Đã có quá nhiều cuộc chiến tại Trung Đông, nơi được coi là “rốn dầu của thế giới”, đều bắt nguồn từ dầu mỏ, nhưng thế giới hiện đại lại đang nóng lên khi có một nguồn năng lượng khác là “khí đốt” cũng không kém dầu mỏ đã khiến thế giới điên đảo… Ai làm chủ được nguồn cung dầu mỏ là làm chủ được nền kinh tế toàn cầu là làm chủ thế giới! Vậy ai làm chủ được nguồn năng lượng khí đốt tự nhiên thì sao?
Qatar trở thành nhà máy khí đốt thiên nhiên lớn nhất trong khu vực, chỉ có Gazprom Nga có thể thách thức ảnh hưởng của Qatar.
Rõ ràng là Nga không là nguyên nhân, không là người đạo diễn vụ các nước vùng Vịnh “đánh hội đồng” Qatar, nhưng ở mối quan hệ quốc tế thì vụ khủng hoảng này đã tạo ra một liên minh kỳ lạ Iran-Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar kéo theo Syria-Hamas-Hezbollah…trong đó được cho là mạnh nhất, kỳ lạ nhất là Iran-Syria-Hamas-Hezbollah.
Thông qua những tuyên bố chính thức của Saudi Arabia (Ả rập-Xê út) thì nguyên nhân chính khiến 8 quốc gia vùng Vịnh tạo ra cuộc khủng hoảng với Qatar là do Qatar tài trợ cho khủng bố và thân thiện với Iran.
Quân khủng bố, theo quan điểm, cách gọi, của Saudi là nhóm Hamas, Al Qeada và nhóm “anh em Hồi giáo” chứ không phải là IS (tất nhiên rồi, vì nếu thêm IS nữa thì hóa ra tự mình ghè đá vào chân!).
Vụ khủng hoảng nổ ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi Trung Đông đã khiến cho dư luận, đặc biệt là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đều cho rằng Mỹ đã “thông qua kế hoạch”, họ lập tức đáp trả…
Thổ Nhĩ Kỳ kéo quân sang căn cứ quân sự của họ tại Qatar để bảo vệ Qatar còn Iran viện trợ lương thực, thực phẩm và cho phép mọi chuyến bay thương mại của Qatar được bay qua không phận…Như vậy, Qatar dù chỉ thiên về “phòng ngự” đã vô hiệu hóa đòn tấn công của Saudi Arabia…
Tình thế tiếp theo như nào thì phụ thuộc vào một biến số cực phức tạp là Mỹ mà chúng ta theo dõi tiếp. Ở đây chúng ta quay trở lại với Nga trong cuộc khủng hoảng này…
Nga quá rõ mối quan hệ Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hamas…và sự tác động của nó ở Trung Đông, Syria, nhưng điều thú vị mà Nga “cười thầm” không phải là mọi con mắt đang đổ dồn về Nga-thế lực lớn có uy tín tại Trung Đông; không phải Bộ trưởng NG của Qatar đang có mặt ở Kremly trong lúc “dầu sôi lửa bỏng…mà ở chỗ khác…
Qatar, con át chủ bài của Nga trong cuộc chiến khí đốt tại châu Âu
Thực ra, đối tượng “cuộc chiến khí đốt” của Nga tại châu Âu chủ yếu là Ba Lan và Ukraine trong đó đặc biệt là Ba Lan.
Ba Lan từ lâu đã muốn lật đổ “Gazprom” của Nga ở châu Âu. Phương cách rất đơn giản:
Thứ nhất, mua đi bán lại kiếm lời. Theo đó, Warsaw có ý định bán lại LNG (khí hóa lỏng) cho những người hàng xóm sau khi mua LNG từ Qatar đi vào thiết bị đầu cuối rất lớn của họ ở Swinoujscie.
Thứ hai khống chế Gazprom trong tuyến cung cấp khí đốt cho các quốc gia Đông Âu.
Như vậy, lật đổ Gazprom Nga, Ba Lan đã đạt 2 mục tiêu. Về chính trị đã đâm Nga một dao sau lưng và về kinh tế Ba Lan thu được lợi nhuận cao.
Vì thế, cựu Thủ tướng Ba Lan, Chủ tịch hiện tại của EU, Donald Tusk đã viết thư cho Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, yêu cầu để ngăn chặn việc xây dựng các dự án của Nga “Nord Stream-2”. (Xem: EU “vẫy cờ trắng ” trong cuộc chiến khí đốt với Nga).
Tuy “Nord Stream-2” được EU chấp nhận, hệ thống được tiến hành khởi công xây dựng từ dầu năm 2018 và hoàn thành cuối năm 2019 nhưng gặp không ít cản trở, gây khó từ một số thành viên EU khi mà chưa xảy ra sự cố Qatar…
Khủng hoảng Qatar có thể làm cho những thay đổi lớn trong dịch vụ khi đốt không chỉ khu vực Trung Đông mà còn ở châu Âu.
Rủi ro của việc chấm dứt việc giao hàng của LNG Qatar sang thị trường thế giới thông qua eo biển Hormuz tạo ra “cơn ác mộng của châu Âu”, không phải là rất lớn, bởi vì người có thể chặn eo biển – Iran, là một đồng minh của Qatar.
Biện pháp khóa eo biển Hormuz này chỉ xảy ra khi một cuộc chiến tranh lớn xảy ra tại Trung Đông kéo theo Iran vào cuộc mà thôi. Tuy nhiên, giả sử việc giao hàng LNG của Qatar bị dừng lại bởi xung đột quân sự với Saudi Arabia thì điều gì xảy ra? Ai cung cấp khí đốt cho châu Âu?
Và đây là 3 nhà cung cấp: Na Uy, Mỹ và Nga. Mỹ và Na Uy giá đắt như vàng, trong khi Nga rẻ như bèo, trữ lượng nhiều không bao giờ cạn, gần bên cạnh nhà…thì châu Âu tính sao?
Chưa hết, sự ổn định chính trị của khu vực Trung Đông là rất mong manh, Trung Đông chỉ là “khu vui chơi giải trí” cho các ông lớn phá phách…và do đó tin rằng có sự ổn định bởi các nhà cung cấp?
Vậy đã rõ, tình hình Qatar đã nâng cao vị thế có một không hai của Gazprom Nga. Chưa cần xảy ra tình huống khi mọi nguồn cung khí đốt từ Qatar bị ngừng thì châu Âu cũng đã, phải coi Gazprom là nguồn cung đáng tin cậy, ổn định là sự lựa chọn duy nhất...
Vụ khủng hoảng Qatar đã khiến tuyến đường ống “Nord Stream-2” đã trở nên cần thiết với Châu Âu hơn lúc nào hết mà Nga từ nay không cần phải tranh đấu, quảng bá…Nó làm nguội cái đầu nóng của Ba Lan, làm mọi lý lẽ chống lại Gazprom của Ba Lan trở nên thiếu sức thuyết phục.
Rõ ràng, vụ khủng hoảng Qatar dù xảy ra bất kỳ kết cục nào thì Nga vẫn hưởng lợi. Tất nhiên khi khí đốt tự nhiên đã trở nên quan trọng không kém gì dầu khí trong thế giới hiện đại thì các tinh hoa chính trị Nga sẽ biết kết hợp khí tự nhiên và chính trị ra sao.
Liệu “khí tự nhiên” trời ưu ái cho Qatar có biến Qatar thành biển lửa? Hay nó sẽ đốt cháy kẻ nào tham lam đòi chiếm đoạt? Thời gian sẽ trả lời.
Theo Đất Việt