Đối thoại để hạ nhiệt 'điểm nóng' khai thác cát

Thứ năm, 22/06/2017, 15:24
Được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép từ năm 2015 hoặc 2016 nhưng cho đến nay các doanh nghiệp vẫn không thể khai thác cát trên sông Hà Thanh do người dân kiên quyết phản đối.

Ông Trần Châu đi kiểm tra hiện trường sông Hà Thanh cùng người dân

Ngày 22.6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cùng đại diện các sở, ngành trong tỉnh đã đối thoại với người dân các xã Canh Vinh, Canh Hiển (H.Vân Canh) về tình hình khai thác cát tại địa phương.

Kiên quyết phản đối

Theo Sở TN-MT tỉnh Bình Định, trên sông Hà Thành đoạn qua địa bàn xã Canh Vinh (H.Vân Canh) có 5 đơn vị được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác cát. Tất cả đều nằm trong Khu quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Bình Định và đầy đủ thủ tục pháp lý.

Cụ thể, Công ty TNHH Tân Thịnh được cấp phép khai thác trên diện tích 5ha, DNTN Thiện Phú được cấp phép 3ha, Công ty TNHH Danh Thanh Đạt được cấp phép 2,7ha, Công ty TNHH thương mại và xây dựng Khôi được cấp phép khai thác gần 8ha, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Duy Hiệp được cấp phép 3ha.

Tại xã Canh Hiển, UBND tỉnh Bình Định cũng cấp giấy phép cho DNTN Đinh Toàn khai thác cát trên diện tích rộng 1ha, trữ lượng 25.000m3 cát. Hầu hết các doanh nghiệp này đều được cấp phép vào năm 2015 hoặc 2016, thời hạn khai thác 2 năm.

Một cụ bà trình bày nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh Bình Định về việc hút cát trên sông Hà Thanh

Tuy nhiên, suốt từ năm 2015 đến nay, mỗi khi các doanh nghiệp thực hiện khai thác cát thì bị người dân tập trung phản ứng, ngăn chặn.

Hiện chưa có doanh nghiệp nào thực hiện được việc khai thác cát tại các xã Canh Vinh, Canh Hiển. Thậm chí, vào giữa tháng 6 vừa qua, có doanh nghiệp được cấp phép nhưng không khai thác cát được đã đem 2 xe tải chặn QL 19 C gây ách tắc giao thông, thách thức người dân và cán bộ địa phương.

Tại buổi đối thoại, người dân đưa ra nhiều lý do để phản đối các doanh nghiệp khai thác cát, trong đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề chính: khai thác cát làm sạt lở bờ sông, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, sạt lở cây trồng của người dân trên các bãi bồi… Nhiều người cho rằng việc doanh nghiệp đến địa phương khai thác cát làm ô nhiễm môi trường nhưng người dân lại không được hưởng lợi gì.

“Chưa đầy 4km mà đã có đến 7 hay 8 điểm khai thác cát suốt mấy năm nay rồi, hiện vẫn còn 3 điểm khai thác cát. Hồi xưa, mùa nắng hay mùa mưa gì sông Hà Thanh cũng có nước hết, giờ thì mùa nắng không có nước. Chúng tôi làm đơn gửi khắp các nơi nhưng không cơ quan nào chịu giải quyết, cứ để cho doanh nghiệp khai thác cát. Tôi đề nghị đình chỉ hoạt động khai thác cát tại xã Canh Vinh”, cụ Nguyễn Duy Đĩnh (90 tuổi, ở thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh) nói.

Cụ Đĩnh đề nghị chấm dứt việc khai thác cát trên sông Hà Thanh
Ông Thành trình bày nguyện vọng của mình
Dân đồng thuận mới khai thác được
Theo Trần Châu, trước đây, một số doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hà Thanh không đúng với quy định, có phần bừa bãi, quá trình vận chuyển cát làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đường xá và một số doanh nghiệp hăm dọa khi người dân tự ý lấy cát đem về xây nhà… Vấn đề này đã được UBND tỉnh Bình Định kiểm tra, xử lý dứt điểm.
“Hiện tỉnh Bình Định có 4 con sông, trong đó các sông Lại Giang, La Tinh, sông Côn thì việc khai thác cát bình thường. Riêng sông Hà Thanh thì chưa khai thác cát được, khiến giá cát xây dựng trên địa bàn TP.Quy Nhơn và H.Vân Canh tăng cao, đẩy giá trị các công trình xây dựng cũng tăng theo”, ông Châu nói.
Sông Hà Thanh đoạn chảy qua xã Canh Vinh
Ông Châu cho biết các địa điểm được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác cát trên sông Hà Thanh đều là những bãi bồi. Nếu những bài bồi này không được khai thác, vào mùa mưa lũ, nước bị nén dòng phải chảy sang một bên bờ dẫn đến xói lở.
Trước khi cấp phép khai thác cát, UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Sở Xây Dựng phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu, chọn vị trí phù hợp.
“Từ hơn 10 năm nay, sông Hà Thanh đã không có nước vào mùa nắng rồi, do nước từ các suối chảy về sông rất ít, chứ không phải do khai thác cát gây ra. Muốn giữ nguồn nước thì chúng ta phải giữ từ thượng nguồn, phải giữ được rừng, chứ không phải giữ từ hạ lưu. Nguồn nước sông Hà Thanh phụ thuộc vào lượng mưa, nguồn nước ngầm và điều kiện khí hậu thay đổi… ”, ông Châu giải thích.
Ông Châu cho biết UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng, mở rộng hệ thống cấp nước đến với người dân xã Canh Vinh, Canh Hiển. Hiện bờ sông Hà Thanh tại 2 xã nói trên chưa bị sạt lở, chưa có những điểm sạt lở nghiêm trọng như người dân đã phản ánh.
Nếu bờ sông sạt lở thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành xây kè ngay, không để ảnh hưởng đến người dân. Ông Châu cũng giải thích việc người dân trồng cây tại các bãi bồi trên sông là trái phép, ngăn cản dòng chảy của nước vào mùa mưa lũ, gât sạt lở bờ sông…
“Nếu đúng như bà con phản ánh ở đây, việc khai thác cát ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, gây sạt lở bờ sông thì UBND tỉnh sẽ đình chỉ khai thác ngay. Không có cơ quan nhà nước nào để cho doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến đời sống người dân cả. Nếu thực sự có sạt lở thì các sở, ngành đi kiểm tra ngay, đề xuất hướng giải quyết cho UBND tỉnh”, ông Châu giải thích.
Ông Trần Châu tại hiện trường sông Hà Thanh
Sau buổi đối thoại, ông Châu đã cùng với một số người dân đi kiểm tra các điểm sạt lở được phản ánh trong buổi đối thoại. Tuy nhiên, những điểm này không có hiện tượng sạt lở bờ sông nghiêm trọng.
“Việc khai thác cát cần sự đồng thuận của người dân. Sắp đến, nếu người dân tiếp tục phản đối, UBND tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc khai thác cát đối với sự phát triển kinh tế của địa phương”, ông Châu nói.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn