Khi cuộc khủng hoảng Qatar đang gia tăng mức độ căng thẳng, ngày 13/6 khi xuất hiện cùng Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Ả-rập Saudi Adel al-Jubeir lại khẳng định : “Không có sự phong tỏa đối với Qatar”', theo Reuters
Người đứng đầu ngành ngoại giao của vương quốc dầu mỏ cho rằng việc đóng cửa không phận của Ả-rập Saudi đối với các chuyến bay từ Qatar là “quyền tối cao của vương quốc”, song đó không phải là hành động phong toả tiểu quốc vùng Vịnh.
Phát biểu của ông Adel al-Jubeir khiến dư luận rất bất ngờ vì Ả-rập Saudi cùng với 8 quốc gia khác đã thực hiện nhiều biện pháp cô lập Qatar sau khi cáo buộc tiểu quốc này "đồng phạm với khủng bố".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Ả-rập Saudi Adel al-Jubeir |
Phải chăng có tác động nào đó đã làm Riyadh thay đổi cả trong nhận thức lẫn hành động đối với cuộc khủng hoảng vùng vịnh xoay quanh “đồng phạm khủng bố Qatar”?
Chính sách “ngoại giao vũ khí’
Khi dư luận còn đoán già đoán non về những thay đổi của “bá chủ” Ả-rập Saudi với tiểu quốc Qatar, thì ngày 14/6 Qatar đã ký hợp đồng trị giá 12 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ.
Hợp đồng được ký kết sau các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid al-Attiyah. Theo Bloomberg, đơn hàng trong hợp đồng là 36 máy bay tiêm kích F-15 của Mỹ.
Trước đó, vào tháng 11/2016, Mỹ đã thông qua thương vụ có trị giá 21,1 tỷ USD bằng việc bán cho Qatar 72 chiếc máy bay F-15QA và Boeing là nhà thầu chính trong hợp đồng bán phi cơ chiến đấu cho Qatar.
Các nhà thầu khác bao gồm Lockheed Martin (LMT), Elbit Systems (ESLT) và BAE Systems (BAESY) hỗ trợ sản xuất. Thỏa thuận nhằm mục đích nâng cao khả năng quốc phòng cho Qatar, nhưng vẫn chưa được hoàn tất.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những chỉ trích của Tổng thống Trump đối với Qatar trong việc bị cáo buộc "đồng phạm khủng bố" không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp 72 máy bay F-15QA cho Qatar. Nay điều đó đã là sự thật, dù đơn hàng lần này mới chỉ là một nửa của thoả thuận.
Còn nhớ năm 2014, trong lúc xảy ra cuộc khủng hoảng giữa Qatar với Ả-rập Saudi và các quốc gia khác tại vùng Vịnh, Qatar đã ký hợp đồng mua tên lửa Patriot của Mỹ - lần đầu tiên có một hợp đồng vũ khí giữa Washington và Doha - trị giá 11 tỷ USD.
Máy bay F.15 - một công cụ trong "ngoại giao vụ khí" của Qatar |
Theo đó Mỹ cung cấp cho Qatar 10 hệ thống phóng tên lửa đất đối không Patriot, 24 trực thăng Apache và 500 tên lửa chống tăng Javelin. Hợp đồng mua bán tên lửa Patriot với Qatar là hợp đồng mua bán vũ khí có trị giá lớn nhất của Mỹ năm 2014.
Khi thoả thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và Qatar được thống nhất thì cuộc khủng hoảng vùng Vịnh năm 2014 cũng kết thúc, khi Riyadh và các đồng minh kết nối bang giao lại với Doha.
Đặc biệt, trong thoả thuận giữa Wasington và Doha khi đó đã "để thòng" khả năng Washington sẽ cung cấp một số loại máy bay chiến đấu cho Doha. Nay khả năng đó đã thành hiện thực trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa các quốc gia trong vùng Vịnh lại đang diễn ra.
Giới phân tích cho rằng, dường như Doha đã vận dụng lại chính sách “ngoại giao vũ khi” để tìm lối thoát cho mình như năm 2014.
Bởi theo tin mới nhất, phát biểu tại London ngày 16/6, Ngoại trưởng Ả-rập Saudi Adel al-Jubeir cho hay 4 quốc gia Ả-rập cắt đứt quan hệ với Qatar đang chuẩn bị đưa ra một danh sách "những nghi ngại" với Doha và cảnh báo Qatar không được ủng hộ chủ nghĩa cực đoan.
Ả-rập Saudi và các đồng minh cho biết vẫn giữ quan hệ tốt với quốc gia láng giềng Qatar. Trong một động thái tương tự, UAE cũng đã quyết định xóa tên các cá nhân và tổ chức của Qatar khỏi danh sách đen – đồng phạm khủng bố.
Cuộc khủng hoảng Qatar đã hạ nhiệt sau khi chính sách “ngoại giao vũ khí” được Doha áp dụng trở lại?
