Mỹ áp dụng chiến lược mới trong ván cờ Syria
Phản ứng với hành động của Mỹ khi bắn hạ chiến đấu cơ của quân đội Syria, Damascus cho rằng vụ tấn công này “nhằm làm suy yếu những nỗ lực của quân đội Syria, lực lượng duy nhất phối hợp với các đồng minh có hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp đất nước Syria”.
“Vụ việc diễn ra đúng vào lúc quân đội Syria và các đồng minh của mình đang đạt được những bước tiến rõ rệt trong cuộc chiến chống khủng bố IS", tuyên bố của quân đội Syria nêu rõ.
Trong khi đó, lý giải cho hành động của mình, Lầu Năm Góc cho rằng đó là hành động phòng vệ tập thể, khi máy bay của quân đội Syria đã tấn công các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn.
Mỹ đã thay đổi lối hành xử tại Syria với những hành động quyết liệt và thách thức |
Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ ngày 18/6 ra tuyên bố cho biết, tiêm kích F/A-18E Super Hornet của Mỹ đã bắn rơi máy bay chiến đấu SU-22 của Syria "nhằm phòng vệ tập thể cho những lực lượng đối tác thuộc liên minh".
Đối tác này là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - liên minh người Kurd-Arab do Washington hậu thuẫn, đóng quân gần thành phố Tabqa, tỉnh Raqqa.
Cũng theo tuyên bố trên, liên minh không tìm cách chống lại chính phủ Syria, Nga hay các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria, nhưng sẽ không do dự bảo vệ mình và các lực lượng đối tác trước bất cứ mối đe dọa nào.
“Ý định thù địch và hành động thù địch của các lực lượng ủng hộ chế độ Syria đối với liên minh và các lực lượng đối tác ở Syria đang tiến hành các hoạt động chống IS một cách hợp pháp, sẽ không thể được dung thứ", BBC trích dẫn thông báo từ Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ.
Trong khi đó, đại diện chính thức của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria thì lại cho phóng viên CNN biết một sự thật khác:
"Đây là lần đầu tiên Mỹ bắn rơi máy bay của chế độ Syria. Mặc dù vào thời điểm này không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với quân đội Mỹ trong khu vực, nhưng đây là nơi Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đang huấn luyện cho các lực lượng mà Mỹ đang cố gắng bảo vệ".
Dù với bất cứ lý gì, thì việc Mỹ bắn rơi máy bay của quân đội Syria cho thấy dường như Washington đã có thay đổi quan trọng trong lối hành xử của mình tại cuộc chiến Syria, mà thề hiện ra là hành động dứt khoát và mang tính thách thức.
Có thể thấy, sau khi Tổng thống Trump cho "Tomahawk bay vào Syria", trừng phạt Damascus về "Sự kiện Idlib", Moscow và đồng minh đã có những hành động và đạt được những thành quả. mà từ đó đưa Washington và lực lượng được Mỹ bảo trợ vào thế bất lợi.
Để Nga lập vùng an toàn tại Syria là một thất bại của Mỹ, buộc Washington phải thay đổi chiến lược |
Thứ nhất, việc lập các "vùng an toàn" tại Syria.
Đây là một thất bại của Mỹ, bởi một là Moscow đã chủ động thực hiện, Washington buộc phải chấp nhận và hai là nó đã sàng lọc lực lượng khủng bố ra khỏi lực lượng đối lập ôn hoà, khiến Mỹ không thể "thiên biến vạn hoá" trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và Iraq.
Thứ hai, những hiệu ứng tích cực sau các cuộc hoà đàm tại Astana do Nga và các đồng minh của mình bảo trợ, giúp cho một giải pháp chính trị cho Syria sẽ sớm thành hình, khiến LHQ và cộng đồng quốc tế đã phải nhìn nhận Hoà đàm Astana là bước tiền trạm cho Hội nghị Geneve về một giải pháp toàn diện cho ván cờ Syria.
Thứ ba, những chiến thắng liên tục của Nga cùng quân chính phủ Syria và các đồng minh của mình trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, khiến Washington mất dần vai trò tại Syria, bởi Mỹ xuất hiện tại Syria là dưới danh nghĩa chống khủng bố.
Có những phương thức khác nhau hướng đến những mục đích giống nhau và có những phương thức giống nhau hướng đến những mục đích khác nhau, Mỹ và Nga tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria nằm ở trường hợp thứ hai - mục đích khác nhau.
Trong khi Nga và quân chính phủ Syria cùng các đồng minh của mình tập trung tấn công khủng bố và đạt được những thành quả quan trọng, thì Mỹ và lực lượng được Mỹ bảo trợ lại không chù trọng vào cuộc chiến chống khủng bố, mà chỉ lấy danh nghĩa chống khủng bố để thực hiện những mưu đồ khác.
Khi Moscow và Damascus cùng các đồng minh giành được những chiến thắng quyết định trong cuộc chiến chống khủng bố, Washington đã nhận ra sai lầm của mình. Bởi chiến thắng trước khủng bố luôn là chiến thắng của chính nghĩa, điều đó giúp cho chính phủ Syria ngày càng củng cố được vị thế của mình.
Vị thế của Damascus được nâng lên đồng nghĩa lực lượng đối lập do Mỹ bảo trợ sẽ mất thế, thực tế này buộc Washington phải có những điều chỉnh để sửa sai, hy vọng có thể làm thay đổi vai trò của Mỹ và vị thế của lực lượng được Mỹ bảo trợ trong ván cờ Syria.
Tổng thống Trump trao toàn quyền cho Lầu Năm Góc - một thay đổi quan trọng trong chiến lược của Mỹ |
Theo CNN, Tổng thống Trump đã quyết định phải dành ưu thế về quân sự tại các mặt trận mà Mỹ và đồng minh của Mỹ đang mất thế hay yếu thế, qua việc trao cho Lầu Năm Góc toàn quyền thiết lập và tổ chức lực lượng cũng như kế hoạch hành động tại các chiến trường.
Trước đây, khi Washington chú trọng sử dụng công cụ ngoại giao để xác lập vị thế cho lực lượng thân Mỹ tại Syria nhưng kết quả là lực lượng này luôn thất thế, còn Washington thì luôn phải "lấp ló sau cánh gà", tạo điều kiện cho Moscow đạo diễn ván cờ Syria
Nay Washington ưu tiên biện pháp quân sự và Lầu Năm Góc được hoàn toàn chủ động trong hành động mà không chịu sự kiềm chế của Bộ ngoại giao, thậm chí cả Nhà Trắng, vì vậy hành động của Mỹ tại Syria sẽ quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
Washington đang giăng bẫy với Moscow
Sau khi hầu hết những bàn cờ chính trị được Mỹ sắp đặt lại thời hậu Chiến tranh Lạnh đều không như mong muốn của Washington, mà nguyên nhân chính là lực lượng thân Mỹ hay chính quyền thân Mỹ đều yếu về lực, cho nên dù thế mà Mỹ tạo ra cho họ cũng không thể bù đắp được yếu điểm đó.
Từ Afghanistan đến Iraq rồi Libya, dù Mỹ gần như độc diễn ván cờ, song kết quả luôn là các lực lượng thân Mỹ, chính quyền thân Mỹ ngày càng yếu dần về lực, rối từ đó kém dần về thế.
Và hệ luỵ Mỹ mất dần chỗ đứng, thậm chí bị quay lưng. Thực tế tại Syria cũng không khác là bao.
Khi chính quyền Trump xem việc Mỹ tạo ưu thế trên chiến trường quyết định vị thế trên chính trường cho lực lượng thân Mỹ, được Mỹ bảo trợ, sẽ khiến cho các chiến trường ác liệt hơn, nhất là khi các kênh ngoại giao không hoàn toàn được phát huy trong những tình thế đặc biệt.
Việc kết nối giữa Wasington mà Moscow có thể sẽ không diễn ra liên tục và dễ dàng khi quân đội Mỹ quyết làm nóng tình hình tại Syria |
Do vậy, dù Moscow chỉ trích quân đội Mỹ xâm lược Syria, xâm phạm chủ quyền Syria, cho dù Moscow có vạch giới hạn đỏ, thì giới phân tích nhận định cũng không làm thay đổi thực chất chính sách và hành động của quân đội Mỹ đối với cuộc chiến Syria trong thời điểm hiện nay.
Khi Tổng thống Trum quyết định trao toàn quyền cho Lầu Năm Góc thực hiện chiến lược "Búa - Đinh", cho thấy Washington đã chọn "đôi công" với Moscow, không để Moscow tiếp tục đạo diễn ván cờ Syria.
Do vậy, nếu không tỉnh táo Moscow sẽ rơi vào bẫy của washington.
Nếu Moscow không phản ứng quyết liệt mà xem xét lập trường của Nhà Trắng sẽ có thể khiến Lầu Năm Góc thừa cơ manh động, còn nếu Moscow phản ứng quyết liệt thì chiến trường Syria sẽ trở nên ác liệt, khiến thành quả của Nga và các đồng minh đạt được trong thời gian qua có nguy cơ sẽ tan thành mây khói.
Việc Mỹ bắn hạ máy bay Syria diễn ra trong bối cảnh quân đội Syria tuyên bố ngừng bắn, LHQ thì đang chuẩn bị cho đàm phán hòa bình giữa các bên về vấn đề Syria vào tháng 7 tới tại Geneva và Moscow, cho thấy dường như Washington không quan tâm đến các hoạt động ngoại giao quan trọng ấy.
Có thể thấy rằng, Lầu Năm Góc đang thách thức Moscow và việc bắn rơi máy bay Syria là một hành động gây hấn, muốn kéo quân đội Nga vào cuộc, từ đó làm xáo trộn hoàn toàn ván cờ Syria, tạo điều kiện cho việc thực hiện các mưu đồ - mà giới phân tích cho rằng không trong sáng - của Washington.
Theo Đất Việt