Trung Quốc hết thời nhà chọc trời

Thứ tư, 14/06/2017, 16:15
Thời đại của các tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc đã qua. Khi thói quen làm việc thay đổi, các tòa nhà cao tầng cũng dần trống rỗng, cây bút Adam Minter của chuyên mục Bloomberg View nhận định.

Shanghai Tower

Với chiều cao 632 mét, Tháp Thượng Hải (Shanghai Tower) là tòa nhà cao thứ nhì thế giới. Từ Shanghai Tower có thể nhìn thấy tòa nhà cao thứ chín và thứ 19 thế giới. Tuy nhiên, vấn đề duy nhất của các tòa tháp là tìm đủ người vào làm việc: Hiện chỉ 60% Shanghai Tower là có người thuê, và chỉ 1/3 trong số những người thuê đang thực sự sử dụng khoảng không gian họ đã trả tiền.

Xét về mặt này, Shanghai Tower là biểu tượng của sự kết thúc một kỷ nguyên. Chuyện tòa tháp “ế” thể hiện một số thay đổi lớn đang diễn ra trong thị trường bất động sản cùng cách người lao động Trung Quốc sống và làm việc.

Trong suốt hai thập niên, ''đường chân trời'' Thượng Hải là biểu tượng của sự phục hồi kinh tế và hiện đại hóa của Trung Quốc. Năm 1991, chính quyền Thượng Hải tổ chức một cuộc thi để thiết kế quận kinh doanh biểu tượng bên bờ sông. Ý tưởng thắng cuộc bao gồm ba tòa nhà cực cao nhằm đại diện cho sự đi lên của quận tài chính Thượng Hải nói riêng, của Trung Quốc nói chung.

Nếu Thượng Hải muốn tìm một nhà phát triển tư nhân để đảm nhiệm dự án tương tự ngày nay, họ sẽ bất lực. Thị trường bất động sản thương mại của thành phố giờ không phù hợp cho việc đầu tư như thế. Theo CBRE Group, một đơn vị giúp cho thuê Shanghai Tower, có hơn 600.000 mét vuông diện tích văn phòng mới được mở bán trong quý đầu năm nay. Thêm 850.000 mét vuông khác đang rục rịch bước vào thị trường, ngay cả khi giá cả thuê đang có xu hướng giảm và các khoảng trống thì tăng lên.

Tình hình này cũng phổ biến ở nhiều thành phố lớn nhất Trung Quốc. Khoảng 46% trong số các tòa nhà cao tầng lớn đang được xây dựng trên thế giới nằm ở Đại lục, một phần là vì các chính quyền địa phương mong muốn đi theo mô hình ''đường chân trời'' Thượng Hải, làm điều chính quyền Thượng Hải từng kỳ vọng.

Những năm gần đây, dường như mọi thành phố Trung Quốc đều làm theo mô hình tập trung cao độ vào trung tâm, khu vực vốn nổi bật với nhiều tòa tháp lớn. Song dù có giá trị biểu tượng, mô hình xây tháp lớn chắc chắn đã lỗi thời. Các thành phố Đại lục sau này có thể trông rất khác.

Tháp Kim Mậu là tòa nhà chọc trời cao 420,5m tính cả ăng-ten, tọa lạc tại Phố Đông, Thượng Hải. Tòa nhà 88 tầng này công ty Skidmore, Owings & Merrill trụ sở tại Chicago, Illinois (Mỹ) thiết kế.
Một trong những lý do của việc này là vì mức độ đô thị hóa của Trung Quốc đang giúp các thành phố Đại lục mở rộng hơn bao giờ hết, khiến nhiều người lao động phải đi tàu, xe đường dài đến công sở, làm giảm thể chất cá nhân và hiệu quả kinh tế. Năm 2014, một chuyến đi làm trung bình ở Bắc Kinh và Thượng Hải kéo dài hơn 50 phút, lâu hơn cả thời gian đi đến công sở ở New York - nơi mà chuyện người ta dành ra sáu tiếng mỗi ngày để di chuyển giữa nhà và công sở không phải không có.
Một cuộc khảo sát cho hay số giờ đi làm, tính cả giờ đi đến văn phòng, kéo dài là một trong những lý do khiến người làm việc văn phòng ở Đại lục bất mãn. Với doanh nghiệp, tình trạng người lao động sinh sống ở xa khiến việc kết nối với họ trở nên tốn kém hơn.
Đáng chú ý hơn, thói quen làm việc ở Trung Quốc đang thay đổi. Các thế hệ đi trước ao ước có một công việc trọn đời, sự ổn định của công ty lớn hay nói cách khác là một chỗ trong các tòa nhà cao tầng. Ngược lại, thế hệ trẻ ở Đại lục và nhiều nơi khác thì đề cao công việc thoải mái, bán thời gian và thích khởi nghiệp, kinh doanh. Các hãng lớn ngày càng khó thu hút lao động trẻ nhưng có điều kiện tài chính thấp và thường phải sống xa trung tâm. Việc tạo ra một nơi làm việc tuyệt vời trong mắt người trẻ trong những tòa nhà chọc trời cũng không dễ.
Chính phủ Trung Quốc có thể đặt trần dân số cho các thành phố lớn nhất, khuyến khích phát triển các cụm đô thị xung quanh trung tâm thành phố truyền thống để giải quyết thực trạng này. Các vùng ngoại vi, về lý thuyết, sẽ được phân chia theo chức năng, chẳng hạn như vùng sản xuất, dịch vụ, quản lý hành chính. Những vùng này cũng có ít dân hơn. Khi áp lực đặt vào trung tâm thành phố giảm, nhu cầu xây dựng tháp và bất động sản dày đặc hơn cũng giảm.
Hồi tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng chính phủ nước này sẽ xây dựng một thành phố mới nhằm giảm gánh nặng dân số, doanh nghiệp tại Bắc Kinh. Đây sẽ là mô hình phát triển đô thị Đại lục 1.000 năm tới. Trong kế hoạch này hoàn toàn không có các tòa nhà chọc trời. Tháp Thượng Hải do đó không phải lo lắng về vị trí dẫn đầu.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn