Syria-Iran giành thắng lợi ở Tây Nam Syria
Lực lượng quân đội Syria - Hezbollah vẫn chưa thể lợi dụng khoảng thời gian hai tuần tăng tốc vừa qua để phá vỡ sức chống cự của quân đối lập Syria đang nắm giữ thành phố thủ phủ của tỉnh miền Nam Syria là Daraa. Tuy nhiên, điều này có lẽ cũng không còn xa.
Hôm thứ bảy, ngày 17 tháng 6, liên quân Syria- Hezbollah đơn phương tuyên bố một lệnh ngừng bắn kéo dài 48 giờ cho đến ngày 19/6 và đưa ra cho quân nổi dậy một tối hậu thư, buộc họ phải rút quân khỏi tỉnh Daraa và đưa gia đình mình tới tị nạn ở Jordan.
Quân nổi dậy sẽ buộc phải hoàn tất yêu cầu này trong thời gian tạm dừng bắn theo một “hành lang an toàn” mà Quân đội Syria (SAA) đã lập ra. Nếu không, họ sẽ phải tiếp tục đối mặt với những vụ tấn công hỏa lực dữ dội của Sư đoàn thiết giáp đột kích số 4 và Lữ đoàn đặc biệt al-Qaim của lực lượng dân quân người Shii’te Hezbollah của Lebanon.
Cho đến trước khi bắt đầu ngừng bắn, các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã vây hãm quân nổi dậy trong chảo lửa Daraa với 166 phi vụ không kích dữ dội, thả 712 quả bom thùng từ trực thăng và phóng 450 quả rocket.
Nếu quân nổi dậy cương quyết bác bỏ tối hậu thư, không đầu hàng và ở lại chiến đấu, họ sẽ đối mặt với lực lượng Syria và Hezbollah cực mạnh được hỗ trợ bởi những chiếc máy bay trực thăng tấn công tiên tiến Mi-25, có khả năng mang những quả bom thùng nặng hơn, được trang bị cả rocket chống tăng, sẵn sàng nghiền nát mọi công sự, lô cốt kiên cố của quân đối lập.
Sau khi nhận được tối hậu thư này, các nguồn tin tình báo và quân đội của DEBKAfile cho biết, các nhóm phiến quân cố thủ trong thành phố Daraa đã ngay lập tức “thỉnh thị” những chỉ huy cao cấp ở Jordan để xin chỉ thị là phải đối mặt với cuộc tấn công sắp tới hay rút lui.
Theo nguồn tin, những chỉ huy ở Jordan (không rõ là sở chỉ huy của phiến quân đối lập đang đặt ở Jordan hay các chỉ huy quân sự của Jordan?) đã gửi yêu cầu khẩn cấp tới bộ chỉ huy của Mỹ ở Syria và Iraq và tiếp tục được “kính chuyển” sang Washington.
Nhưng cho đến ngày 19/6, vẫn chưa có câu trả lời nào được gửi xuống cho các nhóm phiến quân phía Nam Syria, bất chấp việc không quân Mỹ đã hoạt động tích cực ở phía Bắc Syria, bắn rơi 1 chiến đấu cơ Su-22 của không quân Syria để hỗ trợ người Kurd.
Liên minh Nga-Iran-Syria đang nắm lợi thế ở phía Nam và phía Đông Syria |
Nếu bị “bỏ rơi”, các tay súng của phe đối lập sẽ hoặc là tháo chạy sang Jordan hoặc chấp thuận đầu hàng, để cả tỉnh Daraa lọt vào tay quân đội Syria và Hezbollah, khi đó, thế trận của lực lượng đối lập ở miền Nam Syria sẽ bị tan vỡ, vô phương cứu vãn tình thế.
Sau khi thế trận phòng thủ của phiến quân ở Daraa sụp đổ, các lực lượng trung thành với chính quyền Syria dưới sự chỉ đạo của Iran sẽ tiếp tục đáng sang phía Tây chiếm thành phố Quneitra, chỉ cách ranh giới kiểm soát của Israel trên cao nguyên Golan vài cây số.
Khi đó, các lực lượng trung thành với ông Assad và cũng chính là những lực lượng thân Iran đã hoàn toàn đánh chiếm trọn khu vực phía Đông Nam Syria, kiểm soát toàn bộ đường biên giới Syria với Jordan và Israel.
Lực lượng thân Iran chiếm al-Waleed, uy hiếp al-Tanf
Cuộc chinh phục toàn bộ miền Nam Syria của Tehran đã trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết vào hôm 17/6, sau khi các tướng lĩnh của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran lên kế hoạch cho một chiến dịch quân sự thành công khác là đánh chiếm thị trấn al-Waleed của Iraq.
Thị trấn này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược, bởi nó nằm trên đường biên giới Syria-Iraq, đối diện với al-Tanf - nơi các lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ và các lực lượng đặc biệt khác của phương Tây đặt trụ sở từ năm ngoái, để hỗ trợ nhóm phiến quân FSA tấn công lên Deir Ezzor.
Đồng thời, căn cứ này cũng là điểm chốt để ngăn chặn việc chuyển các vũ khí hạng nặng từ Iran sang Syria thông qua đường cao tốc chính của Baghdad-Damascus. Do đó, Mỹ bất chấp sự phản đối của Syria để mở căn cứ này thì Iran sẽ tìm mọi cách để cô lập nó.
Chính quyền Baghdad hôm 17/6 cũng tuyên bố rằng, quân đội Iraq đã trục xuất các tay súng khủng bố của IS khỏi biên giới al-Waleed. Tuy nhiên, các nguồn tin của DEBKAfile tiết lộ rằng "quân đội Iraq" là một thuật ngữ chỉ Các đơn vị dân quân cơ động (PMU - Popular Mobilization Units), một lực lượng dân quân do Tehran tài trợ đã được tích hợp vào trong quân đội Iraq hồi năm ngoái.
Do đó, thắng lợi ở al-Waleed không chỉ đưa lực lượng Syria-Hezbollah và các lực lượng quân sự thân Iran tới vùng lân cận của al-Tanf do Mỹ giữ, nó cũng đã cho phép Tehran tiếp cận đường cao tốc Baghdad-Damascus để vận chuyển thiết bị nặng, bao gồm cả xe tăng đến Syria.
Tóm lại, với chiến thắng này, Iran đã giành được “giải thưởng danh dự” cho mình, xây dựng một cây cầu trên đất liền nối thông với Syria qua lãnh thổ Iraq, và vũ khí của họ cung cấp cho Quân đội Syria, các đơn vị dân quân người Shiite và Hezbollah sẽ thoải mái vận chuyển tới Syria.
Ngoài ra, al-Waleed cũng nằm gần căn cứ quân sự thứ 2 của Mỹ là al-Zkuf cùng với thị trấn al-Qaim, đối diện là al-Bukamal - thị trấn của Syria mà lực lượng đối lập FSA được Mỹ và Anh hậu thuẫn đang muốn đánh chiếm để làm cứ điểm khống chế biên giới Syria-Iraq và làm bàn đạp tấn công Deir Ezzor.
Việc chiếm được al-Waleed cũng cho phép Syria và lực lượng thân Iran có cơ hội lớn hơn để đánh chiếm al-Bukamal trước phiến quân đối lập được Mỹ hậu thuẫn, do đó, chiếm được lợi thế trong trận chiến quyết định giành giật thành phố Deir Ezzor.
Nhìn chung, Nga-Syria và Iran đang chiếm được một chút lợi thế trước liên quân Mỹ và đồng minh FSA ở cả Đông Nam và Tây Nam Syria, ngăn chặn âm mưu của Washington và đồng minh khống chế các khu vực biên giới phía Nam và phía Đông của Syria.
Trong bối cảnh bất lợi như vậy, lính Mỹ al-Tanf cũng tiến hành một số động thái quân sự ở miền Nam Syria, trong đó, đáng chú ý nhất là việc di chuyển các hệ thống pháo phản lực chính xác cao M142 HIMARS có tầm bắn 300km, từ căn cứ quân sự ở Jordan sang al-Tanf.
Tuy nhiên, trong khi các đơn vị Syria liên tục giành được những thắng lợi trong hai tuần qua, lực lượng mặt đất của Mỹ đã không có động thái nào đáng chú ý để ngăn chặn các bước tiến của họ, ngoại trừ vụ tấn công từ trên không vào đoàn xe của lực lượng thân Syria.
Để vãn hồi cục diện, Mỹ sẽ gia tăng can thiệp quân sự vào Syria? |
Dường như, các chỉ huy chiến trường của Mỹ đang bối rối bởi nếu muốn ngăn chặn Syria, họ phải tung ra những hành động mạnh mẽ hơn nhưng không được phép. Và dĩ nhiên là quân nổi dậy Syria ở phía Tây Nam và cả 2 dồng minh Israel và Jordan, dường như cũng đang đứng ngồi không yên cho đến khi các chỉ thị mới được ban hành từ Washington.
Mỹ sẽ hành động cứng rắn hơn ở Syria?
Ngày 16/6 vừa qua, Foreign Policy dẫn nguồn thạo tin tình hình Nhà Trắng cho biết, hai quan chức cấp cao của Mỹ là Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về tình báo Ezra Cohen-Watnick và cố vấn Hội đồng An ninh về Trung Đông Derek Harvie đã đòi Mỹ phải tăng cường can thiệp quân sự vào Syria.
Theo họ, phạm vi can thiệp trên mặt đất của Quân đội Mỹ là khá hạn chế, các vụ không kích vào Quân đội Syria cũng lẻ tẻ và trên quy mô nhỏ, do đó hiệu quả hỗ trợ các lực lượng đối lập chống chính quyền Assad là không cao, không thay đổi được cục diện có lợi cho liên quân Mỹ.
Do đó, sau khi nghiên cứu sự thay đổi tình hình Syria, các quan chức chính trị Mỹ bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ chuyển sang sách lược tấn công ở miền nam Syria, đồng thời kêu gọi giới lãnh đạo quân sự mở rộng cả quy mô lẫn cấp độ can thiệp vào Syria.
Mặc dù từ trước đến nay giới chức lãnh đạo Bộ quốc phòng Mỹ vẫn bác bỏ khả năng tăng cường các hoạt động mặt đất ở Syria nhưng trước bối cảnh “nguy ngập” của các “đồng minh” đối lập Syria, rất có thể Lầu Năm Góc sẽ phải nhượng bộ trước các yêu cầu của giới chính trị.
Và rất có thể là sự kiện máy bay tiêm kích F/A-18 của Mỹ bắn rơi máy bay cường kích Su-22 của Syria hôm 18/6 là những hành động đầu tiên nhằm gia tăng can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria? Điều này chưa thể khẳng định chắc chắn nhưng câu trả lời sẽ đến rất nhanh.
Theo Đất Việt