|
Tàu cá của ông Phan Thanh Trị neo đậu tại cảng cá Phú Lạc sau khi bị sự cố chuyến biển thứ 4 |
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết đã mời 2 chủ tàu cá vỏ thép có sự cố hư hỏng đến để đối thoại, nhưng ông Đỗ Ngọc Tín (ở xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa), chủ tàu cá PY-99993TS không đến mà chỉ có ông Phan Thanh Trị (ở P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa), chủ tàu cá PY-99991TS đến dự. Tàu ông Tín hành nghề lưới chụp, bị hỏng máy tời, gãy trụ cẩu. Tàu ông Trị bị hỏng máy tời, gãy trụ cẩu, đứt dây cáp treo; máy phát điện đang hoạt động thì ngưng do quá nhiệt, chủ tàu tự khắc phụ bằng cách thay hệ thống làm mát có dung tích lớn hơn.
Tại buổi đối thoại, ông Trị bức xúc việc Tổng công ty CP Bảo Minh (gọi tắt là Bảo Minh) chưa chịu chi trả bồi thường trong sự cố càng chữ A làm thiệt hại 71 bóng đèn và chi trả thương tật ở mắt khi đánh bắt trên biển.
Ông Trần Đình Vũ, Trưởng giám định bồi thường Bảo Minh Phú Yên, vẫn tiếp tục cho rằng sào chụp lưới trước mũi tàu cá (càng chữ A) của ông Trị là thuộc mục ngư lưới cụ và mục này ông Trị không mua bảo hiểm nên không chi trả bồi thường. Còn về thương tật trên mắt phải của ông Trị, phía Bảo Minh Phú Yên chỉ chi trả mức 27 triệu đồng do căn cứ vào tỷ lệ thương tật trên mắt. “Ông Trị không nhận vì cho rằng mức bồi thường đó thấp so với chi phí điều trị thực tế”, ông Vũ nói.
Ông Phan Thanh Trị bức xúc vì Bảo Minh từ chối chi trả bồi thường thiệt hại |
Ngày 12.6, Công an tỉnh Bình Định cho biết đã giao Phòng An ninh kinh tế xác minh vụ tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh bị kém chất lượng, nhiều thiết bị không đúng với hợp đồng. Chiều cùng ngày, Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (TP.HCM, gọi tắt là Công ty Hoàng Gia Phát) đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH đầu tư và thương mại Tân Trung Thịnh (ở Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong 2 đại lý phân phối ủy quyền máy thủy Mitsubishi tại VN) để mua 9 máy thủy Mitsubishi (Nhật Bản).
Theo luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, việc các cơ sở đóng tàu sử dụng thép, lắp đặt máy thủy, thiết bị... không đúng chủng loại đã cam kết với ngư dân là vi phạm hợp đồng. Về dân sự, các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm tháo ra, lắp đặt vật liệu, máy móc, thiết bị đúng như hợp đồng đã cam kết, đồng thời bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại trong thời gian tàu hỏng, không ra khơi được. Về hình sự, các cơ sở đóng tàu và những đơn vị liên quan dùng thép Trung Quốc thay vì thép Hàn Quốc, Nhật Bản để đóng tàu và dùng máy thủy không chính hãng như đã cam kết trong hợp đồng thì họ có dấu hiệu phạm tội lừa dối khách hàng, được quy định tại điều 162 bộ luật Hình sự năm 1999.
|
Theo Thanh Niên