Sức mạnh nước nhỏ
Nhiều ý kiến cho rằng, vì năm 2014, hợp đồng mua bán vũ khí với Qatar có giá trị lớn nhất với Mỹ khi đó nên Washington mới cộng hưởng tác hiệu cho chính sách “ngoại giao vũ khí” của Doha, mà từ đó giúp Qatar thoát hiểm.
Nay hợp đồng mua bán vũ khí giữa Doha với Washington chỉ khoảng 12 tỷ USD thì đâu có là gì so với thoả thuận mua bán vũ khí giữa Washington và Riyadh lên đến 110 tỷ USD, vì vậy làm sao Doha có thể được Washington giúp giải vây?
Giá trị những thoả thuận giữa Mỹ và Ả-rập Saudi hoàn toàn có thể trở thành ảo nếu Riyadh không hoá giải được khó khăn kinh tế trong nước |
Giới phân tích cho rằng Doha hoàn toàn có thể thoát vòng vây của Riyadh và các đồng minh chỉ với 12 tỷ USD được thực hiện trong chính sách “ngoại giao vũ khí”, dù thoả thuận của Riyadh với Washington có giá trị gấp 9 lần như vây.
Thứ nhất, 12 tỷ USD của Qatar là “tiền tươi thóc thật” và có thể thực hiện được ngay theo kiểu “tiền trao cháo múc”, còn 110 tỷ của Ả-rập Saudi mới chỉ là thoả thuận và tính khả thi vẫn đang được bỏ ngỏ, bởi nó quá nhạy cảm với tình hình kinh tế khó khăn của Ả-rập Saudi.
Ngay cả khi hợp đồng mua bán được ký kết thì đó cũng sẽ chỉ là những đơn hàng của tương lai và sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng quan lý, điều hành của chính phủ Hoàng gia. Do vậy, dù giá trị thoả thuận lớn nhưng giá trị thực hiện có thể lại rất nhỏ và thời gian không thể xác định.
Có thể thấy, với Washington thì 12 tỷ USD của Qatar có giá trị thật, còn 110 tỷ USD của Ả-rập Saudi hiện vẫn có thể mang giá trị ảo.
Thứ hai, sức mạnh tài chính của Qatar không phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu thô - vì lượng xuất khẩu khí đốt rất lớn - giúp cho việcc trang bị vũ khí, nâng cấp vũ khí của tiểu quốc này có thể sẽ tiếp tục diễn ra và luôn dễ thực hiện.
Qatar dù nhỏ nhưng có thể là “ngân hàng lớn” cho những nhà sản xuất vũ khí của Mỹ, còn Ả-rập Saudi dù lớn nhưng nếu giá dầu không cải thiện – và rất khó cải thiện khi Riyadh cho biết không cắt giảm sản lượng dù giá dầu xuống thấp – thì có thể đến lúc sẽ chỉ là “tỷ phú không tiền” mua vũ khí Mỹ.
Thứ ba, căn cứ quân sự Al Udeid của Mỹ tại Qatar là căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, với 11.000 quân đồn trú. Vương quốc Qatar quá nhỏ bé nên việc triển khai những loại vũ khí mà Mỹ bán cho Qatar cũng chẳng khác nào việc trang bị vũ khí cho quân đội Mỹ đồn trú tại đây.
Căn cứ quân sự Al Udeid của Mỹ tại Qatar |
Như vậy, Mỹ bán vũ khí lấy tiền nhưng mục đích sử dụng, thậm chí quyền sử dụng những loại vũ khí ấy vẫn thuộc về Mỹ, điều này giúp Washington tránh lãng phí về tài chính, tạo ra nhiều lợi thế về chiến lược cũng như chiến thuật cho Mỹ tại vùng đất nóng.
Hiện nay, với quan hệ lợi ích chồng chéo và đan xen, một nhà nước, một chế độ chính trị tại bất cứ quốc gia nhỏ bé nào cũng đều có thể bị xoá bỏ. Chủ nghĩa bá quyền đang là xu thế có thể đưa những “nhược tiểu” vào vòng xoáy của những "đại cường".
Tuy nhiên, nếu lực lượng cầm quyền biết đặt chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc lên trên hết, không chịu lệ thuộc hay nô lệ thì sẽ biết phát huy, khai thác những lợi thế vốn có của đất nước mình, từ đó chuyển thành những ưu thế đặc biệt của quốc gia dân tộc mình.
Cường quốc có sức mạnh của cường quốc, song nước nhỏ cũng có sức mạnh của nước nhỏ. Sức mạnh quốc gia nằm ở việc chính quyền biết khai thác mọi nguồn lực của đất nước trong quá trình phát triển, biết thể hiện ra trong những thời điểm đặc biệt khi chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc bị đứng trước nguy cơ bị đe doạ.
Chính sách "tạo vị thế đặc biệt" của Nepal trong việc hoá giải mối nguy lệ thuộc vào hai người khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ hay chính sách "ngoại giao vũ khi" của Qatar trong hoá giải mối nguy "đồng phạm khủng bố" là những bài học hay trong bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc.
Theo Đất Việt