|
Sinh viên người Mỹ Otto Warmbier bị áp giải từ Tòa án tối cao Triều Tiên vào tháng 3/2016. Ảnh: AP. |
Sau 10 giờ bay từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, 2 máy bay đến vùng biển Hoa Đông rồi sau đó đến bán đảo Triều Tiên, lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương thông báo.
Hai cuộc tập trận song phương riêng biệt với các máy bay F-15 của Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong chuỗi chiến dịch tập trận chưa từng có tiền lệ của Mỹ với các đồng minh sau khi Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa và sinh viên Otto Warmbier qua đời chỉ vài ngày sau khi trở về từ nhà giam ở Triều Tiên.
“Các chuyến bay với Nhật Bản và Hàn Quốc thể hiện tình đoàn kết giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, để phòng vệ trước những hành động gây hấn và gây bất ổn ở Thái Bình Dương”, Không quân Mỹ thông báo.
Trước đợt tập trận này, các máy bay ném bom, vốn là tài sản chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, đã được lên lịch tập ném bom giả với lực lượng Hàn Quốc ở vùng phía Đông Hàn Quốc. Đợt tập trận chung hôm qua có thể được coi như sự đáp trả của Washington trước việc Warmbier được thả về nước trong tình trạng hôn mê và qua đời vài ngày sau đó.
Nam sinh viên 22 tuổi bất tỉnh hơn 1 năm trời trước khi được đưa về Mỹ tuần trước. Warmbier bị tống giam từ tháng 3/2016 với mức án tù 15 năm khổ sai vì tội danh “chống nhà nước”, với hành động cố lấy một tấm biển tuyên truyền trong khách sạn mà anh lưu trú trong chuyến du lịch đến Triều Tiên năm ngoái.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua lên án Triều Tiên trước cái chết của Warmbier. “Chúng ta có thể phán đoán rằng, có rất nhiều sự đối xử thô bạo và bất công xảy ra đối với anh Warmbier. Và tôi lên án mạnh mẽ những hành động thô bạo của Triều Tiên”, ông Moon nói trong cuộc trả lời phỏng vấn CBS News.
Trong khi ông Moon trông đợi một cách tiếp cận khác người tiền nhiệm nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục điều vũ khí, khí tài chiến lược đến khu vực, trong đó có tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân.
Quân đội Mỹ cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với quân đội Hàn Quốc và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Triều Tiên tiếp tục chỉ trích những hoạt động này. Họ gọi cuộc tập trận với máy bay B-1B ngày 29/5 là “cuộc diễn tập thả bom hạt nhân”. Chiến dịch đó diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Căng thẳng càng tăng lên sau khi Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử các loại vũ khí tiên tiến khác những tuần gần đây nhằm thể hiện sự tiến bộ của họ trong quá trình làm chủ công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm xa có khả năng tấn công Mỹ.
Không thấy cơ hội đối thoại
Cuối tuần qua, Wall Street Journal đưa tin, các nhà ngoại giao Mỹ đã có những cuộc nói chuyện bí mật với nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên tại Bình Nhưỡng và các thành phố châu Âu trong hơn 1 năm qua, với hy vọng các công dân Mỹ đang bị giam ở Triều Tiên được thả và thiết lập một kênh ngoại giao để giải quyết chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Việc sinh viên Warmbier được thả cũng được cho là kết quả của các cuộc gặp này.
Triều Tiên nói rằng, Warmbier được thả vì lý do nhân đạo. Nhưng giới phân tích cho rằng, có thể Triều Tiên không muốn tù nhân người Mỹ chết trong nhà giam của họ. “Đó là một bi kịch nếu xảy ra ở Triều Tiên, và tôi cho rằng, đó là cách hầu hết người Mỹ nhìn nhận vụ việc này”, AP dẫn nhận xét của ông James Schoff, chuyên gia về châu Á tại Quỹ Carnergie về Hòa bình quốc tế tại Washington.
Ba người Mỹ khác vẫn đang bị giam tại Triều Tiên gồm Kim Sang-duk (tên khác là Tony Kim) và Kim Hak-song - hai học giả từng làm việc tại ĐH Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng. Người còn lại là doanh nhân Kim Dong-chul.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố, Washington sẽ “khiến Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về việc Otto Warmbier bị giam giữ bất công, và sẽ yêu cầu thả 3 người Mỹ khác bị bắt giữ trái pháp luật”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ra rụt rè khi được hỏi vào tuần trước rằng liệu việc Warmbier được thả có thúc đẩy quá trình đối thoại về các vấn đề tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên hay không.
Ông Schoff nói rằng, hiện hai bên rất ít hứng thú với những cuộc đối thoại như vậy. “Ngoài việc thả những người bị giam, tôi không thấy không gian nào cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa giữa Mỹ và Triều Tiên về các vấn đề tên lửa và hạt nhân trong tương lai gần”, ông Schoff nói.
Cái chết của Warmbier có thể làm đóng băng bất kỳ động lực nào cho đối thoại. Nhưng ông Euan Graham, cựu nhà ngoại giao Anh từng có nhiệm kỳ tại Bình Nhưỡng, nay là Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy (Úc), cho rằng, “các liên lạc sẽ vẫn mở vì 3 người Mỹ khác vẫn bị giam ở Triều Tiên”.
Theo Tiền Phong