​Nga và Mỹ đã thực sự cắt đứt đường dây nóng quân sự?

Thứ ba, 20/06/2017, 11:26
Bộ Quốc phòng Nga đã ra tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ tránh đụng độ trên không phận Syria. Phía Mỹ đang tìm cách giảm nhiệt.

Máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet của Mỹ trong một lần xuất kích - Ảnh: Reuters

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ từ ngày 19-6, phía Nga sẽ đình chỉ kênh liên lạc với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ về ngăn ngừa đụng độ và an toàn bay khi thực hiện các chiến dịch không kích tại Syria.

Đường dây nóng này từng bị cho là gián đoạn một thời gian hồi tháng 4 vừa qua sau khi Lầu Năm góc cho phóng gần 60 tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân al-Sharyat ở Syria hôm 6-4.

Thế nhưng trong phát ngôn ngày 19-6, phía Mỹ vẫn ca ngợi đường dây nóng đã hoạt động hiệu quả “trong tám tháng gần đây”.

Bộ Quốc phòng Nga đồng thời yêu cầu Bộ Tư lệnh Mỹ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet của Mỹ bắn hạ chiếc Su-22 của quân đội Syria và thông báo kết quả cũng như các biện pháp đã tiến hành.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, từ nay mọi máy bay và thiết bị bay không người lái của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, nếu bị Lực lượng Không quân Nga phát hiện tại các khu vực ở phía Tây sông Euphrates, sẽ bị coi là các "mục tiêu" trên không và bị lực lượng phòng không Nga cùng các máy bay bám theo.

Nhưng không lâu sau tuyên bố của Nga, tướng Joe Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, lại tuyên bố: “Trong vài giờ nữa, chúng tôi sẽ làm việc trên cả phương diện ngoại giao và quân sự để tái thiết lập đường dây nóng”.

Vào đầu giờ chiều 19-6 (giờ địa phương), vị lãnh đạo quân đội Mỹ xác nhận thêm rằng các bộ chỉ huy quân đội của Mỹ và Nga ở Trung Đông vẫn giữ liên lạc thường xuyên với nhau.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc khẳng định tiếp rằng sau vụ việc chiều tối 18-6, Mỹ đã cho điều chỉnh các hoạt động không quân tại thực địa phù hợp với tình hình căng thẳng mới phát sinh.

Thiếu tá Adrian Rankine-Galloway, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, tuyên bố: “Để đề phòng, chúng tôi đã cho bố trí lại hoạt động của máy bay Mỹ trên bầu trời Syria để có thể tiếp tục không kích nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đồng thời đảm bảo an toàn cho các phi đội của mình”.

Người phát ngôn của Nhà Trắng, ông Sean Spicer cũng vào cuộc với tuyên bố “chúng tôi mong muốn làm giảm căng thẳng cho tình hình” nhưng “chúng tôi vẫn sẽ luôn giữ quyền tự vệ”.

Bộ Quốc phòng Nga cũng chỉ trích việc Mỹ tấn công máy bay của Lực lượng Không quân Syria, cho rằng hành động đó là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm "trắng trợn" chủ quyền quốc gia Trung Đông, là hành động "xâm lược quân sự" chống Syria - quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Bộ Quốc phòng Nga cũng lên án Mỹ không vận hành kênh liên lạc với Nga trước khi bắn hạ máy bay Syria.

Tình hình căng thẳng ở Syria do việc Iran phóng 6 tên lửa tầm trung vượt không phận Iraq để tấn công các mục tiêu IS tại khu vực Deir Ezzor ở phía Đông Syria, cùng việc máy bay Mỹ bảo vệ liên minh bắn hạ máy bay quân đội Syria cũng đã khiến LHQ lo lắng.

Ngày 19-6, ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của LHQ, đã lên tiếng nhận định: “Hai sự kiện trên khiến chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ sai lầm trong đánh giá (dẫn đến đụng độ tiếp theo) và về khả năng leo thang căng thẳng quân sự tại Syria”.

Người dân Syria ở thị trấn Douma thuộc ngoại ô thủ đô Damascus ăn sáng trong lễ chay Ramadan giữa cảnh hoang tàn vào ngày 18-6 - Ảnh: Reuters

Trên thực địa, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) xác nhận vụ giao tranh trực tiếp lần đầu tiên tại Syria trong thời gian gần đây giữa quân đội chính phủ và Các lực lượng dân chủ Syria đã chấm dứt sau ngày 19-6.

Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của 320.000 người và phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng của nước này.

Theo TTO

Các tin cũ hơn