Thổ Nhĩ Kỳ có thể cứu vãn khủng hoảng Qatar?

Thứ ba, 13/06/2017, 14:16
Ngay sau khi cuộc khủng hoảng Qatar nổ ra, Ankara nhanh chóng tuyên bố sẵn sàng trở thành trung gian hòa giải các bên. Theo đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có nhiều cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài mà chủ đề chính là khủng hoảng Qatar.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (phải) và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani bắt tay thân thiết trong một cuộc gặp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jabir Al-Sabah và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud về cuộc khủng hoảng Qatar.

Để đánh giá được vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng Qatar, cần thấy được quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Qatar cũng như các nước Ả Rập trong những năm gần đây.

Thứ nhất, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia duy trì quan hệ ngoại giao bình thường,  nhưng Ankara và Doha có mối quan hệ mạnh mẽ hơn so với Riyadh hay Abu Dhabi.

Thứ hai, tổng đầu tư của Qatar vào Thổ Nhĩ Kỳ là 18 tỷ USD. Qatar cũng đã mua lại một số công ty và ngân hàng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2015, như QNB Finansbank, ABank, Digiturk, BMC và Boyner.

Trong khi đó, đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar cũng lên tới 14,2 tỷ USD. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào khoảng 130 dự án, bao gồm cả việc xây dựng một tàu điện ngầm với chi phí là 4,4 tỷ đô la ở Doha. Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có doanh thu thương mại 692 triệu USD năm 2016.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ quan tâm đến các lợi ích kinh tế của Qatar. Hiện nay, Qatar là đồng minh đáng tin cậy của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và nước này có một căn cứ quân sự ở Qatar. Ngay khi khủng hoảng nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua các dự luật cần thiết để triển khai binh lính tới Qatar, trấn an Doha.

Một số chuyên gia bình luận, cuộc khủng hoảng Qatar chỉ có thể ảnh hưởng gián tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara vẫn có nhiều lý do để lo lắng.

Theo đó, nếu Qatar phải đối mặt với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng, nó sẽ ảnh hưởng chủ yếu tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả những điều này thúc đẩy Ankara tích cực đứng ra hòa giải nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Qatar.

Tuy nhiên, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Qatar?

Theo các chuyên gia, dù Ankara có cố gắng giải quyết vấn đề này đến đâu, mọi chuyện cũng không dễ dàng như thế. Các nước đóng vai trò chính trong cuộc khủng hoảng Qatar được cho là Mỹ, Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với từng nước này hiện nay chính là mấu chốt để quyết định xem liệu Ankara có thể trở thành trung gian hòa giải khủng hoảng Qatar hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ

Hai nước có mối quan hệ chặt chẽ nhưng gần đây cũng xảy ra nhiều bất đồng, rạn nứt. Trước hết, nó liên quan đến việc Mỹ ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là kẻ thù.

Thứ 2, bất chấp các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ vẫn chưa dẫn độ lãnh đạo phong trào Hitzmet, Fethullah Gulen, một giáo sĩ đang sống lưu vong tại Mỹ bị Akara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính quân sự ở nước này năm ngoái.

Đặc biệt, chính quyền Trump xem IS và tổ chức Anh em Hồi giáo là khủng bố trong khi Ankara lại không liệt tổ chức Anh em Hồi giáo vào danh sách đen.

Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập

Sau khi Tướng Abdel-Fattah Al-Sisi lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, vốn là thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo vào tháng 7.2013, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nước này đã xấu đi nhiều.

Tổng thống Erdogan không công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Al-Sisi. Mặc dù Ai Cập là đối tác quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng quan hệ giữa 2 bên đã rạn nứt trong một khoảng thời gian. Bất chấp các nỗ lực cải thiện quan hệ của chính quyền Erdogan với Ai Cập, mọi thứ đến nay vẫn tỏ ra không hiệu quả.

Thổ Nhĩ Kỳ và UAE

Mặc dù nhìn bề ngoài, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và UAE vẫn bình thường nhưng thực tế họ đang có khủng hoảng. UAE từng cáo buộc Ankara tài trợ khủng bố ở Syria và cung cấp vũ khí cho khủng bố ở Libya.

Trong khi đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc UAE là một trong những "nhà tài trợ" cho cuộc đảo chính quân sự ngày 15.7.2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù nỗ lực cải thiện quan hệ của cả 2 bên, song căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và Abu Dhabi vẫn chưa được hóa giải.

Vì quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả các nước trên, ngoại trừ Saudi Arabia đều có vấn đề, nên Ankara được cho là không thể hòa giải cuộc khủng hoảng Qatar, theo Azer News.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn