|
Hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD trong một lần được quân đội Mỹ thử nghiệm - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, một cố vấn an ninh cấp cao của Hàn Quốc vừa cho biết sẽ không có chuyện thay đổi thỏa thuận đã ký kết với Mỹ về việc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ nói trên.
Dẫu có một số trục trặc trong thời gian qua nhưng phía quân đội Hàn Quốc đang làm việc chặt chẽ với quân đội Mỹ về vấn đề này.
Seoul trấn an đồng minh Mỹ
Trong cuộc họp báo tại Seoul ngày hôm nay, cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong giải thích rằng quyết định tạm ngưng triển khai để đánh giá tác động môi trường của hệ thống THAAD chỉ là một biện pháp bình thường mang tính thể chế dân chủ của Hàn Quốc.
Hôm 7-6, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae In đã yêu cầu Bộ Quốc phòng tiến hành đánh giá một cách nghiêm ngặt và theo đúng luật định về tác động của việc triển khai (THAAD) đối với môi trường.
"Chúng tôi không nói rằng phải rút các bệ phóng và thiết bị đã được triển khai, nhưng những thiết bị chưa triển khai sẽ phải đợi", hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ quan chức Hàn Quốc.
Như vậy, việc triển khai thêm 4 bệ phóng trong hệ thống này sẽ phải chờ đến khi hoàn tất đánh giá, nhưng 2 bệ phóng đã được triển khai trước đó sẽ không bị rút.
Kế hoạch triển khai THAAD đã được thông qua trong thời chính quyền của Tổng thống Park Geun Hye.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này gây tranh cãi ở Hàn Quốc về khả năng gây kích động cho Triều Tiên, đồng thời vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
Trong thời gian tranh cử tổng thống vừa qua, ông Moon Jae In từng kêu gọi hoãn kế hoạch triển khai THAAD vì cho rằng chính quyền của Tổng thống Park chưa tham vấn người dân về vấn đề này.
Chưa kể việc tổng thống Moon cũng không chủ trương triển khai hệ thống vũ khí hạng nặng này bởi cách tiếp cận của ông với vấn đề Triều Tiên được cho là mềm dẻo hơn với cành ô liu đối thoại và hình thức trừng phạt cô lập, cấm vận…
Không khó để các nhà quan sát hình dung việc nhà lãnh đạo Nhà Xanh nhanh chóng để mắt đến việc triển khai hệ thống THAAD ngay sau khi nắm quyền. Điều đó đã giúp ông phát hiện thấy những bất thường như “bỏ quên” 4 bệ phóng đã chuyển đến Hàn Quốc cũng như thiếu đánh giá môi trường…
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đứng ra nhận tránh nhiệm thiếu sót và phía Mỹ có vẻ vô can trong vụ này. Như vậy vấn đề còn lại là chuyện nội bộ của Hàn Quốc.
Phát biểu của cố vấn an ninh cấp cao của Hàn Quốc rõ ràng nhằm trấn an đồng minh Mỹ rằng “mọi chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ”.
Mỹ khẳng định minh bạch
Thật ra ngay quyết định của Tổng thống Moon cho tạm dừng triển khai THAAD, Lầu Năm Góc đã nêu ý Mỹ tin tưởng Hàn Quốc sẽ không hủy bỏ quyết định triển khai hệ thống THAAD.
Phát biểu với hãng tin Yonhap, ông Gary Ross - người phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho biết: "Mỹ tin tưởng lập trường chính thức của Hàn Quốc trong việc triển khai THAAD và quyết định này sẽ không bị đảo ngược". Ông Gary Ross cũng nhấn mạnh Mỹ hoàn toàn minh bạch trong việc triển khai THAAD.
Các lãnh đạo quân đội Mỹ cũng tin tưởng sẽ giải quyết êm thấm vấn đề với Hàn Quốc. Quyền Bộ trưởng Lục quân Mỹ Robert Speer cho biết sẽ giải quyết được những đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu của Hàn Quốc. Còn Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley cũng khẳng định Mỹ sẽ vượt qua việc này và khẳng định THAAD là cần thiết đối việc việc bảo vệ các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc cũng như bảo vệ chính quốc gia này.
Quan chức của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết việc đánh giá tác động môi trường có thể mất hơn một năm, vì đánh giá tương tự đối với việc triển khai THAAD ở đảo Guam trước đây đã mất tới 23 tháng.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết đã thành lập một nhóm đặc nhiệm xem xét những tranh cãi xung quanh việc triển khai THAAD. Nhóm này do Bộ trưởng Văn phòng Điều phối chính sách của chính phủ (OPC) đứng đầu và bao gồm các thứ trưởng các bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Môi trường.
Theo một quan chức thuộc OPC, nhóm trên sẽ tập hợp các ý kiến của các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và môi trường, qua đó nghiên cứu các cách thức giải quyết những vấn đề liên quan đến THAAD, bao gồm cả đánh giá tác động đối với môi trường.
Luật pháp hiện hành tại Hàn Quốc quy định việc lắp đặt thiết bị hay xây dựng cơ sở trên diện tích đất rộng hơn 330.000m2 mới cần phải đánh giá về ảnh hưởng đối với môi trường trước khi được triển khai. Theo thỏa thuận với Mỹ, Hàn Quốc sẽ cấp 700.000m2 đất để triển khai THAAD chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là 320.000m2 nên việc triển khai THAAD không phải trải qua đánh giá đầy đủ về môi trường. |
Theo TTO