Mỹ dừng cấm vận, xin lỗi Nga vụ Su-22 Syria?

Thứ tư, 21/06/2017, 14:46
Mỹ đang dùng mọi cách để nối lại liên hệ với Nga tại Syria sau khi không quân nước này bắn hạ một chiếc Su-22 của quân đội Syria

Nga sẵn sàng đáp trả lệnh cấm vận

Ngày 20/6, Phó Ngoại trưởng Sergey Ryabkov tiết lộ với Sputnik rằng, Nga bắt đầu tiến hành đáp trả lại các biện pháp gia tăng trừng phạt của Mỹ.

Ông Ryabkov tin tưởng rằng, những hành động của Nga sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu của nước này trong tương lai. Các công ty và người dân Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp đáp trả mới.

Đây được coi là câu trả lời của Moscow sau khi Bộ tài chính Mỹ mở rộng biện pháp trừng phạt chống lại các công ty và công dân Nga và Donbass vì tình trạng căng thẳng tại đông Ukraina.

38 công ty, quan chức và 2 người là thành viên câu lạc bộ Biker "con sói đen" được thêm vào danh sách trừng phạt mới của Mỹ.

Nga dường như đã quá quen thuộc với lệnh cấm vận từ phương Tây

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với giới truyền thông rằng, các biện pháp trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra nhằm gia tăng áp lực đối với Nga trong việc thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận Minsk.

"Những thay đổi này sẽ duy trì áp lực đối với Nga để tiến tới giải pháp ngoại giao (cho cuộc xung đột ở Ukraina)'', ông Mnuchin nhấn mạnh và khẳng định rằng Hoa Kỳ luôn ủng hộ chủ quyền Ukraina.

Phản ứng trước thông tin này, Tổng thống Ukraina Piotr Poroshenko tuyên bố, chính quyền Kiev đã nhận được sử ủng hộ mạnh mẽ. Mỹ sẽ tiếp tục giữ biện pháp trừng phạt chống lại Nga cho đến lúc Nga thực hiện các thỏa thuận Minsk.

"Vâng, Mỹ sẽ giữ biện pháp trừng phạt chống lại Nga cho đến lúc Nga thực hiện các thỏa thuận Minsk. Chúng tôi rất vui vì sự ủng hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump và phó tổng thống Mike Pence", ông Poroshenko chia sẻ.

''Cây gậy và củ cà rốt''

Trong một diễn biến liên quan, mới đây truyền thông Mỹ dẫn một tài liệu mật cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã chuẩn bị một kế hoạch gồm 3 điểm để thương lượng với Nga.

Cụ thể, Washington có thể sẽ thuyết phục Moscow kiềm chế điều mà Mỹ coi là các hành động gây hấn và nhấn mạnh rằng, Washington sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục những hành động như vậy.

Thứ hai, Mỹ muốn phối hợp với Nga trong các vấn đề mang tính lợi ích chiến lược đối với Mỹ, bao gồm vấn đề Syria và Triều Tiên, cũng như an ninh mạng.

Điểm thứ ba của kế hoạch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định chiến lược với Nga. Trong đó Washington đã vạch ra một loạt các mục tiêu địa chính trị dài hạn có lợi cho đôi bên.

Trong khi đó, trao đổi với giới truyền thông, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Valdimir Putin cho biết: "Về kế hoạch của ông Tillerson mà báo chí đã đăng tải, chúng tôi hiện thời chưa biết gì. Có lẽ tốt hơn là nên hỏi các đồng nghiệp của chúng tôi từ Bộ Ngoại giao".

Bản kế hoạch mà Ngoại trưởng Mỹ đưa ra trong bối cảnh Thượng viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt mới chống lại Nga và tiếp tục triển khai các lệnh cấm vận hiện có.

Mỹ sẽ dừng cấm vận để nối lại liên hệ với Nga tại Syria?

Giới phân tích nhận định, nhiều khả năng lệnh mở rộng trừng phạt đối với Nga sẽ được Mỹ xem xét lại nhằm giữ hòa khí, phục vụ cho mục đích ''làm lành'' với Moscow.

Mối quan hệ Nga-Mỹ đã trở nên tồi tệ sau một loạt những hành động leo thang của Mỹ tại Syria mà đỉnh điểm là sự kiện chiến đấu cơ F/A-18E của Mỹ bắn hạ một cường kích Su-22 của quân đội Syria tại Tây Raqqa hôm 18/6. Đây là lần thứ 2 Mỹ tấn công trực tiếp vào quân đội Syria sau vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk hồi đầu tháng 4.

Mỹ và liên quân cáo buộc quân đội Syria đã ném bom vào các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn (SDF). Trong khi đó, Damacus khẳng định, chiếc Su-22 đang thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại vùng nông thôn phía Tây Raqqa.

Ngay sau vụ tấn công, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động đường dây nóng ngăn ngừa va chạm trên vùng trời Syria ký kết với quân đội Mỹ.

Ngoài ra, Nga cũng cánh báo rằng, hệ thống phòng không của nước này sẽ bắt đầu theo dõi các máy bay của liên quân do Mỹ dẫn đầu hoạt động ở miền Trung Syria, bất kỳ máy bay nào bay ở phía Tây sông Euphrates đều bị coi là mục tiêu.

Trước lằn ranh đỏ mà Moscow đưa ra, Mỹ lâm vào thế bị động và phải bố trí lại chiến đấu cơ tại Syria để tiếp tục các hoạt động hỗ trợ lực lượng người Kurd tấn công IS.

Tuy nhiên, các hoạt động này sẽ bị hạn chế do phần lớn bờ đông sông Euphrates đã được giải phóng, trong khi bờ Tây con sông này đã bị Nga ''khóa mục tiêu''.

Chính vì thế, Mỹ đang tìm mọi cách để nối lại mối liên hệ với Nga, trước khi mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Lầu Năm Góc.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn