|
Sử dụng nước tiết kiệm cả trong sinh hoạt và sản xuất là cách tốt nhất để làm chậm quá trình sụt lún. |
Tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm ở ĐBSCL khiến mực nước ngầm một số nơi đã giảm từ 20 - 40 m, theo báo cáo “Tác động của 25 năm khai thác nước ngầm lên sụt lún đất ở ĐBSCL”, do Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) phối hợp với các chuyên gia VN thực hiện.
Thủy triều ngày càng cao
Các luống hành tím, củ cải trắng trồng cặp đường Nam Sông Hậu ở TX.Vĩnh Châu, Sóc Trăng vẫn xanh tươi nhờ nguồn nước ngầm tưới mát rượi. Sự khác biệt lớn nhất trước nay với những người dân ở đây chỉ là cách khai thác nước ngầm ngày càng khó khăn hơn.
Anh Vẹn, một cán bộ công tác trong ngành tài nguyên - môi trường địa phương, cho biết mặt đất có lún hay không thì không ai cảm nhận được nhưng có một sự thật mà ai sống dọc con sông Mỹ Thanh cũng nhận thấy là mấy năm gần đây thủy triều ngày một cao hơn. "Cụ thể nhà tôi, những đợt thủy triều cao nhất năm 2015 chỉ ngập nền nhà sau, sang năm 2016 nước ngập luôn cả nhà trước trong khi hai nền chênh nhau một tấc. Người dân ở đây ai có tiền thì nâng nền, người ít tiền hơn “đắp đê” be xung quanh nhà cho nước khỏi tràn vào", anh Vẹn kể.
Cách TX.Vĩnh Châu gần 40km, anh N.T.Nhất (ngụ TP.Sóc Trăng) cho biết khoảng 5 - 7 năm nay đỉnh triều cường ngày một cao, đặc biệt trong 2 năm gần đây, dễ thấy nhất là ở khu vực phường 2. Một số tuyến tỉnh lộ thỉnh thoảng cũng bị ngập dù gần đây đã được nâng cấp.
Nhiều người sống ở khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu cũng có chung sự thắc mắc “không hiểu sao thủy triều năm nào cũng tăng và dường như tăng rất nhanh”. Chị Lê Kim Nhân (ngụ ấp Bà Hương, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) lo lắng: "Mấy năm gần đây đỉnh triều cường mồi năm tăng từ 2 - 3 tấc".
Theo báo cáo của ĐH Utrecht, từ năm 1991 tình trạng khai thác nước ngầm ở ĐBSCL bắt đầu vượt mức, dẫn đến sụt giảm mực nước, lún tăng dần cùng với sự cạn kiệt tầng nước ngầm. Tốc độ sụt lún nhanh nhất là thời điểm hiện tại.
Ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình trạng khai thác nước ngầm hiện nay, lãnh đạo Sóc Trăng đã ra văn bản cấm việc nuôi thủy sản nước ngọt trong vùng mặn đồng thời lên kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý nước mặt phục vụ cho sinh hoạt của người dân đô thị. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại tình hình ô nhiễm nước sông hiện nay sẽ rất khó thực hiện.
Nước ở các tuyến kênh thuộc huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) bị cạn. |