Về những dư luận chuyện có đơn xin thuê nhà ở công vụ với lý do ''khó khăn về nhà ở'', sáng 13/6, bà Nguyễn Thị Kim Thuý, nguyên Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã xác nhận thông tin trên.
Căn biệt thự số 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa, nơi ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ở mãi không chịu trả gây xôn xao một thời. |
Bà Thúy cho biết, bản thân cảm thấy bất ngờ trước việc báo chí phản ánh về việc này, đồng thời khẳng định trường hợp của bà đã được quyết định từ lâu.
Theo bà Thúy, đối với các cán bộ thuộc diện cấp Phó như bà không có những chính sách về nhà đất. Vì thế điều kiện nhà ở, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.
“Tôi không phải trong diện điều chuyển. Đợt đấy tôi và một vài đồng chí cấp Phó của các đoàn thể khác hoàn cảnh, điều kiện nhà cửa chật chội, khó khăn nên có làm đơn để gửi Bộ Xây dựng xin thuê tiếp.
Người ta cứ nói quan chức lắm nhà, nhiều cửa nhưng không phải ai cũng thế. Nếu bây giờ đi khảo sát các cán bộ bên đoàn thể thì rõ ngay. Mọi người đều rất khó khăn, nhà cửa chật chội”, bà Thúy thanh minh.
Thông tin cụ thể hơn, bà Thúy cho biết, tính thời gian công tác thì năm 2015 bà chính thức về hưu.
Tuy nhiên do thời gian gấp gáp, chưa có điều kiện chuẩn bị về nhà ở nên năm 2013 bà có đơn gửi Bộ Xây dựng, công ty quản lý và cơ quan chủ quản đề nghị được tiếp tục thuê căn hộ đang ở. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam sau đó cũng có công văn đề nghị lên Bộ Xây dựng xem xét, giải quyết.
Bộ Xây dựng sau khi tiếp nhận đơn đã cử đoàn cán bộ đi khảo sát thực tế rồi mới có hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.
“Mãi từ năm 2013 sang đến năm 2014 không thấy thông tin gì cả. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng mình không được giải quyết. Nếu không được thì tôi cũng đành chấp nhận. Bản thân mình cũng khổ cả đời rồi.
Tuy nhiên đến ngày 1/5/2014 thì có quyết định của Bộ Xây dựng đồng ý cho tôi thuê thêm căn hộ trên trong thời hạn 5 năm, từ 2014-2019. Xưa nay tôi chỉ biết lo làm việc, chả biết đi đến chỗ nọ, chỗ kia hay đi cửa sau gì cả”, bà Thúy phân trần.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng sự việc của mình rất nhỏ. Cùng thời với bà Thúy còn có một số trường hợp khác như ông Lều Vũ Điều (Phó Chủ tịch hội nông dân Việt Nam), bà Hương (Phó Chủ tịch Trung ương Hội).
“Việc của tôi hoàn toàn vô tư. Năm 2019 kiểu gì tôi cũng trả lại nhà. Cứ hết hợp đồng thì tôi trả. Từ xưa nay tôi chưa bao giờ làm việc gì để ai phải nói gì đến mình cả. Tôi không ngờ chỉ làm đơn mà ra đến cả báo chí”, bà Thúy khẳng định.
Theo Đất Việt