Những ngày qua, trong quá trình tác nghiệp, tiếp xúc với nhiều ngư dân có tàu vỏ thép rỉ sét, hỏng hóc và cả những chủ công ty đóng tàu, chúng tôi thấy rõ hai thái cực, cảm xúc hoàn toàn trái ngược. Một bên là nỗi thất vọng, đau đớn khi bị lừa dối và một bên là sự trí trá, phủi bỏ trách nhiệm tới nhẫn tâm.
Ngay lúc này, sai phạm của doanh nghiệp đóng tàu vỏ thép dần được phơi bày thì niềm tin, sự kỳ vọng của ngư dân đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Không ít ngư dân đã rút tên mình khỏi danh sách đóng tàu vỏ thép.
Chủ nhân 19 con tàu 67 được đóng tại 2 công ty là Đại Nguyên Dương (Nam Định) và Công ty TNHH MTV Nam Triệu thấp thỏm “ngồi trên đống lửa” khi trải qua cơn ác mộng hãi hùng nhất trong đời. Mỗi con tàu có trị giá gần 20 tỷ đồng lại mang “trọng bệnh” nặng nề với nhiều dấu hiệu gỉ sét, hỏng máy... tràn lan.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý- Chủ tàu BĐ 99004 TS (do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng) buồn bã vì tàu vỏ thép xuống cấp. |
Len lỏi di chuyển lên tàu vỏ thép BĐ 99567 TS của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh - Bình Định (đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) nằm chỏng chơ giữa nắng để ghi hình. Tôi bất chợt “rùng mình” bởi những mảng rỉ sét trên boong tàu bị cơn gió mạnh, tấp bay vào người ràn rạt, lạnh cả sống lưng. Thật khó tin, con tàu này trị giá hơn 15 tỷ đồng và chỉ mới ra khơi 3 chuyến biển.
Kể từ ngày tàu hư hỏng nằm bờ, ngư dân Mạnh mất ngủ rồi đổ bệnh.
Ông Mạnh nói với tôi: “Thú thật, cả cuộc đời đi biển gặp sóng dữ, tàu Trung Quốc dí sát tôi vẫn không ngán. Giờ lên bờ lại sợ quá chừng. Tôi gói ghém quà quê mang ra tận Nam Định để tặng lấy tình vì cứ nghĩ doanh nghiệp chung lý tưởng bám biển với ngư dân. Nhưng khi con trai tôi phát hiện họ làm ăn gian dối, dùng thép Trung Quốc thay thép Hàn/ Nhật thì liền bị họ dọa giết. Rất nhiều chi tiết không đúng hợp đồng, tôi van xin làm đúng nhưng không được, họ quá ác”.
Tàu vỏ thép BĐ 99567 TS của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, 56 tuổi, trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bị rỉ sét. |
Sự cô đơn, tổn thương biểu hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác, ánh mắt nhợt nhạt của ông Mạnh.
Ai cũng hiểu, ngư dân vốn cả đời vượt sóng biển nay lại bị "trói chân, trói tay" thì sao chịu nổi?
Thay vì đánh bắt khơi xa thì ngày này qua ngày khác, họ phải theo đuổi hành trình tìm công lý vì việc thép dởm, máy giả… do công ty đóng tàu gây ra và cả “án tù tội” đang treo lơ lửng trên đầu từ khoản nợ hàng chục tỷ đồng với ngân hàng nếu không thể ra khơi nào biết lấy gì mà trả.
Với những người đã từng chứng kiến ngư dân rầu rĩ nhớ biển thì không khỏi đau lòng trước cảnh tượng các "cột mốc" chủ quyền phải ôm nỗi đau nằm bờ trong tuyệt vọng.
Ngư dân đã kể cho chúng tôi nghe họ phải năn nỉ, kể cả van xin doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan đăng kiểm nhà nước giúp đỡ để có con tàu vững chãi ra khơi bảo vệ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Đặc biệt, đối với Công ty TNHH MTV Nam Triệu được cả địa phương và ngư dân rất tin tưởng sẽ không có tiêu cực. Tuy nhiên, sự kỳ vọng ấy đã bị phản bội quá tàn nhẫn.
Sự thất vọng của ngư dân khởi điểm từ việc ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu đưa ra “triết lý” rất khó tin để bao biện cho doanh nghiệp mình làm ăn đảm bảo, với lý do tàu rỉ sét do nước biển quá mặn (?).
