Thêm dự án Trung Quốc bị tẩy chay: Myanmar nhận quả đắng

Thứ ba, 13/06/2017, 14:33
Dự án chục tỷ USD của Trung Quốc ở Myanmar hứa mang lại công việc nhưng người dân có nguy cơ bị rời khỏi quê hương.

Người dân Myanmar sống trên đảo Maday thuộc tỉnh Rakhine đang thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ bởi siêu dự án đầu tư từ Trung Quốc trị giá hàng chục tỷ USD, mang cơ hội việc làm cho 100.000 người Trung Quốc, còn họ đang bị "đuổi" đi khỏi quê hương.

Một phần dự án đặc khu kinh tế Trung Quốc đầu tư vào Myanmar.

Reuters thông tin hôm 9/6 cho thấy, chỉ 47 người trong số 3.000 người sống ở đảo Maday được nhận vào làm việc trong khu kinh tế đặc biệt này. Còn số lao động Trung Quốc đang làm việc ở dự án này nhiều hơn gấp 2 lần.

Dù Tập đoàn CITIC của Trung Quốc, nhà thầu chính dự án xây dựng Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu từng hứa hẹn, sẽ mở các trường đào tạo cho người dân địa phương, giúp họ có đủ các kỹ năng cần thiết để vào làm việc tại các nhà máy trong khu kinh tế này.

CITIC cũng tiết lộ kế hoạch chi 1 triệu USD trong 5 năm đầu tiên để nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.

Người dân Myanmar chật vật với siêu dự án Trung Quốc.

Trong khi đó, khoảng 20.000 dân làng ở đây trước nay phụ thuộc nông nghiệp và đánh cá, có nguy cơ phải di dời hoặc thay đổi công việc.

Thậm chí, hàng trăm ngư dân Myanmar đã bị cấm đánh bắt cá ở khu vực gần đường ống dẫn dầu nối nơi này với Trung Quốc.

“Chúng tôi có thể làm gì để kiếm sống nếu không được đánh bắt cá?”, Nyein Aye tỏ ra vô cùng giận dữ vì thu nhập của anh đã giảm tới 2/3 kể từ khi bị cấm đánh bắt cá để ưu tiên cho dự án đường ống dẫn dầu.

Ông Than Htut Oo, thuộc Ban Quản lý KPSEZ, giải thích rằng chính phủ không công bố kế hoạch di dời vì lo ngại gây ra sự hoảng loạn trong khi quá trình đàm phán với nhà phát triển Trung Quốc vẫn đang diễn ra.

Nhà của các ngư dân nằm cạnh dự án đường ống dẫn dầu nối Myanmar và Trung Quốc.

Người dân địa phương cũng cho biết, dự án được phê duyệt quá vội vàng, chưa có tham vấn và  không tính đến tác động đối với môi trường sinh thái cũng như cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, đường ống dẫn dầu từ Vân Nam (Trung Quốc) tới đặc khu kinh tế này cũng vấp phải nhiều cuộc biểu tình với  cáo buộc đền bù giải tỏa không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường.

Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi ở Trung Quốc do cựu Chủ tịch CNPC Tưởng Khiết Mẫn, người ủng hộ dự án, bị điều tra và lãnh án 16 năm tù giam vì tội tham nhũng vào năm 2015.

Đầu mối "Một vành đai - Một con đường"

Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu rộng 17km2, bao gồm cảng biển nước sâu và khu công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lọc dầu và dệt may.

Khu kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu nằm trên đảo Maday được cho là miếng bánh ngon mà Trung Quốc dành cho Myanmar với cảng nước sâu trị giá 7,3 tỷ USD và một khu công nghiệp quy mô 2,3 tỷ USD.

Mô hình cảng nước sâu Kyauk Pyu

Cảng nước sâu Kyauk Pyu đang được xây dựng và dự kiến hoàn thiện vào năm 2025 sẽ là một cửa ngõ của Bắc Kinh để tiến vào Ấn Độ Dương.

Cảng Kyauk Pyu còn là điểm cuối của tuyến đường sắt và ống dẫn dầu dài 770km nối từ TP.Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) trị giá 1,5 tỉ USD.

Theo thỏa thuận ký kết vào ngày 10/4, Công ty PetroChina trực thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung quốc (CNPC) sẽ nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài thông qua vịnh Bengal rồi bơm vào đường ống chuyển sang nhà máy lọc dầu ở tỉnh Vân Nam có công suất 260.000 thùng/ngày.

Đường ống dẫn dầu 800km của Trung Quốc tới thẳng Ấn Độ Dương.

Trung Quốc có thể dùng đường ống chuyển khoảng 22 triệu tấn dầu thô hằng năm từ Trung Đông về nước này mà không cần phải vận chuyển qua eo biển Malacca.

Tuyến đường này cùng là tuyến giao thương hàng hóa cung cấp cho Trung Quốc không phải đi qua đường vòng, giúp tiết kiệm tới 5.000km so với tuyến đường biển qua eo Malacca.

Đây rõ ràng là một đầu mối quan trọng của Bắc Kinh trong chiến lược "Một vành đai - Một con đường", bất chấp xã hội dân sự ở Myanmar để phát triển.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn