|
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc gặp ở Washington. |
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa một nhóm nước do Saudi Arabia dẫn đầu và Qatar đang diễn ra theo chiều hướng tích cực.
Người phát ngôn Heather Nauert đã phát biểu như vậy trong cuộc họp báo hôm 13.6 sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Saudi, Adel al-Jubeir và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ở Washington.
Theo bà Nauert, cuộc đối thoại giữa 2 nhà ngoại giao hàng đầu về khủng hoảng Qatar là "đầy hy vọng".
"Họ cùng nhau nói về sự cần thiết để ngồi xuống cùng nhau và làm việc cùng nhau. Tôi sẽ mô tả thái độ đó và cách tiếp cận đó giống như một người đang đầy hy vọng và tin rằng, mọi chuyện tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng ta", bà Nauert nói. Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và một số nước vùng Vịnh khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar tuần trước với cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm khủng bố và Iran.
Riyadh cũng đóng cửa biên giới với Qatar - biên giới đất liền duy nhất mà Saudi Arabia có. Ngoài ra, Saudi, Bahraini và UAE còn đóng cửa không phận đối với các các hãng hàng không Qatar, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng về xuất nhập khẩu hàng hóa và đi lại cho Qatar. Trước cuộc họp ở Washington, Ngoại trưởng Saudi, Adel al-Jubeir nhấn mạnh với các phóng viên rằng, các biện pháp chống lại Qatar không tương ứng với một cuộc phong tỏa.
Ông tuyên bố rằng, chính phủ của ông đang thực thi "quyền chủ quyền" của nước này khi cấm Qatar sử dụng không phận, lãnh hải cũng như biên giới chung giữa 2 nước."Không có sự phong tỏa nào đối với Qatar. Qatar tự do đi lại. Các cảng mở cửa, các sân bay mở cửa. Giới hạn về việc sử dụng không phận Saudi chỉ áp dụng đối với hãng hàng không Qatar hoặc các máy bay do chính phủ Qatar sở hữu chứ không phải bất cứ ai khác", ông Jubeir tuyên bố.
Bình luận về diễn biến trên, ông Marwan Bishara, chuyên gia phân tích chính trị cao cấp của Al Jazeera cho rằng, Saudi Arabia dường như đang "hạ giọng điệu" chống lại Qatar thông qua những tuyên bố của ông Jubeir.
"Thay vì nhắc lại những lời đe dọa trước đây của Saudi dành cho Qatar, ông Jubeir đã cố gắng nhấn mạnh rằng, Qatar không bị phong tỏa và Riyadh chỉ thực hiện các quyền chủ quyền của nước này với các biện pháp cần thiết. Ông ấy đã cố nói rằng Saudi Arabia không áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Qatar", ông Marwan tuyên bố.
Qatar là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm và nước. Doha nhập khẩu phần lớn lương thực từ các nước láng giềng Ả Rập vùng Vịnh trước khi bị cắt đứt quan hệ ngoại giao. Hiện nước này đang hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo an ninh lương thực và nước.
Theo Dân Việt