Ngày 20/6, trao đổi với Tiền Phong, liên quan đến sự cố đập hồ Núi Cốc, ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT), cho biết đập hồ Núi Cốc bị thấm nước và đống đá tiêu nước bị hư hỏng.
Lên phương án xử lý
Theo Sở NN&PTNT Thái Nguyên, đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nhỏ ở vai bờ tả phía hạ lưu đập từ cao trình +45 m đến cao trình +46 m, các vùng thấm ở giữa mái hạ lưu ổn định.
Tại cao trình +44m hạ lưu bờ tả có hiện tượng thấm nhiều và lan rộng, rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cơ cao trình +32m và +42m bị đổ gãy chiều dài 200m làm tụt các tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8m...
Trước sự cố trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc; chỉ đạo các cơ quan đơn vị trên địa bàn triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, dự kiến sẽ hoàn thành trước 20/8/2017.
Đập hồ Núi Cốc bị thấm nặng, khiến UBND tỉnh Thái Nguyên phải ban bố tình trạng khẩn cấp. |
Theo ông Tự, sau khi nhận được báo cáo của Thái Nguyên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên bố trí nguồn vốn, giao các sở ngành, công ty khai thác công trình thủy lợi, lựa chọn đơn vị tư vấn để đánh giá sự. Hiện đơn vị tư vấn đã khảo sát, đánh giá mức độ của hư hỏng, sự cố, làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý.
Ông Tự cho biết sau khi đơn vị tư vấn triển khai, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp (ngày 19/6), có sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi và một số nhà khoa học để nghe phương án và góp ý.
Sau khi nhận góp ý từ Tổng cục Thủy lợi và các chuyên gia, đơn vị tư vấn đã hoàn thiện phương án và gửi chủ đầu tư. Sau đó, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên sẽ thẩm định bản phương án trước khi trình UBND tỉnh này phê duyệt.
Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập cho biết phương án khắc phục là “hỏng đâu sửa đấy”. Theo đó, với việc tháp bị thấm nước phía sau đập, do đống đá tiêu nước lâu rồi bị hỏng, nên phải sửa lại bộ phận này để hạ đường bão hòa xuống. Mặt khác, hiện mức độ thấm ở thân đập vượt mức cho phép, nên cần phải khoan, phụt, tạo màng để tăng chống thấm của đâp lên.
“Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thái Nguyên cần tăng khả năng quan trắc, dự báo để hỗ trợ phương án vận hành, như: Dự báo mưa, xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho hạ du trong mưa lũ", ông Tự nói.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã kiểm tra thực tế những vị trí hư hỏng, xuống cấp tại thân đập chính hồ Núi Cốc. Thứ trưởng Thắng yêu cầu đơn vị chức năng liên quan của tỉnh Thái Nguyên khẩn trương lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, chuyên môn để triển khai ngay việc xử lý cấp bách chống thấm thân đập, tìm đơn vị tư vấn nhanh chóng tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia để có phương án xử lý hiệu quả, kịp thời.
Sẵn sàng phương án cho tình huống xấu
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, sau khi ban bộ tình trạng khẩn cấp, Thái Nguyên cũng có công điện, yêu cầu các đơn vị chức năng, sở ngành, địa phương của tỉnh này lên phương án đảm bảo an toàn đập, dân cư và cơ sở hạ tầng vùng hạ du công trình hồ Núi Cốc.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lưu lượng đến, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, diễn biến sự cố thấm qua hai vai đập và qua đập chính.
Công ty này cần chủ động thông tin, cảnh báo cho người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở hạ du biết sự cố của hồ để chủ động các biện pháp phòng tránh, nghiêm cấm người dân, gia súc đi lại trên mái đập. Chủ động xả nước hồ chứa để hạn chế phát triển của sự cố và ngập lụt vùng hạ du.
Hồ Núi Cốc cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Nguyên . |
Khẩn trương hoàn thành phương án xử lý cấp bách đảm bảo an toàn hồ Núi Cốc, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai thực hiện đảm bảo an toàn công trình trong đợt mưa lũ này và mùa mưa lũ 2017 khi có yêu cầu.
Đối với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão công trình hồ Núi Cốc, tỉnh này yêu cầu khẩn trương phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy; kiểm tra giám sát, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên xử lý cấp bách đảm bảo an toàn hồ Núi Cốc; triển khai phương án phòng chống lụt bão theo quy định và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các phương án phòng chống lụt bão đối với công trình hồ Núi Cốc.
Ngoài ra, Thái Nguyên cũng yêu cầu UBND thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án di dân, bảo vệ công trình đê điều, cơ sở hạ tầng vùng hạ du trong trường hợp xả lũ, nhất là xả lũ lớn, vỡ đập đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, hệ thống đê điều, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Đập Núi Cốc thuộc hạng A là hạng đập đất đắp không có lõi chống thấm (theo phân hạng của Bộ Thủy lợi, nay là Bộ NN&PTNT). Công trình gồm 1 đập chính và 7 đập phụ.
Đập chính có cao trình 27m, dài 480m, là loại đập tràn có cửa xả kiểu máng phun với lưu lượng xả tối đa 850m3/giây. Thân đập được làm bằng đắt đắp, đầm hỗn hợp thủ công và đầm lăn cơ giới hạng nhẹ. 7 đập phụ cũng là đập đất đắp không có lõi chống thấm, cao 12,5m.
Đập Núi Cốc tạo ra Hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước trung bình 25km2, ở thời điểm lũ tối đa là 32km2; độ sâu 46,2m, thời điểm cường lũ tối đa là dung tích toàn bộ 175,5 triệu m3, dung tích hữu ích 168 triệu m3.
Theo Tiền Phong