Xung đột Qatar-Saudi khiến Israel khốn đốn trong lò lửa Gaza?

Thứ năm, 15/06/2017, 10:42
Cuộc khủng hoảng Qatar rất có thể sẽ làm bùng phát xung đột giữa Israel và tổ chức vũ trang Hamas của người Palestine ở dải Gaza.

Ai Cập gia tăng sức ép toàn diện đối với Hamas

Hamas là một tổ chức vũ trang người Palestine (Hamas là từ viết tắt cho Harakat al-Muqawama al-Islamiyya, có nghĩa là "Phong trào Kháng chiến Hồi giáo"), bị Israel và phần lớn các nước Ả rập và châu Âu coi là “tổ chức khủng bố”), hiện đang nắm quyền kiểm soát dải Gaza.

Trong khi đó, Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA hay PA) là một cơ quan hành chính lâm thời, được thành lập theo Thỏa thuận Gaza-Jericho sau Hiệp định Oslo, để đảm nhiệm những trách nhiệm của cơ quan hành chính quân sự Israel tại các trung tâm dân cư Palestine (Khu vực A) tại Bờ Tây và Dải Gaza cho tới khi những cuộc đàm phán về vị thế cuối cùng với Israel được ký kết. Tuy nhiên, hiện PNA chỉ kiểm soát được khu Bờ Tây.

Không nên nhầm lẫn PNA với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là tổ chức tiếp tục được quốc tế công nhận là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine, đại diện cho họ tại Liên hiệp quốc dưới cái tên "Palestine", những thành viên cốt cán của PLO là các nhà lãnh đạo thời kỳ đầu tiên của PNA.

Xung đột giữa Hamas và Fatah - cánh quân sự của PLO xuất phát từ việc tháng 2 năm 2006, Hamas đã giành chiến thắng nằm ngoài dự đoán, trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Palestine. Một trong những nhà lãnh đạo của Hamas là Ismail Haniya trở thành Thủ tướng của Palestine.

Hamas nắm toàn quyền kiểm soát hành chính với toàn bộ các định chế của Chính quyền Nhà nước Palestine tại Dải Gaza. Từ ngày 9 tháng 1 năm 2009, khi nhiệm kỳ Tổng thống của Mahmoud Abbas chấm dứt, những người ủng hộ Hamas và nhiều người ở Dải Gaza đã không công nhận chức vụ Tổng thống của ông Mahmoud Abbas và thay vào đó coi Aziz Dweik, người phát ngôn của Hội đồng Lập pháp Palestine, là Tổng thống tạm quyền cho tới khi cuộc bầu cử mới có thể được tổ chức, trong khi đó, các chính phủ phương Tây không công nhận bất kỳ ai ngoài ông Abbas là Tổng thống.

Mâu thuẫn giữa Hamas và PNA đã được Ai Cập triệt để khai thác để ép Hamas phải thực hiện theo các yêu cầu của mình, đặc biệt là sự kiện cắt giảm 40% sản lượng điện ở dải Gaza, được nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas tiến hành theo yêu cầu của Cairo, nhằm gây sức ép với Hamas.

Đây thực tế là một phần trên bàn cờ thế được tạo thành từ cuộc bao vây của chính quyền Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), áp đặt lên Qatar, với lý do họ hỗ trợ các nhóm khủng bố, trong đó có “tổ chức cực đoan” Hamas của Palestine.

Các nước Ả rập đang tạo ra áp lực cực lớn đối với Qatar và Hamas

Vào cuối tuần trước, tân lãnh đạo của tổ chức Hamas là ông Yahya Sanwar cùng đoàn tùy tùng gồm nhiều đại diện của Lữ đoàn Ezz e-Din El-Qassam - cánh quân sự của Hamas như phó Tư lệnh Khalil al-Hayya cùng chỉ huy lực lượng an ninh là tướng Tawfiq Abu N'eame đã tới thủ đô Cairo của Ai Cập để thuyết phục chính phủ El-Sisi giảm bớt những hạn chế trên Dải Gaza.

Nhà lãnh đạo Hamas đến Cairo mang một trọng trách rất lớn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là “rất ít trông đợi vào sứ mệnh này”.

Các đề nghị của họ được gửi cho Thiếu tướng Khaled Fawzy, Giám đốc Cơ quan tình báo Ai Cập; tuy nhiên, Cairo cũng đã đưa ra một danh sách dài các điều kiện khắc nghiệt cho Hamas. Trong đó, có những đòi hỏi cứng rắn sau:

1. Trục xuất về Ai Cập những quan chức lãnh đạo của “tổ chức khủng bố Anh em Hồi giáo” (theo cách gọi của Ai Cập) hiện đang trú ẩn trên Dải Gaza.

2. Hamas không chỉ buộc phải cắt đứt hợp tác giữa lực lượng quân sự của họ với các mạng lưới Hồi giáo ở bán đảo Sinai, mà còn phải trao cho Ai Cập tất cả thông tin tình báo họ nắm được về các nhóm chiến binh này, cùng với các hoạt động của họ.

3. Chấm dứt ngay các hoạt động buôn lậu vũ khí cho các tổ chức cực đoan Hồi giáo qua con đường bán đảo Sinai.

Sau khi phái đoàn Hamas lắc đầu, Cairo đã hành động để thắt chặt cuộc phong tỏa của họ tại các khu vực Hamas quản lý ở Palestine. Yahya Sanwar rời khỏi Cairo trở về nhà cũng là khi người Ai Cập đã đưa vũ khí sắc bén nhất của họ tấn công vào dải Gaza: Cắt điện.

