23 tỷ phú Trung Quốc biến mất

Thứ năm, 22/06/2017, 14:20
Sự can thiệp của chính phủ, tình trạng đầu cơ không kiểm soát khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm niềm tin.

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về số lượng tỷ phú và số cá nhân sở hữu tài sản giá trị cao ở Trung Quốc đã tăng gấp 9 lần trong vòng 10 năm trở lại đây, theo Reuters.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nước có sự biến động lớn nhất về thống kê số lượng tỷ phú do những vấn đề về kinh tế.

Hiện tại, hàng loạt tỷ phú Trung Quốc đang bị xóa sổ bởi cơn sốt IPO đang diễn ra ở nước này.

Sự bùng nổ của IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu của các công ty ra công chúng) do sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc cộng với tình trạng đầu cơ không được kiểm soát, đang ngày càng trở nên phổ biến khi các nhà quản lý chấp thuận nới lỏng và đẩy nhanh quá trình niêm yết cho các loại cổ phiếu mới.

Vị thế hào nhoáng của nhiều doanh nghiệp cùng một phần lớn tài sản thực đã bị nhấn chìm trong làn sóng IPO trên thị trường chứng khoán

Điều này khiến cho tài sản của các công ty mới niêm yết bị định giá sai, thường là khống giá trị lên nhiều lần nhưng cũng nhanh chóng sụt giảm rất mạnh.

Theo thống kê đã có khoảng 23 tỷ phú mới nổi bị rớt khỏi danh sách theo những cách nói trên trong vòng 12 tháng qua.

Số liệu của hãng tin Bloomberg cho biết, tài sản ròng của những tỷ phú này đã giảm từ mức đỉnh là 55 tỷ USD xuống chỉ còn 35 tỷ USD.

Hệ quả của cách làm này, theo GS tài chính của Đại học Florida Jay Ritter, nó thúc đẩy những kẻ đầu cơ và khiến những nhà đầu tư trung thực cùng các doanh nghiệp niêm yết bị thiệt hại.

Sự can thiệp của Trung Quốc vào thị trường chứng khoán, theo các chuyên gia, là không bình thường và làm mất lòng tin của giới đầu tư.

Còn nhớ năm 2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo, chính phủ nước này đã can thiệp hành chính quy mô lớn.

Khi ấy, báo cáo Ngân hàng Thế giới đã ra hẳn một chương phê phán gay gắt vai trò mà chính phủ Trung Quốc thể hiện.

Theo đó, khi thị trường chứng khoán lao dốc, chính phủ Trung Quốc đã thể hiện các chức năng “chưa rõ ràng, trùng lặp và xung đột nhau”.

Báo cáo phê phán mạnh mẽ việc chính phủ Trung Quốc chưa đảm nhiệm tốt vai trò quản lí vĩ mô trên thị trường tài chính tiền tệ, ngược lại “can dự một cách phổ biến và trực tiếp vào hoạt động phân bổ nguồn lực”.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn