Lý giải việc “sợ” THAAD
Giới phân tích Trung Quốc thừa nhận việc triển khai tại Hàn Quốc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là sự kiện mang tính cột mốc với cục diện chiến lược Đông Bắc Á có sự thay đổi lớn và điều chỉnh sâu sắc.
Trung Quốc quyết không thể xem nhẹ buông xuôi, phải có sự đáp trả mạnh mẽ, từ đó khôi phục cân bằng chiến lược khu vực.
Theo đó, cùng với việc thâm nhập toàn diện và vận hành THAAD tại Hàn Quốc, cân bằng chiến lược ở Đông Bắc Á sẽ bị phá vỡ hoàn toàn, Đông Bắc Á từ thời điểm hiện nay đã bước vào “thời kỳ hậu triển khai THAAD”.
Bệ phóng tên lửa di động của THAAD được Mỹ đưa tới Hàn Quốc |
Để đối phó, giới phân tích Trung Quốc cho rằng cần phải chuẩn bị toàn diện cả về kinh tế, chính trị và quân sự, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Trong bài viết phần một này, chúng tôi đề cập tới lý giải của Trung Quốc về việc tại sao họ cần chống lại THAAD ở Hàn Quốc cùng lý do cần ủng hộ Triều Tiên.
Trung Quốc hiểu rằng khả năng THAAD bị di rời khỏi Hàn Quốc gần như bằng không bởi vì triển khai THAAD ở Hàn Quốc là chiến lược đã được Mỹ xác định và có ý đồ từ lâu. Mỹ luôn muốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Bắc Á, xây dựng toàn diện “vòng cung phòng thủ tên lửa” ở Đông Bắc Á do Mỹ nắm vai trò chủ đạo, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tham gia.
Từ đó làm suy yếu khả năng tấn công tên lửa của Trung Quốc để giành ưu thế tuyệt đối trong đối đầu sức mạnh hạt nhân với Trung Quốc, tiến tới hình thành kiềm chế Trung Quốc về quân sự.
Binh sĩ Mỹ tiến hành lắp đặt THAAD tại Seongju, Hàn Quốc |
Các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã tạo lý do cho Mỹ và Hàn Quốc triển khai THAAD, nhưng cho dù Triều Tiên không thử hạt nhân thì Mỹ cũng có thể lấy lý do khác để triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Lý do Triều Tiên thực hiện quá nhiều vụ thử hạt nhân là do mối đe dọa nghiêm trọng từ phía Mỹ đối với an ninh quốc gia của Triều Tiên. Do đó, cục diện đã hình thành vòng tuần hoàn:
“Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung để kích động Triều Tiên – Triều Tiên bị buộc phải thử hạt nhân – Mỹ và Hàn Quốc nâng cấp các cuộc tập trận – Triều Tiên tiếp tục bị ép buộc phải thử hạt nhân”.
Từ đó có thể thấy, Mỹ mới là chủ thể cầm đầu việc gây rối loạn bán đảo Triều Tiên.
Theo giới phân tích Trung Quốc, về mặt kỹ thuật, hệ thống radar X-band mà THAAD sử dụng được coi là radar di động trên bộ lớn nhất và tính năng mạnh nhất trên thế giới hiện nay, có cự ly thám trắc trên 2.000km, phạm vi kiểm soát radar đã vượt xa nhu cầu phòng vệ của bán đảo Triều Tiên, có thể bao trùm trung tâm của miền Bắc Trung Quốc.
Trung Quốc lo THAAD làm mất cân bằng chiến lược trong khu vực |
Về mặt chiến lược, Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, đã phá vỡ cân bằng chiến lược khu vực. Đồng thời, triển khai THAAD ở Hàn Quốc là bước đi đầu tiên để Mỹ triển khai ở Đông Bắc Á, tiếp đó có thể đẩy nhanh triển khai ở Nhật Bản, thậm chí là ở Đài Loan nhằm củng cố “chuỗi đảo thứ nhất” của Mỹ.
Mục đích căn bản của Mỹ là gây khó dễ cho Trung Quốc ở “chuỗi đảo thứ nhất”, ép Trung Quốc nhượng bộ và bị kiểm soát khi đàm phán lợi ích chiến lược.
Triển khai THAAD ở Hàn Quốc là một cuộc bố trí thế trận để Mỹ xây dựng “Tiểu NATO ở châu Á” (Tiểu NATO ở châu Á chỉ Mỹ và các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ... ký hiệp định song phương và đa phương để thiết lập đồng minh quân sự do Mỹ nắm vai trò chủ đạo), để kiềm chế Trung Quốc về quân sự, cũng là một bước đi lớn của Mỹ trong chiến lược “trở lại châu Á-Thái Bình Dương”.
Không sợ phóng xạ từ Triều Tiên
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng Triều Tiên nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân xét cho cùng không phải là nhằm vào Trung Quốc, nhưng Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc chính là để đối phó với Trung Quốc.
Trong khi đó những lo ngại cho rằng Triều Tiên thử hạt nhân có thể gây ra ô nhiễm hạt nhân tại Trung Quốc là “không cần thiết”.
Triều Tiên thử hạt nhân ở vùng núi, dưới mặt đất 400-500m, cách Trung Quốc hơn 100km, khả năng vị trí địa lý này có thể gây ô nhiễm hạt nhân cho Trung Quốc rất thấp.
Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa thời gian qua |
Ấn Độ, Pakistan, quốc gia láng giềng của Trung Quốc đều sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng rất ít khi nghe nói những nước này gây ra mối đe dọa an ninh đối với Trung Quốc. Ngược lại, Triều Tiên lại luôn bị nghi ngờ.
Điều này liên quan đến việc tuyên truyền bôi nhọ Triều Tiên của Mỹ và Hàn Quốc trong thời gian dài, trong đó một số tờ báo và cư dân mạng ở Trung Quốc cũng đóng góp không nhỏ.
Một ví dụ “thú vị” được học giả Trung Quốc nêu ra là thực tế số người Trung Quốc đi du lịch Nhật Bản không giảm mà tăng lên sau vụ rò rỉ phóng xạ Fukushima vào năm 2011, nhưng họ lại rất lo ngại vụ thử hạt nhân của Triều Tiên dưới lòng đất cách Trung Quốc hơn 100km.
Buông lời đe dọa
Giới phân tích Trung Quốc đặt câu hỏi về xu hướng của quan hệ Trung-Hàn, nếu Mỹ và Hàn Quốc vượt qua “vĩ tuyến 38”, Trung Quốc có vượt qua sông Áp Lục một lần nữa hay không? Câu hỏi được nêu lên giữa lúc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn với các loại vũ khí tối tân.
Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung "Đại bàng non" |
Các học giả Trung Quốc cho rằng do các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc không ngừng leo thang, nên bán đảo Triều Tiên có thể đang ở bên bờ vực chiến tranh. Quy mô của hai cuộc tập trận chung Giải pháp then chốt và Đại bàng non lớn chưa từng có, những vũ khí hiện đại nhất của Mỹ như tàu sân bay USS Carl Vinson, máy bay chiến đấu tàng hình F-35... cũng đều đã tham gia tập trận, ngay cả biệt đội SEAL Team 6 của hải quân Mỹ từng tiêu diệt Bin Laden mấy năm trước cũng tham gia.
Khi đến thăm đường vĩ tuyến 38 độ Bắc (vĩ tuyến phân chia hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên sau cuộc chiến tranh vào những năm 1950) vào tháng 3/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố chính sách nhẫn nại chiến lược đối với Triều Tiên đã kết thúc, xem xét lựa chọn biện pháp chiến tranh.
Ngày 30/3, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã triệu tập đại sứ các nước ở Triều Tiên, đại diện các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài ở quốc gia này để tuyên bố rằng cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đang diễn ra đã đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực của một cuộc chiến tranh, Mỹ phải nhận toàn bộ trách nhiệm nếu chiến tranh xảy ra ở bán đảo này.
Binh sĩ Trung Quốc |
Giới phân tích Trung Quốc khẳng định nếu thực sự có “ai đó” muốn dấy lên một cuộc chiến tranh thì Trung Quốc không thể ngồi nhìn bán đảo Triều Tiên có biến mà gây thiệt hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, lợi ích “cốt lõi” và sự phát triển lâu dài của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu “ngậm đắng nuốt cay” về chiến lược khi một lực lượng quân đội lớn của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc áp sát ngay biên giới 3 tỉnh phía Đông Trung Quốc.
Do đó, giới phân tích Trung Quốc tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố “những người không tin quyết tâm chiến lược và ý chí quốc gia sắt đá của Trung Quốc thì đến lúc đó sẽ bất ngờ”.
Theo Đất Việt