Qatar và Hamas đang bị dồn vào đường cùng

Sau khi từ chối làm theo các yêu cầu của Ai Cập, Yahya Sanwar buộc phải rời khỏi Cairo trở về Dải Gaza, để chứng kiến một thảm họa nhân đạo hiện đang treo lơ lửng trên đầu hai triệu cư dân của khu vực nhỏ bé bên bờ Địa Trung Hải.

Ai Cập đã yêu cầu chính quyền Palestin ở Ramallah và chính phủ Israel không được nhân nhượng để gia tăng áp lực lên chế độ Hamas. Mahmoud Abbas phải tiếp tục giữ lại khoản thanh toán để trang trải các hóa đơn điện của Israel, nhằm tấn công vào “gót chân Asin” của Hamas.

Các nhà lãnh đạo của Hamas ở dải Gaza đang bị dồn vào chân tường giống như người bạn của họ là Qatar, khi mà đối thủ nội bộ của họ, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abba, đã giữ lại khoản tiền thanh toán điện do Israel cung cấp cho Dải Gaza và nguồn cung cấp điện đã bị cắt giảm 40%.

Các bệnh viện đang cắt giảm các hoạt động, tủ lạnh các gia đình bị tắt, nguồn nước sạch đang giảm vì các nhà máy khử muối không có điện, nước thải thô được đổ xuống biển và một thảm họa môi trường có thể xảy ra trong những ngày tới.

Từ năm 2015, Quốc vương của Qatar vẫn là nhà lãnh đạo Ả Rập duy nhất ủng hộ tổ chức Hamas, với các khoản cung cấp tiền mặt cho thành phố Gaza và cho phép các quan chức hàng đầu của họ thành lập các văn phòng cùng với chỗ định cư tại Doha.

Dòng chảy viện trợ này đã bị cắt đứt bởi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đột ngột cắt đứt quan hệ và phong tỏa đất liền, đường biển và đường không đối với Qatar hôm 4/6, với cáo buộc Doha hỗ trợ cho các nhóm khủng bố Hamas, “Anh em Hồi giáo” và mối quan hệ với Tehran.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin-Hamad Al-Khalifa đã thách thức tối hậu thư của các nước Ả rập, do đó các ngân hàng của Qatar và tài sản quốc tế của họ đã bị phong tỏa, đồng tiền của họ đã sụt giảm và nguồn tiền để cung cấp cho Dải Gaza cũng bị cắt đứt.

Bốn chính phủ Ả Rập hàng đầu đã yêu cầu Qatar phải trục xuất các quan chức của tổ chức “Anh em Hồi giáo” và Hamas khỏi đất nước, sau nhiều năm bày tỏ sự hiếu khách cùng với các khoản lương hưu hào phóng đủ để họ sống một cuộc sống vương giả ở Qatar, đồng thời cũng hỗ trợ cho các mạng lưới vũ trang của họ ở trong và ngoài khu vực.

Israel lo ngại Hamas sẽ có những hành động “liều lĩnh” ở Dải Gaza

Qatar cũng được yêu cầu ngừng các chiến dịch tuyên truyền chống lại Ai Cập, Saudi Arabia và UAE; đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera; và phải trục xuất ngay hàng trăm nhà bất đồng chính kiến Ai Cập và Ả Rập mà chính quyền Doha đã cho phép họ tị nạn chính trị trên đất nước mình.

Nếu không có mảnh đất nào để dung thân, những nhà bất đồng chính kiến này có thể sẽ di chuyển đến dải Gaza, làm cho nó trở thành một "tiểu Qatar", đó là lý do tại sao Cairo tiếp tục thắt chặt sự cách ly của vùng đất thuộc Palestine này, bằng cách ngăn chặn mọi tuyến đường tiếp cận.

Tuy nhiên, sự kiện này cũng khiến cho người Israel đang “đứng ngồi không yên”. Chính phủ Netanyahu cực kỳ cảnh giác trước việc họ bị tách khỏi đường dây chống khủng bố do chính phủ Ả Rập thực hiện, vì nó có thể sẽ phá hoại những mối quan hệ nhạy cảm - đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự - được họ thiết lập thông qua nỗ lực lâu dài và bền bỉ.

Tel Avip hy vọng rằng cuộc khủng hoảng Qatar sẽ nhanh chóng được giải quyết và Hamas và Cairo có thể đạt được những nhượng bộ “chấp nhận được” với cả 2 bên để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ đạt được. Ngược lại, có những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng có thể phát triển thành xung đột quân sự. Các nguồn tình báo ở Trung Đông không loại trừ khả năng diễn ra hành động quân sự của Saudi Arabia, Ai Cập và UAE chống lại Qatar.

Một cuộc khủng hoảng quân sự tập trung vào Qatar sẽ là một chất xúc tác cho một vụ bùng nổ bạo lực từ Dải Gaza. Thực tế, sau khi sứ mệnh của ông Sanwar thất bại tại Cairo và việc cắt giảm điện cho Dải Gaza, phát ngôn viên của Hamas cảnh báo đã lên tiếng cảnh báo về một “đám cháy lớn” sắp xảy ra ở Gaza nói riêng và Trung Đông nói chung.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích