Thông tin mới nhất về tàu 67: Công an tỉnh bắt đầu xác minh vụ việc

Thứ tư, 14/06/2017, 12:36
Trước sự việc hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Tỉnh Bình Định đã yêu cầu cơ sở đóng tàu tháo thép, thay máy đúng hợp đồng, phải đền bù các thiệt hại gây ra cho ngư dân và đề nghị công an điều tra, xử lý hình sự.

“Bất ngờ” thay máy mới

Ngày 9.6, ông Lê Hoàng Phong - Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (tại TP.HCM)- đơn vị hợp đồng cung cấp máy Mitsubishi chính hãng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã ký công văn gửi cơ quan chức năng “đòi” thay máy mới cho ngư dân.

Trao đổi với PV, nhiều ngư dân tỏ ra rất bất ngờ trước động thái trên của đơn vị cung cấp máy tàu. Bởi, tại cuộc họp với UBND tỉnh Bình Định gần đây, chính công ty này khẳng định máy Mitsubishi chính hãng 100% và đổ lỗi nguyên nhân hỏng máy do ngư dân chưa biết sử dụng?

Nhiều tàu 67 nằm bờ vì hư hỏng, ngư dân Bình Định lâm cảnh nợ nần.

Trong khi đó, ông Teddy Trương Thưởng - đại diện Tập đoàn Xin Min Hua Pte Ltd (Singapore) là đơn vị độc quyền phân phối máy thủy của Hãng Mitsubishi (Nhật Bản) cho hay, ngày 8.6, đơn vị này cùng chuyên gia nước ngoài đã kiểm tra 9 tàu cá vỏ thép có lắp máy Mitsubishi thì chỉ có 1 tàu lắp đúng máy thủy do đơn vị này cung cấp, 8 tàu còn lại lắp máy không phải hàng chính hãng và không phải do đơn vị này cung cấp. Qua kiểm tra ban đầu, 8 máy này có dấu hiệu cải hoán để phù hợp với môi trường hoạt động của máy thủy.

Ông Trần Văn Nguyện- Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu xác nhận mua máy hiệu Mitsubishi tại Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát nhưng không rõ công ty trên có phải đơn vị phân phối chính hãng hay không?

Ngư dân Đinh Công Khánh- chủ tàu BĐ 99086 TS (trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cho biết: “Lúc trước, đơn vị cung cấp máy luôn khẳng định máy mới 100% và họ cho rằng ngư dân chưa biết sử dụng nhưng giờ lại đòi thay, không hiểu vì lý do gì? Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa ký kết hợp đồng thay máy mới gì cả”.

Theo ngư dân Khánh, ngày 3.6, ông Bùi Hữu Hùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu và ông Nguyễn Hoàng Tân- Giám đốc xí nghiệp đóng tàu của công ty này đã đến gặp ông đưa ra văn bản soạn sẵn. Theo văn bản này, gồm bên A là Công ty TNHH MTV Nam Triệu, bên B là Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (đơn vị cấp máy để lắp vào tàu vỏ thép), còn bên C là ông Đinh Công Khánh. Nếu ông Khánh ký văn bản cam kết, công ty sẽ đưa 200 triệu đồng và khắc phục con tàu hư hỏng.

“Hôm đó trời tối, ông Hùng năn nỉ nên tôi đồng ý ký vào và đưa cho họ cầm đi, một bản tôi giữ lại chưa ký. Trong khi đó, về đến nhà vợ tôi phát hiện nội dung văn bản yêu cầu sau khi nhận tiền phải rút những kiến nghị trước đó và không khiếu kiện gì với công ty cũng như đơn vị cung cấp máy nên la tôi quá trời. May mà tôi chưa nhận tiền và tôi cũng đã khẳng định với công ty là hủy cam kết này”- ngư dân Khánh kể lại.

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh- chủ tàu BĐ 99567 TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, cho hay: “Con tàu hư hỏng khắp nơi, không chỉ vỏ tàu mà trang thiết bị cũng được lắp không đúng theo hợp đồng. Vậy mà, họ dám đề xuất chi cho tôi 250 triệu đồng rồi tự tôi lo sửa chữa. Nếu đồng ý với cả đó thì rút đơn khiếu nại doanh nghiệp nhưng tôi không chịu”.

Đề nghị Bộ Công an vào cuộc!

Trước việc đơn vị cung cấp máy bất ngờ “đòi” thay mới, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu quan điểm: “Việc thay máy mới nguyên đai, nguyên kiện bắt buộc họ phải làm. Nhưng về hành vi gian lận thương mại là một trong trong những biểu hiện hình sự, cái này công an sẽ điều tra làm rõ. Có khi đây là hàng giả, hàng nhái hoặc kém chất lượng thì tội rất nặng? Đâu phải phát hiện sai rồi thay máy là xong, cần niêm phong máy để phục vụ công tác điều tra”.

Theo ông Châu, qua kiểm tra chuyên gia hãng máy Mitsubishi khẳng định trong 9 tàu nhưng có đến 8 máy không phải chính hãng, chỉ có vỏ ghi nhãn mác Mitsubishi còn ruột không phải.

Ông Châu cho biết: “Với sự cố 18 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Cơ quan chức năng cần điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.  UBND tỉnh đề nghị đưa vào vấn đề hình sự để xử lý triệt để. Tôi kêu gọi lương tâm của các cơ sở đóng tàu nhanh chóng sửa chữa cho ngư dân”.

Ông Trần Châu đề nghị sau khi có kết luận của Tổ thẩm định tàu vỏ thép, nếu máy móc bị hư hỏng là máy cũ hoặc máy không đồng bộ thì 2 đơn vị đóng tàu phải chịu trách nhiệm và đền bù các thiệt hại cho chủ tàu do tàu vỏ thép bị hư hỏng, phải nằm bờ sửa chữa.

“Đối với phần vỏ tàu, thân tàu nếu đơn vị đóng tàu nào dùng thép không đúng hợp đồng, tôi yêu cầu tháo ra làm lại y như hợp đồng đã ký kết với ngư dân. Đối với máy không chính hãng, không đồng bộ mà đã lắp vào rồi, tôi cũng yêu cầu tháo ra, thay máy mới. Tất cả các thiết bị trên tàu phải làm mới hoàn toàn theo quy định của Nghị định 67 và theo đúng hợp đồng. Tôi đã yêu cầu công an tỉnh vào cuộc báo cáo để Bộ Công an điều tra việc tàu vỏ thép kém chất lượng. Ngư dân, đơn vị đóng tàu hay cơ quan quản lý nhà nước nếu có sai phạm trong việc thực hiện Nghị định 67 thì UBND tỉnh Bình Định cũng đều đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm minh”- ông Châu khẳng định.

Hiện nay, Công an tỉnh Bình Định đã giao Phòng An ninh kinh tế xác minh vụ việc tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị kém chất lượng, nhiều thiết bị không đúng với hợp đồng.

Trao đổi với PV, ông Châu còn đặt ra hàng loạt nghi vấn khi thời gian gần đây diễn biến vụ việc tàu 67 hư hỏng xuất hiện rất nhiều điểm bất thường?.

Lý giải sự bất thường trên, ông Châu chỉ ra: “Thứ nhất, trước đây ngư dân có đơn khiếu kiện yêu cầu doanh nghiệp sửa chữa tàu tận gốc. Không hiểu sao gần đây họ đề nghị không khiếu kiện nữa. Thứ 2 là việc hãng máy Mitsubishi chính gốc Nhật Bản khẳng định kiểm tra 9 máy tàu thì có đến 8 máy không phải chính hãng. Tôi yêu cầu công an cần vào cuộc điều tra để làm sáng tỏ vấn đề”.

Không nương nhẹ, nêu rõ 5 biện pháp xử lý

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đặng Hoài Tân (Bình Định) ngày 13.6 liên quan đến vấn đề tàu 67 hư hỏng trong thời gian qua.

Đại biểu Đặng Hoài Tân đề cập đến vấn đề tàu cá mới xuất xưởng đã hư hỏng. “Tình trạng trên ảnh hưởng đến ngư dân về kinh tế và an toàn khi ra khơi, ảnh hưởng đến chính sách tốt đẹp đã đề ra. Vậy Bộ NNPTNT có giải pháp gì, tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống?” - đại biểu Tân đặt câu hỏi.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Đây là chủ trương của Chính phủ nhằm góp phần tăng khả năng khai thác hải sản, tăng khả năng bảo vệ an toàn biển đảo. các Bộ NNPTNT, Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện các văn bản liên quan để thực hiện đóng mới tàu cho ngư dân theo diện này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tại Bình Định có 19 chiếc hỏng, Bộ NNPTNT đã yêu cầu 27 tỉnh thành rà soát lại toàn bộ. Bộ NNPTNT đã cử Tổng cục Thủy sản làm việc với Bình Định. Tỉnh Bình Định đã mời tất cả ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu để làm rõ trách nhiệm. Ngày 9.6, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị tại Bình Định, hội nghị có sự tham dự của các ban ngành, ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu. Bộ NNPTNT đã thống nhất với tỉnh Bình Định biện pháp xử lý.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Thứ nhất, đình chỉ hợp đồng đóng mới đối với 2 công ty đóng tàu để khắc phục. Thứ hai, đối với hỏng máy bộ yêu cầu thay máy mới không có chuyện sửa chữa và phải làm ngay. Thứ ba, tàu hỏng sắt thay sắt đúng chủng loại. Thứ tư, với các tàu còn nằm bờ khi chưa sửa được, công ty phải có trách nhiệm với ngư dân không có thu nhập trong những ngày đó. Thứ năm, tỉnh Bình Định thành lập tổ thẩm định 19 tàu này hỏng gì nguyên nhân từ đâu. Tỉnh này đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ, Bộ NNPTNT đang phối hợp với tỉnh để có báo cáo chung trong tháng này, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ. Yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả. Khi có nguyên nhân làm rõ trách nhiệm cụ thể đối với các bên liên quan”.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn