Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải, người dân đi lại khổ cực, nhiều ý kiến đề nghị thu hồi sân golf để mở rộng sân bay, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các bạn biết hết rồi, nhu cầu đi lại thì quá lớn, sân bay Long Thành thì chưa thể làm ngày 1 ngày 2. Bây giờ việc mở rộng là cần thiết và cấp bách rồi, còn phương án mở rộng thế nào do Bộ GTVT, mở bên nào cần lấy ở đâu, cần làm những gì là Bộ GTVT phải quyết định đầu tiên, khi cần thiết phải lấy diện tích đất sân golf thì phải bàn với chủ đầu tư và Bộ Quốc phòng.
Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng sân bay nên tham khảo ý kiến của TP.HCM, trưng cầu ý kiến người dân, nhưng đại diện Bộ GTVT lại nói không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc được?
|
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng |
Đấy là việc Bộ phải chịu trách nhiệm. Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về phương án mở rộng và phải trình Chính phủ để Chính phủ quyết cần phải lấy ở đâu, dựa trên hiệu quả, dựa trên ngân sách. Còn nếu phải cần đến thì vẫn phải làm thôi.
Ông đánh giá sao về quy hoạch sân golf hiện nay?
Sắp tới Bộ Kế hoạch sẽ gương mẫu bỏ luôn quy hoạch đó đi, quy hoạch đấy là 1 loại quy hoạch sản phẩm không cần thiết. Hiện Bộ trình Luật quy hoạch theo hướng để cái đó cho các địa phương quyết định và chuyển thành điều kiện, tức đầu tư có điều kiện.
Nghĩa là muốn xây dựng sân golf, phải đáp ứng một số điều kiện. Ví dụ như không được sử dụng đất lúa, không sử đụng đất quốc phòng an ninh, không sử dụng đất bảo tồn văn hóa… miễn là đáp ứng những điều kiện như vậy, không vi phạm thì được quyền làm.
Việc muốn xây 5 sân hay 10 sân là do địa phương quyết định, hiệu quả do nhà đầu tư tính toán chứ nhà nước không nên can thiệp. Việc này còn phụ thuộc vào thị trường, thị trường người ta thấy hiệu quả thì người ta làm. Đất cát, đất sình lầy, đất không khai thác thì tại sao mình lại hạn chế để cho hay không cho. Tức chuyển quy hoạch sân golf hiện nay đang làm sang đầu tư có điều kiện, bỏ luôn quy hoạch đó đi để kiểm soát bằng điều kiện.
Nhưng thực tế có tình trạng đáng lo đầu vào sân golf thì đảm bảo điều kiện nhưng sau đó làm biệt thự, nhà hàng, không đúng với chức năng, rồi tình trạng tỉnh nào cũng mọc lên sân golf?
Trong các văn bản quy định làm sân golf là chỉ làm sân golf, khi anh đã làm sai là có quy định riêng.
Còn việc tỉnh nào cũng có sân golf thì chả có vấn đề gì, nếu họ có nhu cầu. Nhà đầu tư phải tính toán và chịu trách nhiệm về hiệu quả của mình nên chúng ta không lo thay việc đó. Còn một khi đã làm sân golf là sân golf.
Những sân golf không đáp ứng các điều kiện như Luật quy hoạch quy định thì tới đây thu hồi hay làm gì?
Luật pháp của mình là không hồi tố, đây là nguyên tắc làm luật. Ví dụ, đã trót cho người ta 200ha rồi thì anh phải điều chỉnh bằng cái khác, chứ không thể nói đến giờ cho có 100ha, phải đòi lại 100ha. Tức phải điều chỉnh bằng luật pháp khác, không thể áp dụng biện pháp hành chính để thu hồi.
"Chỉ thu hồi lại sân golf khi có nhu cầu quốc phòng" Bên hành lang Quốc hội sáng cùng ngày 12-6, Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Chính uỷ Quân chủng Phòng không không quân cho hay, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã thảo luận về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 21ha đất để mở rộng nhà ga, giải quyết sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. “Phần này không liên quan đến sân golf, vì là về phía Nam của hệ thống sân bay. Còn sân golf nằm ở phía Bắc. Hiện ở phía Bắc còn 11 đơn vị của quân đội đang đóng quân ở đó, gồm đơn vị pháo, quân chủng phòng không, không quân, rada…”, ông Đại nói.
Ông Đại cũng cho biết 157ha đất sân golf hiện tại vốn là đất dự phòng của quốc phòng để bảo vệ TP.Hồ Chí Minh và bản thân sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đây là đất trống. Ông nhấn mạnh: “Hôm trước thảo luận tại tổ tôi đã trả lời thắc mắc, hiện nay Bộ Quốc phòng có một quan điểm nhất quán là chỉ sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi, chưa sử dụng mục đích quốc phòng để phát triển kinh tế để tăng nguồn ngân sách củng cố quốc phòng, xây dựng doanh trại quân đội. Nếu có nhu cầu quốc phòng thì sẽ thu hồi vô điều kiện và khi có lệnh của cấp trên nếu có nhiệm vụ về quốc phòng”. |
Theo PLO