Chiến trường Syria: Iran gọi, Mỹ trả lời

Thứ hai, 19/06/2017, 17:11
Những diễn biến trên thực địa ở Syria cho thấy các bên liên quan đang cố giành phần lợi thế trước cuộc đàm phán vì hòa bình.

Syria hoang tàn vì bom đạn của các bên - Ảnh: Reuters

Sau một thời gian tạm ổn giữa các lực lượng chính phủ Damascus và lực lượng nổi dậy, hai bên đã có những cuộc đối đầu trực tiếp tại phía Nam thành phố Raqqa.

Trong tình thế mà quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, có dấu hiệu “lật ngược thế cờ” giành thắng lợi ở nhiều khu vực, có vẻ như đang có một cuộc chạy đua giành lợi thế trước chuỗi ngày đàm phán tìm kiếm hòa bình cho đất nước.

Iran gọi, Mỹ trả lời

Diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh quân đội Syria đã tiến vào tỉnh Raqqa. Đây là một phần trong chiến dịch tấn công nhằm vào tỉnh lân cận Dier Ezzor.

Hiện quân đội Syria đã tiến đến rìa thị trấn Resafa cách thủ phủ Raqqa khoảng 40km về phía Tây Nam. Theo đó, khoảng cách giữa quân đội Syria và Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn, chỉ còn khoảng 50km.

Từ đầu tháng, SDF dưới sự yểm trợ của Mỹ cũng đã phát động tấn công nhằm giành lại thành phố Raqqa từ IS.

Trong thế nhanh chóng giành quyền "giải phóng lãnh thổ từ tay IS", các bên có vẻ ráo riết tung ra hỏa lực mạnh.

Ngày 18-6 Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra thông báo cho biết Iran đã bắn một loạt 6 tên lửa tầm trung đất đối đất từ căn cứ không quân ở tỉnh Kermanshah và Kurdistan nhằm vào các trung tâm chỉ huy, các điểm tập kết và các trung tâm hậu cần của IS được sử dụng để lắp ráp xe bom phục vụ các cuộc tấn công tại khu vực Deir Ezzor, thuộc miền Đông Syria.

Thông báo của IRGC cũng khẳng định nhiều tay súng IS đã bị tiêu diệt, trong khi nhiều khí tài của nhóm nay cũng bị phá hủy trong đợt bắn tên lửa này. Theo IRGC, đây chỉ là đòn cảnh cáo nhằm ngăn chặn IS có thêm bất cứ hành động khủng bố nào khác tại Iran.

Đây cũng là đợt tấn công bằng tên lửa đầu tiên từ Iran ra vùng lãnh thổ nước ngoài trong 30 năm qua.

Tay súng bắn tỉa là phụ nữ thuộc lực lượng dân quân người Kurd YPG chiến đấu tại thành phố Raqqa, ngày 18-6 - Ảnh: Reuters

Gần như ngay lập tức, vào chiều tối 18-6, máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet của Mỹ xuất kích bắn hạ nhanh chóng một chiến đấu cơ SU-22 của quân đội chính phủ Syria với lý do… dám đụng vào lực lượng do Mỹ bảo trợ.

Đây là sự vụ đình đám nhất sau màn ra mắt của Tổng thống Trump với việc lệnh cho quân đội dập gần 60 quả tên lửa Tomahawk xuống căn cứ quân sự của chính quyền al-Assad.

Ngay sau khi Lầu Năm Góc xác nhận vụ việc với lời giải thích cho hành động của máy bay Mỹ là chiếu theo các cam kết và quyền tự vệ chính đáng của liên minh chống khủng bố IS thì Iran cũng xác nhận khả năng tên lửa bắn trúng mục tiêu.

Không phải vô cớ mà trong ngày hôm nay (19-6), Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra tiếp thông báo thứ hai khẳng định đã tấn công “thành công” bằng tên lửa nhằm vào các vị trí của nhóm khủng bố IS ở khu vực Deir Ezzor ở phía Đông Syria, trong đó trúng vào “một tòa nhà nhỏ” nơi các chỉ huy IS đang nhóm họp.

Trong khi đó tướng Amir-Ali Hadjizadeh, chỉ huy lực lượng không quân của IRGC, phát biểu trên truyền hình quốc gia trong hàm ý khoe sức mạnh vũ khí: “Tên lửa của Iran đã bay qua bầu trời Iraq và đánh trúng các mục tiêu ở Syria. Đánh trúng tòa nhà nhỏ ở khoảng cách 600-700km đã chứng tỏ khả năng của Iran”.

Theo hãng thông tấn Tasnim, một số tên lửa bắn đi là loại Zolfaghar có tầm bắn 750km do Iran sản xuất.

"Cùng lúc, các máy bay không người lái cất cánh từ thủ đô Damascus đã bay trên vùng Deir Ezzor và truyền về các hình ảnh của cuộc tấn công bằng tên lửa", tướng Hadjizadeh nói thêm về tính chính danh của đợt tấn công mà phía Iran giải thích là để đáp trả trực tiếp 2 vụ tấn công khủng bố xảy ra ở thủ đô Tehran hôm 7-6, khiến hàng chục người thương vong.

Các tay súng thuộc lực lượng dân quân người Kurd YPG trong giờ nghỉ ngơi tại thành phố Raqqa, ngày 18-6 - Ảnh: Reuters

Nga chỉ trích Mỹ, bảo vệ Damascus

Phản ứng đầu tiên của phía Nga về vụ máy bay của quân đội Syria bị bắn hạ là phát biểu của Ngoại trưởng Sergei Lavrov sau Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ngày hôm nay (19-6) tại Trung Quốc.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các nước khác có các lực lượng quân sự hoặc cố vấn quân sự tại thực địa phải đảm bảo phối hợp trong công việc của chúng ta”, Ngoại trưởng Lavrov chỉ đích danh đối tượng đang được cho là gây xáo trộn trên bàn cờ.

Trên hãng thông tấn Interfax của Nga hôm nay, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng lên tiếng phụ họa tố cáo Mỹ đang gây leo thang căng thẳng và yêu cầu không sử dụng vũ lực chống lại lực lượng chính phủ Syria.

Trong thời gian qua, các bên gần như dàn xếp tạm ổn để tập trung cho việc tiêu diệt tận gốc các lực lượng khủng bố đang chiếm đóng tại Syria, đặc biệt là lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nay thì tình hình cho thấy quân đội Syria cũng có thể trở thành mục tiêu bị tấn công nếu "xâm phạm" vào miếng bánh của lực lượng nổi dậy được Âu Mỹ hậu thuẫn.

Ngoại trưởng Nga nhắc lại quan điểm: "Tất cả các nước cần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và các văn kiện khác của LHQ".

Phía Nga cho rằng một trong những giải pháp khả dĩ cho vấn đề Syria hiện nay là duy trì các khu vực giảm leo thang căng thẳng nên "cần tránh mọi hành động đơn phương và mọi hành động triển khai tại thực địa cần được thỏa hiệp với chính quyền Damascus".

Ông Lavrov cũng hối thúc Mỹ và các nước khác có các lực lượng hoặc cố vấn quân sự tại Syria phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 6 năm qua vốn đã cướp đi sinh mạng của 320.000 người và phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng của quốc gia Trung Đông này.

Người dân thành phố Raqqa của Syria qua sông rất khó khăn bằng cầu tạm vì cầu chính bị phá hủy do bom đạn. Ảnh chụp ngày 16-6 - Ảnh: Reuters

Cạnh tranh đàm phán hòa bình

Đây cũng là một khía cạnh rất đáng chú ý cho các giải pháp đàm phán tìm hòa bình cho Syria bởi các bên đều tìm cách diễn giải theo góc nhìn của mình.

Trong ngày hôm nay, Ngoại trưởng Lavrov cho biết thêm vòng đàm phán tiếp theo tại Astana (Kazakhstan) về giải quyết khủng hoảng Syria sẽ diễn ra vào ngày 10-7 tới.

Trước đó, tại cuộc đàm phán vào tháng 5 vừa qua, ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã nhất trí thiết lập 4 vùng an toàn trên khắp Syria nhằm đảm bảo việc cung cấp các hàng viện trợ.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga sẽ khiến người ta suy nghĩ bởi trong thông báo ngày 17-6, đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria Staffan de Mistura cho biết vòng đàm phán mới về vấn đề Syria do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ sẽ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 10-7 tới.

Sự lựa chọn thời điểm là có chủ ý bởi diễn ra ngay sau Hội nghị G20 diễn ra tại Hamburg (Đức), trong 2 ngày 7 và 8-7. Ông Mistura từng nêu hy vọng một số tiến triển nếu đạt được giữa Nga và Mỹ nhân dịp Hội nghị G20 có thể giúp thúc đẩy triển vọng hòa bình ở Syria.

Theo TTO

Các tin cũ hơn