Ngoại trưởng Đức: Obama sai lầm với Nga, Mỹ cần sửa sai

Thứ hai, 19/06/2017, 16:01
Không có Nga thì không thể giải quyết được xung đột ở Syria, Lybia, Ukraine và tại nhiều khu vực khác trên hành tinh này, lời Ngoại trưởng Đức Gabriel ...

Obama xem thường Nga nên Mỹ phải trả giá

Trả lời phỏng vấn với báo Welt am Sonntag ngày 18/6, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết:

"Tổng thống Barack Obama cố gắng làm mất thể diện của Nga là một sai lầm lớn. Không có nước Nga, chúng ta không thể giải quyết được xung đột ở Syria, Lybia, Ukraine và tại nhiều khu vực khác trên hành tinh này”.

Những người tiền nhiệm của ông Obama từng bị cho là sai lầm khi xem Nga “kế thừa sự thù địch” từ Liên Xô nên luôn đặt nước Nga thời hậu Xô viết vào thế đối nghịch, đến mức Tổng thống Putin phải đề xuất với Tổng thống Clinton việc Nga gia nhập NATO để có được sự thân thiện của Mỹ và phương Tây.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel

Tổng thống Obama thì bị cho đã mắc sai lầm khi không nhìn nhận sức mạnh của Liên Xô đã được Tổng thống Putin hồi sinh bằng sức mạnh Nga.

Khi ông Obama nắm giữ quyền lực, nước Nga của Putin đã bắt đầu giành lại mặt bằng sân khấu chính trị thế giới mà Liên Xô đã từng chiếm lĩnh, từ đó hình thành đối trọng với phương Tây.

Từ nhân diện sai lầm về sức mạnh Nga, xem thường Moscow, chính quyền Obama đã có những hành xử thiếu chuẩn xác khiến Mỹ và cả các đồng minh của Mỹ phải trá giá trước nhiều nước đi của Tổng thống Putin.

Khi cuộc “cách mạng đường phố” diễn ra tại Ukraine, chính quyền Viktor Yanukovych sụp đổ, chính sách bài Nga nhanh chóng được những “chính trị gia Maidan” áp dụng.

Thực tế nguy hại đó buộc Nga phải tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Khi Moscow "đưa chân" thì Washington tìm mọi cách để đưa cuộc xung đột tại Ukraine thành ván cờ nguy hại với Moscow. Nhưng khi Putin tái sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga thì vấn đề tại Ukraine lại nhanh chóng trở thành cờ tàn với Mỹ.

Mỹ và các đồng minh của Mỹ quyết sử dụng Ukraine vào mục đích trừng phạt Moscow, song không thể phụ nhận Washington đã hoàn toàn bất ngờ trước nước đi của Tổng thống Putin, mà nguyên nhân được nhận diện là Obama xem thường sức mạnh Nga đã được Putin hồi sinh.

Đặc biệt, theo giới phân tích, qua cách hành xử trong ván cờ Ukraine, Washington đã đẩy mạnh Moscow về phía Bắc Kinh, từ đó giúp hình thành liên minh chiến lược Nga - Trung, thách thức cả Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Khi Obama chọn vấn đề vũ khí hóa học của chính quyền Assad là cách để Mỹ xuất hiện một cách hợp pháp tại Syria, từ đó có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề xung đột tại Syria theo ý muốn của mình.

Song nước đi này đã bị Putin hoá giải khi Moscow chọn giải pháp giao vũ khí hóa học của chính quyền Assad cho Washington tiêu huỷ và giám sát tiêu hủy. Washington đã bị tước cơ hội có thể đạo diễn ván cờ Syria qua hành động này.

Tổng thống Obama việt vị trước nhiều nước cờ của Tổng thống Putin

Việc Washington và các đồng minh gạt Moscow sang một bên, tự mình soạn kịch bản và đạo diễn lật đổ chế độ Gaddafi được cho là một sự chủ quan, xem thường vai trò của nước Nga, như từng qua mặt Moscow trong cuộc chiến Kosovo.

Tuy nhiên, vấn đề Libya phức tạp hơn rất nhiều và chính ông Obama đã thừa nhận các nước đi trong ván cờ Libya là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời làm Tổng thống của mình.

Tổng thồng Obama rời nhiệm sở trong bối cảnh phải chứng khiến các lực lượng đang kiểm soát Libya liên tục kết nối với Moscow để tìm đạo diễn đích thực cho ván cờ Libya thời hậu Gaddafi, đó là một nỗi niềm cay đắng mà không dễ diễn tả được bằng lời.

Ngoại trưởng Đức Gabriel đã nhận định: “Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Obama chỉ coi Nga là một cường quốc khu vực.

Tuy nhiên, sau đó ông đã phải thừa nhận Nga là một siêu cường quân sự với tầm ảnh hưởng cả trong khu vực và trên toàn thế giới".

