Mỹ đổi giọng vì Qatar, chiến tranh vùng Vịnh sớm dừng?

Thứ tư, 21/06/2017, 17:24
Mỹ muốn "phán xử" vì Saudi Arabia nói Qatar hỗ trợ khủng bố, gạt đồng minh quan trọng để ổn định vùng Vịnh.

Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thắn đòi bằng chứng để Saudi Arabia cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố.

"Đến nay đã hai tuần hơn kể từ khi cấm vận, chúng tôi rất ngạc nhiên khi các quốc gia vùng Vịnh không công bố chi tiết về các cáo buộc mà họ đang nhắm vào Qatar" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định với báo giới.

Mỹ hai mặt trong cô lập Qatar?

Phía Mỹ cho rằng càng chậm trễ về câu trả lời cho cáo buộc của Arabia về việc Qatar hỗ trợ cho khủng bố, thì "càng có nhiều nghi ngờ về các hành động của Saudi và UAE".

"Tại thời điểm này, chúng tôi chỉ có một câu hỏi đơn giản: liệu đó là những hành động thật sự về mối lo ngại của họ đối với cáo buộc tài trợ khủng bố của Qatar hay chỉ là những bất hòa lâu nay giữa và trong nội bộ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC" - ông Nauert nói rõ.

Đòi hỏi về những bằng chứng để có thể quy kết tội lỗi của Doha, Mỹ đang muốn tìm cách xoa dịu vùng Vịnh nhưng lần này là tìm cách để bênh vực Qatar.

Bình luận mới của Bộ Ngoại giao Mỹ dường như trái ngược lại với những phát ngôn trước đây của Tổng thống Donald Trump khi thẳng thắn gọi Qatar tài trợ cho khủng bố ở Syria và Iraq ngay sau khi gần 10 nước vùng Vịnh cô lập quốc gia này.

"Họ nói sẽ cứng rắn với việc cấp tiền cho cực đoan, và tất cả đều chỉ vào Qatar. Có lẽ đây sẽ bắt đầu để chấm dứt khủng bố" - ông Trump viết lên Twitter.

Ông Trump nói khi thăm Ả Rập Saudi mới đây, ông được cho hay Qatar đang tài trợ "ý thức hệ cực đoan".

Diễn văn của ông Trump tại thủ đô của Ả Rập Saudi, lên án Iran và thúc giục các nước Hồi giáo chống cực đoan, được xem là khuyến khích các nước vùng Vịnh chống lại Qatar.

Hãng tin Reuters cho rằng việc Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thắn lên tiếng về hành động của Riyadh và Abu Dhabi chứng tỏ Washington quan tâm đến việc chấm dứt căng thẳng giữa các bên.

"Chúng tôi chỉ muốn nhắn gởi đến các bên liên quan: Hãy chấm dứt chuyện này đi. Hãy bắt đầu làm điều này" - ông Nauert nói.

Song bình luận đi ngược hẳn với tuyên bố của Tổng thống thì rõ là điều trái khoáy mà Nhà Trắng đang nỗ lực trong vai trò người cân bằng quan hệ của hai quốc gia đồng minh.

Ông Nauert cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến khích "các bên giảm căng thẳng và tham gia vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng".

Mỹ đang thể hiện là một đồng minh quan trọng của Qatar hơn là của Saudi Arabia.

Trước đó 1 ngày, Qatar đã thẳng thắn tuyên bố các điều kiện để ngồi vào bàn đàm phán do bất cứ bên thứ ba nào hỗ trợ nhằm giảm nhiệt cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh.

Phát biểu với báo giới tại Thủ đô Doha, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tuyên bố  điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán là chấm dứt các biện pháp gây hấn nhằm cô lập Qatar của hàng loạt quốc gia vùng Vịnh.

Tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Qatar đưa ra chỉ 1 ngày trước khi Doha cũng thẳng thắn tuyên bố về lệnh trừng phạt đáp trả chính quyền các nước vùng Vịnh.

RIA Novosti dẫn nguồn tin ngoại giao Yemen cho biết, Chính quyền Qatar đã ra lệnh cho các nhân viên ngoại giao Đại sứ quán Yemen phải rời khỏi Doha trong vòng 48 giờ tới.

"Chính quyền Qatar đã thông báo với Đại sứ quán về sự cần thiết phải rời khỏi (Qatar) trong vòng hai ngày tới," hãng tin của Nga cho biết.

Cho đến nay, chưa có tuyên bố chính thức của hai nước về thông tin này song các phản ứng mạnh mẽ của Qatar đã cho thấy những lợi thế đặc biệt hơn mà quốc gia này có được sau thỏa thuận mua lô hàng vũ khí của Mỹ.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn