biện pháp ngoại giao và quân sự nhằm thiết lập lại đường dây liên lạc này.

Khi được hỏi về những lo lắng về vấn đề an toàn cho các phi công Mỹ bay trên bầu trời Syria sau tuyên bố của Nga, ông Dunford cho biết ông tin tưởng rằng các lực lượng của Mỹ có khả năng tự vệ.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, người phát ngôn Sean Spicer đã tuyên bố rằng Washington sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ tại Syria, đồng thời cho biết “Mỹ sẽ duy trì quyền hợp pháp của mình”.

Tên lửa S-400 của Nga tại một căn cứ ở Latakia, Syria

Lý do duy nhất giải thích cho việc Mỹ bắn hạ máy bay của Syria là nhằm bảo vệ quyền bá chủ tại khu vực Trung Đông và trên thế giới. Trước đó, Mỹ cũng đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng của chính phủ Syria.

Tháng 9/2016, lực lượng không quân Mỹ đã làm chết và bị thương 200 binh sĩ thuộc quân chính phủ Syria tại tỉnh Deir el-Zour. Sau đó vào tháng 4/2017, Mỹ đã dội 50 quả tên lửa hành trình vào căn cứ không quân al-Shayrat của Syria với cái cớ nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng khí độc làm nhiều người thiệt mạng mà Mỹ cho rằng quân đội Syria là thủ phạm.

Trong những tháng qua, Lầu Năm Góc đã tiến hành 3 cuộc không kích khác nhau nhằm vào các lực lượng thân chính phủ Syria, vốn đang tiến sát vào một căn cứ trên sa mạc, gần khu vực biên giới al-Tanf của Syria với Iraq, nơi mà 150 lính đặc nhiệm Mỹ đang huấn luyện quân nổi dậy nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh để lật đổ chế độ ở Damascus.

Mỹ sẵn sàng đối đầu Nga để thay đổi cục diện tại Syria?

Các cuộc tấn công mới này rõ ràng cho thấy âm mưu thực hiện chiến dịch chống lại IS của liên minh quốc tế dưới sự lãnh đạo của Mỹ chẳng qua là vỏ bọc cho một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ nhằm thay đổi chế độ tại Syria, lật đổ Tổng thống Assad và sau đó dựng lên chế độ “bù nhìn” tại đây.

Chiến dịch của Mỹ tại Syria cũng là một phần trong chính sách của Mỹ đối với Iran mà đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trong chuyến thăm của mình tới 2 “kẻ thù” chủ chốt của Teheran là Saudi Arabia và Israel. Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến hiện hữu hơn khi Iran tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu của IS tại thành phố Deir el-Zour của Syria.

Iran tuyên bố trả đũa vụ khủng bố tại Tehran hồi đầu tháng làm 18 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương và sau đó IS đã tuyên bố tiến hành. Tuy nhiên, Tướng Ramazan Sharif, người đứng đầu lực lượng Vệ binh cách mạnh Hồi giáo Iran, tuyên bố Saudi Arabia và Mỹ chính là “đích đến của bức thông điệp này”. Teheran cũng đã tuyên bố Saudi Arabia đứng đằng sau cuộc tấn công khủng bố tại Iran.

Lật ngược thế trận hiện nay tại Syria là việc cốt yếu để Mỹ khẳng định vị thế bá chủ tại khu vực Trung Đông giàu có về dầu mỏ. Có ý kiến thậm chí còn cho rằng chính các quan chức Lầu Năm Góc mong muốn có một cuộc đối đầu với Iran và Nga nhằm đạt được mục tiêu này, kể cả khi việc đó có nguy cơ gây ra một thảm kịch đối với thế giới.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn