Đơn vị tư vấn: 'Lấy sân golf mở rộng Tân Sơn Nhất tốn kém như xây sân bay mới'

Thứ tư, 14/06/2017, 16:48
Cho rằng lấy sân golf mở rộng Tân Sơn Nhất vẫn cần chi phí lớn, đơn vị tư vấn bảo lưu quan điểm không xây thêm đường băng.

PV có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty ADCC (thuộc Quân chủng Phòng không không quân) đơn vị tư vấn lập phương án mở rộng Tân Sơn Nhất.

Là đơn vị tư vấn lập phương án mở rộng Tân Sơn Nhất, ông nghĩ sao về việc PGS Nguyễn Thiện Tống đề nghị xây thêm đường băng dài 2.600m ở phía sân golf, cách đường băng thứ nhất 760m?

Ngay sau khi có thông tin trên mạng, chúng tôi đã nghiên cứu phương án này. Với khoảng cách 760m cách đường băng 25L thì đường băng mới về phía Bắc sẽ nằm cách đường băng 25R 395m. Như vậy 3 đường băng này sẽ hoạt động hoàn toàn phụ thuộc.

Với khoảng cách đó hoàn toàn có thể bố trí được đường băng dài 2.600m nằm trong ranh giới. Tuy nhiên, để đường băng hoạt động được thì mỗi đầu phải có một dải bảo hiểm là 250m. Ngoài ra, hai đầu còn phải bố trí đèn tiếp cận và các công trình quản lý bay. Hệ thống đèn tiếp cận đòi hỏi chiều dài 1.400m và chiều rộng 150m. Và cũng cần phải đảm bảo tĩnh không ở 2 đầu và bên sườn nữa. Như vậy tổng chiều dài xây dựng cần không dưới 4.000m cho đường băng 2.600m.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải về khu bay và hạ tầng giao thông.

Xây dựng đường băng số 3 chắc chắn sẽ rất tốn kém và phải giải tỏa rất nhiều hộ dân. Ngoài ra, đường băng số 3 cũng nằm trên diện tích của 14 đơn vị quân đội bảo vệ sân bay và TP.HCM  với hơn 140ha đất. Vì vậy, TP.HCM cũng cần phải nghĩ đến phương án bố trí quỹ đất gần sân bay và kinh phí để di chuyển các đơn vị này.

Tôi cho rằng, việc phát biểu có thể xây dựng được đường băng số 3 về phía Bắc mà không phải giải tỏa hộ dân nào là chưa có cơ sở.

Vậy với đường băng dài 2.600m, chúng ta có thể khai thác các loại máy bay gì?

Với đường băng dài 2.600m, các loại máy bay như A320, A321 có thể cất hạ cánh đầy tải. Các loại máy bay code E có thể hạ cánh nhưng khi cất cánh sẽ đòi hỏi chiều dài lớn hơn. Như vậy, đường băng này sẽ bị hạn chế khai thác vì không khai thác một cách đầy đủ các loại tàu bay đang đến/đi ở Tân Sơn Nhất.

Việc xây dựng thêm đường băng số 3 thì sẽ tăng công suất cho sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào?

Đương nhiên là tăng. Nhưng mức tăng không lớn vì 3 đường băng này vẫn hoạt động phụ thuộc, do khoảng cách giữa các đường băng nhỏ hơn 760m theo khuyến cáo của ICAO. Các máy bay vẫn phải chờ nhau cất hạ cánh.

Theo tính toán của chúng tôi, với 2 đường băng hiện nay và bổ sung thêm một số đường lăn thì công suất của sân bay sẽ là 43-45 triệu hành khách mỗi năm. Còn khi bổ sung thêm đường băng số 3 như đề xuất của PGS Tống thì công suất của sân bay sẽ tăng lên 45-47 triệu hành khách mỗi năm. Tuy nhiên, áp lực rất lớn sẽ đặt lên vai các Kiểm soát viên không lưu khi điều hành máy bay trên 3 đường băng phụ thuộc như thế này.

Xây mới đường băng số 3 và nhà ga phía Bắc tương đương với việc làm sân bay mới. Chúng ta cũng phải xây dựng những công trình hạ tầng giao thông khác đáp ứng các yêu cầu tiện ích của người dân.

Các phương án xây dựng đường băng số 3 về phía Bắc phải thu hồi đất lớn. (Bản vẽ mô phỏng của chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam).

Có ý kiến cho rằng phương án xây dựng đường băng số 3 do Công ty ADCC đưa ra có chi phí tới hơn 9 tỷ USD là không chính xác, ý kiến của ông?

Chúng tôi tư vấn trên cơ sở các Tiêu chuẩn kỹ thuật và không chịu bất kỳ sức ép nào. Trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất lần này, chúng tôi đã đưa ra 7 phương án, trong đó có 6 phương án là phát triển về phía Bắc. Phương án mà mọi người dẫn chứng nói trên là tính toán của Tư vấn Nhật, nằm trong hồ sơ xây dựng sân bay Long Thành. Chúng tôi đưa vào để các cơ quan và người dân có cơ sở so sánh.

Ngoài ra, còn 3 phương án nữa của chúng tôi có đề cập đến việc xây dựng đường băng số 3 ở phía sân golf với các khoảng cách khác nhau đến đường băng hiện tại. Phương án của PGS Tống giống phương án 2B và 2C của chúng tôi.

Chúng tôi kết luận là phía Bắc vẫn có thể xây được đường băng nhưng sẽ rất tốn kém và ảnh hướng lớn đến người dân. Trong khi Chính phủ yêu cầu phải nhanh chóng giải quyết ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chính vì vậy, chúng tôi đã đề xuất phương án 3 vì nó đáp ứng các tiêu chí của Chính phủ là nhanh, tiết kiệm và ít ảnh hưởng đến người dân.

Phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thực hiện đang gây ý kiến trái chiều.

Phương án này sẽ không xây mới đường băng mà chỉ xây nhà ga, các công trình kỹ thuật ở phía Bắc đường lăn gồm sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga T4 công suất từ 10-15 triệu hành khách, nhằm nâng tổng công suất của sân bay lên khoảng 40-43 triệu hành khách. Đề xuất này đã được lãnh đạo Bộ Giao thông trình Chính phủ.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia kỹ thuật hàng không - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM), đề nghị xây đường cất hạ cánh thứ 3 trên đất thu hồi từ sân golf - có khoảng cách 760m với đường cất hạ cánh số một dài 3.800m hiện hữu.

"Chiều dài trong phạm vi hiện hữu của Tân Sơn Nhất khoảng 3.000m nên đường băng thứ 3 có thể dài khoảng 2.700m mà không cần giải tỏa hộ dân nào. Do đó, Bộ Giao thông cho rằng mở rộng sân bay về phía Bắc sẽ tốn rất nhiều chi phí giải phóng mặt bằng nhà dân là không chính xác", ông Nguyễn Thiện Tống nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích