|
Theo CNN, tài sản của những người có mặt trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng và bản thân họ sẽ bị cấm kinh doanh với công dân, công ty Mỹ, hoặc huy động tài chính ở nước này.
Bộ Tài chính Mỹ cho hay động thái này phù hợp với cam kết của Mỹ trong việc tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi Nga rời bán đảo Crimea. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết: “Chính quyền cam kết với tiến trình ngoại giao đảm bảo chủ quyền của Ukraine. Không nên có việc nới lỏng biện pháp trừng phạt đến khi Nga thực hiện nghĩa vụ của nước này theo thỏa thuận Minsk”.
Biện pháp trừng phạt mới nhất được thiết kế để chống lại các nỗ lực phá vỡ lệnh cấm vận trước đó, vốn áp đặt lên Nga từ năm 2014, sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ. Danh sách trừng phạt mới cũng có tên một số người vận động ly khai Ukraine.
Việc Mỹ thắt chặt lệnh cấm vận chấm dứt kỳ vọng mà Nga từng có, về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ giúp quan hệ Washington - Moscow cải thiện. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây khác nhiều lần cho biết các lệnh trừng phạt vẫn sẽ được giữ nguyên cho đến khi Moscow thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk mà họ ký kết vào năm 2015.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay các nỗ lực kéo dài và thắt chặt lệnh trừng phạt “không có gì đáng ngạc nhiên”. Ông cho biết trong lịch sử, nhiều nước đã từng áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga bất cứ khi nào họ cảm thấy nước này đang “cạnh tranh nghiêm túc”.
Ngoài Mỹ, EU cũng mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga trong tuần này. Những biện pháp mới cấm đầu tư vào Crimea và nhập khẩu từ khu vực này sang EU.
Theo Thanh Niên