Quản lý nhà ở công vụ: Muốn thu hồi phải “nhờ” dư luận?

Thứ ba, 20/06/2017, 09:55
Câu chuyện thu hồi nhà ở công vụ khi quan chức đã hết tiêu chuẩn sử dụng luôn gặp khó khăn trong nhiều năm qua. Thậm chí, ngay đến Bộ Xây dựng - đơn vị quản lý quỹ nhà này nhiều lúc vì “nể nang”, thúc thủ chờ đến khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, mới ra công văn yêu cầu trả lại nhà.

Ảnh ninh họa 

Sáng 19/6, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đến trụ sở Cty TNHH MTV Quản lý bất động sản Tây Đô - đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ để bàn về việc bàn giao căn hộ số 1203, tầng 12, tháp B, nhà chung cư CT1 - CT2 (khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Ông Phạm Văn Tám, Phó Giám đốc  Cty TNHH MTV Quản lý bất động sản Tây Đô xác nhận với Tiền Phong, ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã làm xong thủ tục trả nhà công vụ. Theo đó, ông Cường có đơn xin trả lại nhà và công ty làm thủ tục thanh lý hợp đồng.

Theo ông Tám, hiện công ty chỉ quản lý quỹ nhà tại CT1 - CT2 (khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) do công ty làm chủ đầu tư còn các nhà công vụ khác công ty không quản lý. “Việc phân bổ đối tượng thuê nhà công vụ do Bộ Xây dựng quản lý và trả lại đúng theo thủ tục quy định sau khi có thông báo của Bộ Xây dựng”, ông Tám cho hay.

Trước đó, như PV đã đưa tin, Bộ Xây dựng đã ra thông báo việc ông Hà Hùng Cường đã hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ. Và vị nguyên bộ trưởng này đã có đơn gửi Bộ Xây dựng mong muốn gia hạn thời gian thuê thêm một năm (đến ngày 30/6/2018) hoặc được mua lại căn hộ nhà ở công vụ do gia đình khó khăn. Trao đổi với Tiền Phong, ông Cường cho rằng:  “Tôi vẫn trong tâm thế sẵn sàng trả theo đúng quy định. Khi tôi làm đơn tôi rất tôn trọng cơ quan nhận đơn sẽ trả lời mình như nào”.

Một lãnh đạo Bộ Xây dựng lý giải, sau khi có đơn của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện, Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến việc có nên gia hạn nhà ở công vụ cho ông Cường hay không nên Bộ chưa có văn bản trả lời ông Hà Hùng Cường.

Nhà ở công vụ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) phải thu hồi 20 căn hộ sử dụng sai mục đích.

Bất cập cả bên quản lý lẫn người ở

Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, quản lý nhà công vụ hiện đang còn nhiều bất cập. Vị này đơn cử: có những trường hợp đã hết thời gian công tác, có nhà ở rồi nhưng vẫn không trả lại nhà công vụ.

Có trường hợp thì hết thời gian công tác nhưng lại không có nhà để ở do bản thân không tự tạo lập được nhà ở nên họ vẫn sống tại nhà công vụ. “Tuy nhiên, đối với trường hợp của một số cán bộ có khó khăn về nhà ở, Bộ Xây dựng đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế, đồng thời tạo điều kiện có thêm thời gian sắp xếp chỗ ở mới để trả lại nhà ở công vụ đang sử dụng”, vị này lưu ý.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sau khi báo chí phản ánh việc sử dụng không đúng mục đích nhà ở công vụ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) năm 2014, Bộ đã thu hồi 20 căn hộ. “Cái yếu trong quản lý nhà công vụ thời gian qua là quản lý, thực thi chứ không phải yếu về mặt pháp luật, cơ chế. Quy định đã rõ ràng nhưng không được thực hiện nghiêm túc, người được phân nhà công vụ cũng chưa nghiêm túc”, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn chỉ ra: Việc chậm trễ một phần do chính quyền làm chưa mạnh tay, còn nể nang, sợ va chạm. “Hồi năm 2006 Quốc hội cũng nóng về vấn đề nhà công vụ. Đến nay, vấn đề càng trở nên cấp thiết hơn.

Tình trạng nhà bị sử dụng sai mục đích, chây ì hoàn trả khi hết tiêu chuẩn gây thất thoát tài sản cho nhà nước và tạo nên sự không công bằng trong xã hội. Cần làm một cách nghiêm túc, xử lý triệt để tình trạng cố tình không trả nhà công vụ sau khi nghỉ hưu”, ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, ngoài đối tượng cán bộ đến tuổi về hưu chưa trả lại nhà công vụ cho nhà nước thì còn một thực trạng đang diễn ra “ngầm” tại các khu đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Đó là người được phân công nhà công vụ không sử dụng phần diện tích được cấp để ở mà lại chuyển cho người khác thuê làm mặt bằng kinh doanh. Thậm chí có người dùng các khu biệt thự sang trọng, đắt tiền được cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê với giá cao để thu lợi ích cho bản thân.

“Việc thu hồi này cần làm đàng hoàng, công khai minh bạch. Với những người đã nghỉ hưu mà không chủ động được về chỗ ở thì thành phố cũng cần có những hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống. Những người đã có nhà riêng thì phải yêu cầu trả lại theo đúng quyết định để chuyển giao cho người sau”, ông Liêm cho hay.

Tại Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/5/2013, quy định từ ngày 1/1/2014 nhà công vụ do 3 nơi quản lý. Theo đó, các tỉnh và thành phố trực tiếp quản lý quỹ nhà công vụ tại địa phương mình. Quỹ nhà này được dành cho các đối tượng luân chuyển công tác từ Trung ương về địa phương, hoặc từ các huyện, xã điều động lên. Số nhà công vụ do các cơ quan trung ương quản lý trước đây đã được bàn giao thống nhất đầu mối cho Bộ Xây dựng quản lý từ ngày 1/1/2014. 

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích