|
Cảnh trong bộ phim tài liệu Đế chế mơ ước của đạo diễn người Mỹ David Borenstein khám phá công nghệ thuê người nước ngoài ở Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình |
Cách đây ba năm, Katie mới 25 tuổi rời quê nhà ở bang New Jersey (Mỹ) dọn đến Bắc Kinh. Ở đây cô sớm phát hiện công việc chính của mình không đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt.
Trong lúc đang băn khoăn, Katie chú ý đến một mẩu quảng cáo trên mạng: “Cần tuyển người nước ngoài biết tiếng Hoa cho công việc thời vụ”.
Ông Tây, bà đầm nói tiếng Hoa
Vậy là Katie, với vốn liếng tiếng Hoa trôi chảy, quyết định ứng tuyển và được nhận vào một công ty có vốn nhà nước tại Trung Quốc. Với chức danh “Trợ lý giám đốc” trên tấm danh thiếp, công việc của Katie là tháp tùng ông sếp đi tiếp khách hàng mỗi tuần một lần.
“Tôi không biết nhiều về công ty này và chúng tôi chưa từng nói chuyện công việc trong các bữa ăn. Những lần gặp gỡ đối tác cũng khá thú vị và thù lao 1.000 nhân dân tệ (145 USD) mỗi lần không phải là tệ đối với tôi”, cô Katie tâm sự với phóng viên báo South China Morning Post của Hong Kong.
Katie chưa bao giờ hỏi nhà tuyển dụng tại sao họ cần một người nước ngoài cho công việc đó, nhưng cô đoán rằng nó có liên quan đến việc tạo một hình ảnh “quốc tế” cho công ty, bên cạnh đó là khả năng mang lại yếu tố “mới lạ” cho các cuộc trò chuyện mà chỉ có một cô gái da trắng mới làm được.
Giống Katie, đạo diễn người Mỹ David Borenstein cũng có những trải nghiệm riêng khi sống ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên thời còn sinh viên.
Lần đầu tiên Borenstein biết đến thể loại công việc này là khi một nhà tuyển dụng tiếp xúc với anh trên đường phố và hỏi anh có muốn biểu diễn trong một ban nhạc nhân sự kiện khai trương một dự án bất động sản không.
Tò mò, Borenstein có mặt tại sự kiện ngày hôm sau, và trong phút chốc anh là thành viên của một “ban nhạc” lạ hoắc! Trên nền âm thanh ồn ào, họ bắt đầu “hát nhép” trước đám đông gồm những khách hàng tiềm năng đang cân nhắc mua nhà của dự án.
Sau đó anh còn biết một kiến trúc sư “người nước ngoài” được giới thiệu là đối tác của công ty bất động sản, cũng là “đồ giả” nốt!
Ngành công nghiệp “tuyển dụng” người nước ngoài tại Trung Quốc đã hoạt động nhộn nhịp trong hơn một thập niên.
Những gương mặt ngoại quốc cũng ngày càng trở nên phổ biến: Nếu thập niên 1980, mới chỉ có 10.000 người nước ngoài làm việc tại Trung Quốc thì năm 2016 con số này đã hơn 900.000 .
Các công ty Trung Quốc thuê người nước ngoài để “diễn” các vai như nhạc công, vận động viên, kiến trúc sư, luật sư và nhiều vị trí khác tùy thuộc vào chiến lược quảng cáo.
Đây là chiêu phổ biến để giành sự tin tưởng của khách hàng. Có một định kiến phổ biến là những gương mặt Tây đồng nghĩa với thành công trong kinh doanh và một đẳng cấp “toàn cầu”.
Ai thật, ai giả
Nhiều người Trung Quốc có thể thích hoặc không mấy bận tâm đến “yếu tố nước ngoài” khi xem quảng cáo, nhưng trào lưu tuyển dụng kỳ lạ này khiến không ít chuyên gia nước ngoài “hàng xịn” ở Trung Quốc phiền lòng.
“Có sự ngộ nhận rằng người nước ngoài luôn giàu có, giỏi giang hoặc có trình độ cao nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Trình độ học vấn của khách hàng càng cao, họ càng dễ nhận ra ai là thật, ai là dỏm”,ông Mike Ren, nhà thiết kế trò chơi người Mỹ, nhận xét.
"Đó là một ngành công nghiệp xây dựng dựa trên sự thiếu thành thật và lừa dối". Ông John Lombard (người Canada sống ở Trung Quốc) |
Ông John Lombard, một người Canada sống ở Trung Quốc hơn 20 năm, than thở: “Họ làm ảnh hưởng đến uy tín của người nước ngoài nói chung và khiến tôi gặp khó khăn khi muốn tạo niềm tin với đối tác và khách hàng tiềm năng”.
Ở góc độ xã hội học, các chuyên gia cũng cho rằng tâm lý “sính ngoại” của người Trung Quốc không phải là một biểu hiện tích cực. Chẳng hạn theo ý kiến của ông Li Bochun - giám đốc Viện Nghiên cứu đổi mới văn hóa (Bắc Kinh), hiện tượng này phản ánh sự thiếu tự tin của người dân vào bản sắc văn hóa.
Trở lại với trường hợp Katie, cô hiện là một nhà tổ chức sự kiện ở Bắc Kinh và vẫn tháp tùng ông sếp người Trung Quốc đi tiếp khách mỗi tháng một lần. Vai trò của cô không mang tính chất “lừa đảo” vì Katie không bao giờ bàn công việc với khách hàng, thay vào đó chỉ là chuyện trò trong lúc dùng bữa.
“Hiện tượng tuyển dụng người nước ngoài này quả là lạ. Nhưng đối với một cô gái nước ngoài sống xa nhà, đang cần tiền và tự tin vào bản thân thì nó không thành vấn đề” - Katie vui vẻ chia sẻ. Đối với cô, đây cũng là một cơ hội để hiểu hơn về xã hội Trung Quốc, trong đó cô là một vị khách.
Chỉ thuê người cao tuổi Trong khi nhiều công ty Hàn Quốc gặp nhiều vấn đề với nhân viên lớn tuổi, một công ty công nghệ khởi nghiệp tại nước này chỉ thuê người trên 55 tuổi với quan điểm rằng người cao tuổi cũng là một nguồn nhân lực tiềm năng. Công ty được anh Chung Eun Sung thành lập năm 2013 vì muốn “làm gì đó” với tình trạng phân biệt đối xử với người lớn tuổi gây nhức nhối trong các công ty ở Hàn Quốc nhằm buộc họ nghỉ hưu sớm. Một khảo sát mới đây trên những người tuổi từ 20-50 tại nước này cho thấy đến 82% người lo sợ họ sẽ bị buộc nghỉ làm sớm trước tuổi về hưu là 60. “Chúng tôi muốn tìm cách đưa những người lớn tuổi này tham gia các hoạt động kinh tế” -Channel News Asia dẫn lời quản lý cấp cao Kim Seoung Kyu của công ty. Do đó, theo quy định tuyển dụng nghiêm ngặt của công ty, các nhân viên phải trên 55 tuổi. Hiện họ đang có khoảng 420 nhân viên từ nhiều ngành nghề khác nhau và cả những người đã nghỉ làm một thời gian dài. Họ sẽ được đào tạo để sử dụng các nền tảng trên Naver, một công cụ tương tự như Google của Hàn Quốc, để kiểm duyệt các thông tin nhạy cảm trên Naver Map vào theo dõi các nội dung trên các nền tảng blog. Họ cũng sẽ được đào tạo các kỹ năng công nghệ thông tin và thỉnh thoảng tham gia các lớp dạy cho học sinh. |
Theo TTO