Khủng hoảng Qatar: Cái bẫy nguy hiểm cho Ả rập Saudi

Thứ hai, 12/06/2017, 16:06
Riyadh một lần nữa tạo ra cái bẫy cho chính mính khi mộng “bá chủ Trung Đông” dường như lại trỗi dậy, khiến Washington lại phải dè chứng....

Cuộc khủng hoảng Qatar vẫn rất nóng và theo giới phân tích thì cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục gia tăng mức độ nguy hiểm, song nó sẽ nằm trong tầm kiểm soát của những người trong cuộc.

Việc Ả-rập Saudi khởi phát sự việc và nhanh chóng kéo đồng minh vào “đánh hội đồng” Qatar với nghi ngờ đồng phạm của khủng bố chỉ là cái cớ, còn mục đích phía sau của Riyadh – diễn viên chính - là vấn đề khác quan trọng hơn nhiều. Tại sao lại nhận định như vậy?

Ả-rập Saudi có thể gặp nguy hiểm với chính cái bẫy của mình giăng ra trong cuộc khủng hoảng Qatar

Ả-rập Saudi chuyển hướng bất lợi trong nước

Từ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới lần thứ nhất năm 1973 đến nay, Ả rập Saudi được biết đến là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, chính phủ và người dân nước này sống khỏe nhờ khai thác thứ “vàng đen” này mang bán lấy tiền.

Người dân Ả-rập Saudi dù không có mức thu nhập quá cao nhưng phúc lợi mà họ được hưởng từ trợ cấp của chính phủ Hoàng gia thì luôn nằm ở top đầu thế giới, theo tài liệu của FED.

Một số đặc quyền mà người dân Ả-Rập Saudi được nhận có thể kể đến là : xăng được trợ giá mạnh, chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục miễn phí, nước và điện được trợ giá, được trợ cấp thất nghiệp. Dân không phải đóng thuế thu nhập, khu vực công trả lương cao hơn khu vực tư nhân.

Với chính phủ Ả-Rập Saudi, nguồn lợi từ khai thác và bán dầu thô mang lại quá lớn nên họ sẵn sàng chu cấp cho người dân để đổi lấy sự trung thành. Còn với người dân vương quốc này thì do cuộc sống no đủ nên họ cũng không quan tâm nhiều đến chính sự.

Vì vậy, hầu hết những chức tước, bổng lộc đều thuộc về các thành viên Hoàng gia, nhưng họ không gặp những phản đối bất lợi từ dân chúng. Điều đó giúp cho Hoàng gia Ả-rập Saudi trở thành một trong những vương tộc giàu có nhất thế giới.

Khi giá dầu cao, mọi việc đều “xuôi chèo mát mái”, song khi giá dầu thô sụt giảm liên tục thì việc chi cho phúc lợi xã hội quá lớn đã khiến ngân sách của chính phủ Ả rập Saudi bị thâm hụt rất lớn. Năm 2015 và 2016, thâm hụt ngân sách của Ả-rập Saudi đều trên 20%/GDP.

Việc tham chiến ở Yemen, Syria, viện trợ cho Ai Cập và các nước khác đã góp phần làm cho chi tiêu công của Ả rập Saudi tăng chóng mặt.

Theo IMF, chi tiêu chính phủ Ả rập giai đoạn 2003 - 2015 đã tăng gấp 4 lần, đẩy mức giá hòa vốn của dầu thô - mức giá mà chính phủ cân đối ngân sách- lên tới hơn 100 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô chỉ xoay quanh 50 USD/thùng khiến chính phủ Hoàng gia phải điêu đứng.

Trong 2 năm 2015 và 2016, chính phủ Ả-rập Saudi đã tiêu tốn khoảng 100 tỉ USD trong 650 tỉ USD của quỹ dự trữ quốc gia. Cùng với đó là thâm hụt ngân sách trong 2 năm này cũng lên tới hơn 200 tỷ USD, bởi GDP của Ả-rập Saudi là gần 700 tỷ USD.

Những thoả thuận mua vũ khí kỷ lục của Mỹ đã khiến chính phủ Hoàng gia Ả-rập Saudi đối mặt với bất lợi trong nước

Thực tế đó khiến IMF đã đưa ra dự báo Ả-rập Saudi có thể cạn tiền trong bốn năm, thậm chi còn sớm hơn, nếu giá dầu chỉ ở ngưỡng 50 USD/thùng.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ả-rập Saudi, Robert Jordan cho rằng chính phủ Hoàng gia này có thể sẽ phải bắt đầu thu thuế thu nhập hoặc thuế doanh thu. Song một khi họ đánh thuế thì sẽ gia tăng bất ổn chính trị. Nghĩa là tình hình nội trị tại Ả-rập Saudi đang rất rối ren.

Điều đó đã được chứng minh khi chính phủ Hoàng gia cắt giảm phúc lợi xã hội, bắt đầu bằng việc giảm trợ giá xăng, khiến giá xăng tại nước này tăng từ mức 0,16USD/lít lên mức 0,24USD/lít thì người dân tại vương quốc này đã biểu tình phản đối, theo Reuters.

Sự thể đã như vậy, song Ả rập Saudi lại vừa phải vung đến 110 tỷ USD để mua vũ khí của Mỹ. Nếu số vũ khí đó chỉ nhằm phục vụ cho tham vọng “bá chủ Trung Đông”, chắc chắn Riyadh sẽ gặp phản ứng bất lợi mạnh mẽ từ dân chúng.

Riyadh phải tìm cho được nguyên nhân của việc phải ký hợp đồng kỷ lục mua vũ khí của Washington và mối đe doạ từ khủng bố cũng như đồng phạm của khủng bố được cho lý giải tốt nhất cho việc Riyadh phải trang bị vũ khí hiện đại.

Cuộc khủng hoảng Qatar đã nổ ra trong bối cảnh đó, khi vương quốc tí hon này bị Riyadh cùng các đồng minh xem là đồng phạm với khủng bố tại Trung Đông, vũ khí lúc này là tối cần thiết và Riyadh có thể dễ dàng tiếp tục thực hiện việc cắt giảm phúc lợi xã hội.

Cái bẫy nguy hiểm cho Riyadh

Dư luận rất hoài nghi phía sau ứng xử có phần mềm mỏng của Washington với chính quyền Qatar, dù các đồng minh khác của Mỹ đã cáo buộc Qatar đồng phạm với khủng bố và kết nối với Iran – thực thể đối nghịch của Mỹ tại Trung đông.

Phản ứng khác lạ đó của Washington có thể được xem là cái bẫy nguy hiểm với Riyadh.

Khi những dùng dầu thô không còn là công cụ kết nối Washington - Riyadh thì mộng "bá chủ Trung Đông" luôn đưa các ông hoàng xứ Ả-rập vào thế nguy hiểm

Ả-rập Saudi từng là đồng minh quan trong của Mỹ tại vùng đất nóng - chỉ sau mỗi Israel. Riyadh đã giúp Washington rất nhiều trong hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh, cũng như tạo thế cân bằng với Iran, sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq chưa thể ổn định và lấy lại vị thế trong khu vực.

Thể hiện rõ rệt nhất của quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Ả-rập Saudi là sự đóng góp tiền bạc của Riyadh cho những kế hoạch mà Washington triển khai tại Trung Đông, thậm chí cả trên thế giới.

Đặc biệt, Ả-rập Saudi luôn tiếp ứng Mỹ trừng phạt những thực thể đối nghịch mà có thể dùng tới các biện pháp liên quan đến dầu thô và giá dầu thô. Mỹ thì bảo vệ đồng minh của mình bằng sức mạnh quân sự và hợp tác quân sự.

Trong nhiều năm, quan hệ Washington – Riyadh hiếm khi cho thấy có những xích mích lớn hay có mâu thuẫn tạo ra sự rạn nứt nghiêm trọng. Tưởng chừng đây là một mối quan hệ đồng minh thân thiết, luôn cần có nhau và cần đến nhau.

Thực tế thì không hẳn như vậy. Trong mối quan hệ này, Ả-rập Saudi luôn là bên chịu thua thiệt hơn rất nhiều.

Dù ủng hộ nhiều tiền bạc cho những kế hoạch lớn của Mỹ nhưng vị thế của Ả-rập Saudi không hề được nâng lên, và Washington cũng không có những động thái thể hiện sự bù đắp tương xứng cho những thiệt thòi của Riyadh.

Khi giá dầu thô ở mức cao thì mọi việc đều không thành vấn đề, nhưng khi giá dầu giảm mạnh thì vấn đề lớn nảy sinh. Ả-rập Saudi không thể hăng hái như trước được nữa, một phần vì khó khăn nội tại, một phần có thể vì ngẫm lại thấy cay đắng.

Washington mềm mỏng với "đồng phạm khủng bố" Qatar là lời cảnh báo cho Riyadh

Khi dầu thô không còn là vũ khí hữu hiệu để có thể làm mình làm mẩy với người bạn đường, Ả-rập Saudi đã chủ động thể hiện vai trò của mình ở Trung Đông bằng việc can thiệp vào tình hình Yemen và cả Syria nữa.

Song tất cả những điều đó không làm khác cái nhìn của Washington về người đồng minh lâu năm tại Trung Đông. Trong thế bức bách, Ả-rập Saudi lấy cớ chống IS để thành lập Liên minh Quân Sự Hồi giáo với 34 nước, do Riyadh đứng chủ xị.

Thế là Mỹ ngày càng rõ ý đồ của Ả-rập Saudi muốn làm “bá chủ Trung Đông”. Một sự rạn nứt nghiêm trọng đã thành hình.

Khi cuộc “đại khủng hoảng tinh thần” giữa Ả-rập Saudi và Iran nổ ra, Riyadh rất kỳ vọng được sự ủng hộ của Washington, song những ông hoàng xứ Ả-rập đã phải thất vọng vì người Mỹ đã không quan tâm nhiều tới sự kiện đó.

Washington còn được cho là buộc Riyadh phải trả giá cho tham vọng “bá chủ Trung Đông” và muốn thoát khỏi vòng kiểm toả của người Mỹ, khi Capitol Hill thông qua đạo luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố, hồi tố trách nhiệm của Riyadh với vụ khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ.

Dường như biết không thể “thoát Mỹ”, Ả-rập Saudi đã làm nóng lại mối quan hệ bằng những thoả thuận kỷ lục về mua vũ khí của Mỹ trong chuyến công du quốc tế đầu tiên của Tồng thống Donald Trump tới quốc gia này.

Thất vọng với kết quả cuộc bầu cử tổng thống Iran vì ứng viên phe ôn hoà thắng cử, Riyadh đã nhanh chóng cáo buộc Qatar đứng về phía Iran bảo trợ khủng bố.

Hành động đó được xem là bắn một mũi tên trúng hai đích, song thực ra Riyadh một lần nữa tạo ra cái bẫy cho chính mính khi mộng “bá chủ Trung Đông” dường như lại trỗi dậy và khiến Washington lại phải dè chứng.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn