|
Đến cuối năm 2018, bến xe Miền Đông cũ sẽ chấm dứt hoạt động. Trong ảnh: một góc bến xe Miền Đông cũ |
Việc di dời bến xe Miền Đông ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng vạn người mỗi ngày đi các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên, miền Trung và miền Bắc.
Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Thừa, tổng giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết đơn vị sẽ tổ chức di dời bến xe theo ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu di dời bến xe đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2018.
Để tránh xảy ra những xáo trộn gây khó khăn cho hành khách, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải (Samco - đơn vị quản lý 4 bến xe lớn ở TP.HCM) xem xét, hoàn thiện kế hoạch di dời bến xe cũ về bến xe mới. Đồng thời, giao Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng tổ chức tuyến xe buýt đưa khách từ bến xe cũ ra bến xe mới.
Sở cũng đề nghị Samco đề xuất phương án cho hành khách đi xe buýt miễn phí trong giai đoạn đầu từ bến xe cũ đến bến xe mới để bà con quen dần với đường đi đến bến xe mới.
Theo ông Trần Quốc Toản - tổng giám đốc Samco, dự án bến xe Miền Đông mới có tổng diện tích trên 16ha. Trong đó, 12,3ha nằm trên địa bàn Q.9 (TP.HCM), phần còn lại 3,7ha thuộc H.Dĩ An (Bình Dương).
Bến xe mới bao gồm trung tâm thương mại, khu phức hợp mua sắm, vui chơi giải trí, nhà hàng khách sạn. Đồng thời kết nối với tuyến metro số 1 Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9). Bến xe này sẽ phục vụ khoảng 7 triệu lượt hành khách/năm.
|
Ba thời điểm di dời bến xe Miền Đông |
Về dự án xây dựng bến xe Miền Tây mới tại xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, Samco cho biết đã chuẩn bị kinh phí 726 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện nay, các cơ quan đang triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng.
UBND TP giao Sở Tài nguyên - môi trường khẩn trương rà soát, làm thủ tục thu hồi đất. Đồng thời giao UBND H.Bình Chánh hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và giải phóng xong mặt bằng dự án trước ngày 30-9-2017.
Diện tích xây dựng bến xe Miền Tây mới là 24,3ha. Trong đó 17ha là bến xe mới, phần diện tích còn lại là depot (trạm bảo dưỡng kỹ thuật) của tuyến xe buýt nhanh (BRT).
Bến xe Miền Tây mới sẽ kết nối với tuyến metro số 3a Bến Thành - ga Tân Kiên (Bình Chánh), monorail số 2 bến xe Q.8 mới (trên quốc lộ 50) - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) và tuyến xe buýt nhanh cùng các tuyến xe buýt trong tương lai.
Mặt bằng bến xe cũ làm gì? Bà Tăng Thị Thu Lý, phó tổng giám đốc Samco, cho biết theo quy hoạch đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào năm 2014, khoảng 50% diện tích bến xe Miền Đông cũ (6,2ha) sẽ dành làm bến bãi xe buýt và các dịch vụ đậu xe, 50% diện tích còn lại làm khu phức hợp trung tâm thương mại, cao ốc. Tuy nhiên, sau đó trong buổi làm việc vào cuối năm 2016, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu sử dụng mặt bằng bến xe Miền Đông cũ làm bến bãi công cộng cho xe buýt. Gần đây nhất là vào ngày 5-6, trong buổi làm việc về tiến độ xây dựng bến xe Miền Đông mới và dự án bến xe Miền Tây mới, ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM, giao Sở Giao thông vận tải phối hợp Samco và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xác định phương án sử dụng đất bến xe Miền Đông cũ sau khi di dời bến xe. Đồng thời, giao Sở Quy hoạch - kiến trúc xem xét, điều chỉnh quy hoạch mặt bằng bến xe Miền Đông cũ và bến xe miền Tây cũ, báo cáo UBND TP.HCM xem xét. |
Theo TTO