Cứ thế, các doanh nghiệp đóng tàu ùa theo đổ hết trách nhiệm tàu hư hỏng do ngư dân, họ làm đủ mọi cách để “bịt” sai phạm, từ chối sửa chữa mặc sự van xin thảm thiết từ khách hàng.
Tình yêu, lý tưởng giữ gìn chủ quyền biển đảo của ngư dân đã bị doanh nghiệp trục lợi phá hoại, niềm tin của họ bị chà đạp một cách thô bạo. Ngư dân phẫn nộ, đau đớn.
Đến cả ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phải thốt lên với những từ ngữ rất “nặng” như: “Mấy ông mị dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân, làm ăn thiếu lương tâm”.
Ông Châu hứa sẽ hỗ trợ ngư dân kiện doanh nghiệp ra tòa. Nhưng với số nợ hàng chục tỷ đồng treo trên đầu, liệu rằng với sức lực có hạn, ngư dân có dám bỏ tàu để ôm hồ sơ hầu tòa doanh nghiệp không?
Rồi họ đi kiện, ai sẽ vươn khơi, hàng chục lao động chực chờ và sứ mệnh giữ gìn chủ quyền biển đảo ai thay thế… Hàng loạt nỗi lo khiến ngư dân chưa dám!
Thường ngày hình ảnh người ngư dân đạp sóng, vượt gió mạnh mẽ, khí phách nhường nào thì ngay trong lúc này, họ lại trở nên quá nhỏ bé, bế tắc.
Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS đang hư hỏng rất nhiều vị trí: vỏ tàu, mặt boong, ca bin… bị rỉ sét, bong tróc, xuống cấp trầm trọng, máy dò cá không hoạt động được. |
Thật đáng hổ thẹn trước hành vi làm ăn gian dối của doanh nghiệp đã cản bước những con người can trường bám biển.
Khi chưa kịp định hình lối đi, ngư dân lại chứng kiến những cách hành xử rất thiếu tình người của doanh nghiệp.
Tổ thẩm định tỉnh Bình Định được thành lập và tiến hành “giải phẫu” tàu 67 thì hàng loạt hành vi làm ăn gian dối của doanh nghiệp bắt đầu lộ diện.
Máy Mitsubishi không phải máy chính hãng, thép không đúng hợp đồng, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế, sơn không đảm bảo quy trình, bảo dưỡng không đúng nốt.
Rồi doanh nghiệp bộc lộ chiêu trò, thay đổi thái độ một cách chóng mặt. Họ vội vã chi hàng trăm triệu đồng cho ngư dân hòng bịt miệng.
Và điều đương nhiên, đã nhận tiền thì ngư dân phải ký vào bản cam kết tự nguyện rút đơn khiếu nại do chính doanh nghiệp tự tay soạn thảo. Trong đó có yêu cầu không được cung cấp thông tin cho báo chí.
Ông Lê Hoàng Phong- Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát- đơn vị cung cấp máy đã nhận trách nhiệm và cam kết thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới chính hãng Mitsubishi cho ngư dân.
Chỉ vài ngày sau, bà Nguyễn Thị Sinh (vợ ông Phong) lại “đi đêm” gặp gỡ ngư dân đề nghị sửa máy và chi thêm tiền để ngư dân trả nợ. Chứ không thay máy mới theo cam kết vì công ty không đủ khả năng. Bà này còn dọa rằng, ngư dân ép thay thì sẽ tự vẫn vì đã đến đường cùng?!
Ngư dân đang âu lo trước đống nợ, lãnh đạo tỉnh kêu gọi lương tâm và yêu cầu bồi thường, tại sao doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để lẩn tránh?
Trong trường hợp này, các doanh nghiệp đã “vứt đi” đạo đức trong kinh doanh. Chối bỏ trách nhiệm với ngư dân lại càng nhẫn tâm và đáng trách.
Có lẽ, hơn bao giờ hết, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ để chỉ đạo các bộ ngành hữu quan điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, mức độ để xử lý công khai đúng người, đúng tội… đòi lại công bằng cho ngư dân.
Đúng như lời ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: “Vấn đề không chỉ là tàu hư hỏng, mà đây đây hành động “phản bội” đất nước, ngư dân không đi đánh bắt được thì làm sao bảo vệ lãnh thổ, ngư trường. Bây giờ, công an cần vào cuộc điều tra ai vi phạm gì, tội ở đâu.. nhất định phải xử lý bằng được”.
Theo Dân Việt