Washington cần sửa chữa sai lầm của Obama để tránh nhận thêm hậu quả

Ông Sigmar Gabriel cho biết: “Tôi luôn hy vọng Wahsington sẽ sửa chữa sai lầm của chính quyền Obama. Song hiện nay khoảng cách giữa Moscow và Washington lại tiếp tục gia tăng. Tốt hơn hết, chính quyền Mỹ nên tìm kiếm một khởi đầu mới trong quan hệ với Nga”.

Quan điểm của người đứng đầu ngành ngoại giao Đức được nêu lên trong bối cảnh Thượng viện Mỹ vừa thông qua Dư luật trừng phạt Nga – bước khởi đầu của quá trình luật hoá trừng phạt "yếu tố Nga", bởi bị cho là gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình chính trị và nội trị của nước Mỹ.

Việc luật hoá trừng phạt Nga được nhìn nhận là sẽ tác động rất xấu đến lợi ích các đồng minh của Mỹ bên bờ Đông Đại Tây Dương, vì vậy đã bị phản ứng dự dội, mà đi đầu là chính quyền Đức với việc bảo vệ cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt từ Nga đi qua vùng Baltic tới EU.

Vì vậy, có ý kiến cho rằng Berlin muốn Washington cải thiện quan hệ với Moscow chẳng qua là không muốn phải hy sinh lợi ích cho những nước cờ của Mỹ. Song thực tế không hẳn là như vậy.

Việc Tổng thống Putin tái sáp nhập Crimea là một nước đi khiến Tổng Obama choáng váng

Dù có nhiều dấu hiệu bất ổn, song quan hệ hai bên bờ Đại Tây Dương vẫn luôn là đồng minh chiến lược "môi hở răng lạnh", do vậy quan điểm của ông Gabriel là ở tầm mức chiến lược toàn cục, chứ không chỉ đơn thuần vì lợi ích cục bộ.

Trong quan hệ đối ngoại, nguy hiểm nhất là bị động trước đối phương, rồi để rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi đó là sai lầm cả về sách lược lẫn chiến lược. Song chính quyền Obama đã để Mỹ rơi vào thế việt vị trước những nước đi của Putin.

Vì vậy, có thể nhận diện, mục đích của Bộ trưởng Ngoại giao Đức là mong muốn Washington phải sớm khắc phục tình trạng đó bằng việc sửa sai lầm của Obama, tạo khởi đầu mới trong quan hệ với Moscow .

Ngoại giao quốc tế hiện nay là đa phương hóa, cho nên phải đa dạng hóa trong việc sử dụng các biện pháp, các công cụ ngoại giao để “thiên biến vạn hóa” trước đối phương. Song khi bị động trước đối phương thì việc phản đòn luôn đối mặt với nguy cơ đưa chính mình vào cảnh 'lợi bất cập hại".

Cho dù trừng phạt Moscow gây thiệt hại lớn cho nước Nga, song hậu quả mà Mỹ, đặc biệt là đồng minh của Mỹ, phải nhận lãnh cũng không hề nhỏ, khi phải áp dụng cấm vận ngắn hạn trong dài hạn. Còn ván cờ Ukraine thì trở thành gánh nặng, "bỏ thì thương, vương thì tội", với phương Tây.

"Nước cờ vũ khí hoá học Syria" không còn tác hiệu khiến Washington và các đồng minh càng tìm cách khai thác càng đưa mình vào thế cờ bí, mà việc Tổng thống Trump tấn công quân sự trừng phạt Syria trong"Sự kiện Idlib" là một minh chứng rõ nét nhất.

Tổng thống Putin là vị quốc khách đầu tiên của tân Tổng thống Pháp Macron là lời nhắc nhở gửi tới Washington

Bởi khi Nga thành lập "vùng an toàn" thì không những Washington khó có thể tiếp tục cho "Tomahawk bay vào Syria", mà còn phải chấp nhận thực tế là Moscow đang  ngày càng tiến gần hơn tới một giải pháp chính trị cho Syria, khi Hoà đàm Astana đã được xem là những bước tiền trạm cho Hội nghị Geneve được LHQ bảo trợ.

Với Libya, những diễn tiến mới nhất cho thấy dường như chỉ Moscow mới có thể hoá giải được "lời nguyền Gaddafi" cứu EU, sau khi lực lượng thân Nga đã giúp báo thù cho Đại sứ Mỹ Steven. Những thực tế cay đắng này là lời nhắc nhở Mỹ và phương Tây về hậu quả của việc gạt Nga ra khỏi ván cờ Libya.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, khủng hoảng ngoại giao Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố và chiếm trái tim thế giới Hồi giáo...đang được giới phân tích nhìn nhận là không thể có kết quả khả quan nếu thiếu vắng Nga.

Do vậy, Washington không sửa chữa sai lầm của Tổng thống Obama là lãng phí cơ hội của chính mình, qua đó giúp nâng tầm cho đối thủ.

Giới phân tích cho rằng đây mới chính là nguyên nhân khiến Ngoại trưởng Đức sốt ruột, phải kêu gọi Washington nhanh chóng cải thiện quan hệ với Moscow.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn