|
Hình ảnh Quốc vương Qatar Emir Sheikh Tamim Bin Hamad Al-Thani dán trên nhiều phương tiện giao thông ở thủ đô Doha. Ảnh: Reuters |
“Kuwait khẳng định sự sẵn sàng của Qatar trong việc lắng nghe những lo ngại thực tế của các nước anh em trong khu vực và quan tâm đến những nỗ lực để tăng cường an ninh và ổn định”, hãng tin KUNA của Kuwait dẫn lời Ngoại trưởng Sheikh Sabah al-Khalid Al-Sabah.
Sau khi loạt các quốc gia trong thế giới Ả Rập, gồm Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Bahrain…, cô lập Qatar vào tuần trước với lý do nước này tài trợ khủng bố và Iran, Kuwait vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Qatar và đóng vai trò trung gian hòa giải các tranh chấp khu vực.
Tuy nhiên, một nỗ lực hòa giải trước đó của Kuwait không đạt được kết quả như ý. Theo đó, Quốc vương Kuwait Emir Sheikh Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah đã thực hiện các chuyến đi giữa Riyadh (thủ đô Ả Rập Saudi), Abu Dhabi (thủ đô UAE) và Doha (thủ đô Qatar) để tiến hành đàm phán nhưng không tìm thấy tiếng nói chung.
Trước tuyên bố của Kuwait về thái độ của Qatar, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash bình luận trên Twitter: “Đây có phải là khởi đầu của sự khôn ngoan và tư duy hợp lý không?”.
Morocco, một đồng minh thân thiết của các quốc gia vùng Vịnh, khẳng định, sẽ giữ thái độ trung lập và đề nghị giúp đỡ để “thúc đẩy cuộc đối thoại thẳng thắn và toàn diện trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ và chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan”.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump ban đầu đề nghị tổ chức cuộc đàm phán giữa Qatar và các quốc gia tham gia “tẩy chay” nước này tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, thứ Sáu tuần trước (9/10), ông Trump lại gọi Qatar là nhà tài trợ khủng bố cấp cao và ủng hộ áp lực từ vùng Vịnh.
Theo hãng tin SPA của Ả Rập Saudi, Phó Thái tử Mohammed bin Salman đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào hôm Chủ nhật (11/6) để thảo luận về những nỗ lực “chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”.
Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao của Qatar cho biết, cuộc khủng hoảng phản ánh sự thiếu khả năng lãnh đạo của Mỹ.
“Đây là bằng chứng lớn nhất cho thất bại của Mỹ ở vùng Vịnh. Nó mang lại cho người khác ấn tượng rằng, Mỹ không biết làm thế nào hoặc không có khả năng để quản lý mối quan hệ với các đồng minh”, nhà ngoại giao Qatar nhận xét.
Cuối tuần qua, Ả Rập Saudi, Bahrain, UAE và Ai Cập đã “siết chặt” Qatar hơn bằng cách đưa hàng chục nhân vật và tổ chức từ thiện liên kết với Doha vào danh sách đen khủng bố.
Qatar sau đó đã bác bỏ các cáo buộc trên. Trước đó, nước này cũng phủ nhận tài trợ cho chủ nghĩa cực đoan.
Theo Tiền Phong