Bỗng dưng gánh nợ
Cách đây không lâu, đại gia Nguyễn Văn Hùy đã đấu giá và hạ giải thành công cây sưa đỏ 200 tuổi tại đình làng Đông Cốc (Xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) với giá 24,5 tỷ đồng.
Mọi việc tưởng như đã êm xuôi sau khi mỗi khẩu tại làng Đông Cốc được chia 10 triệu đồng tiền bán sưa.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân Đông Cốc, kể từ khi hạ giải cây sưa đến nay đã gần 3 tháng, thế nhưng Công ty CP Đấu giá Việt Nam vẫn chưa chuyển số tiền còn lại cho họ. Điều này khiến người dân làng Đông Cốc vô cùng bức xúc.
Về việc này, xác nhận với PV, một lãnh đạo xã Hà Mãn cho biết, sau khi đấu giá và hạ giải thành công cây sưa 200 tuổi tại đình làng Đông Cốc, bà con không có bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến việc chia tiền bán sưa.
Tuy nhiên, bà con vẫn băn khoăn khi chưa lấy được số tiền 8,5 tỷ còn lại từ Công ty Cổ phần đấu giá Việt Nam (đơn vị tổ chức phiên đấu giá cây sưa).
Cây sưa 200 tuổi bị chặt hạ |
Trước đó, khi đấu giá thành công cây sưa đỏ, ông Nguyễn Văn Hùy đã chuyển đầy đủ 24,5 tỉ đồng vào tài khoản Công ty Cổ phần đấu giá Việt Nam.
Ngày 25/1, Công ty Cổ phần đấu giá chuyển 15,5 tỉ đồng vào tài khoản cộng đồng thôn Đông Cốc. Đến ngày 21/2, công ty này trả tiếp 500 triệu vào tài khoản trên. Như vậy, tổng hai lần chuyển tiền chỉ là 16 tỉ đồng.
Vì công ty đấu giá chưa chuyển hết tiền nên toàn bộ cộng đồng thôn Đông Cốc đã kiên quyết không cho ông Hùy chặt cây. Nếu muốn chặt, thì phải ứng đủ 8,5 tỉ đồng còn thiếu.
Do đó, ngày 25/3, ông Hùy đã chi 8,5 tỉ tiền tạm ứng để dân làng đồng ý cho chặt cây sưa. Tuy nhiên, kết thúc 5 ngày sau khi ông Hùy chặt hạ cây sưa, công ty này vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thực hiện đúng cam kết của hợp đồng đã ký.
Thậm chí, theo người dân sự việc xảy ra đã nhiều tháng, người dân thôn Đông Cốc đã nhiều lần đến đòi tiền bán cây để trả lại cho ông Nguyễn Văn Hùy nhưng Công ty CP Đấu giá Việt Nam vẫn cố tình lẩn tránh và có ý không muốn trả số tiền vốn không thuộc về họ.
Phủi bay trách nhiệm
Đáng chú ý, ngày 2/6, người được ủy quyền hợp pháp của thôn Đông Cốc đã làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Giang - Giám đốc công ty - về khoản tiền nói trên.
Tại buổi làm việc bà Giang đã thừa nhận việc bà và ông Nguyễn Tuấn Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đấu giá Việt Nam (ông Phương là chủ tài khoản) còn giữ của cộng đồng dân cư thôn Đông Cốc số tiền 8,5 tỉ đồng.
Đồng thời theo biên bản có chữ ký của bà Giang thì: ''Hiện công ty chưa có tiền để trả cho cộng đồng dân cư thôn Đông Cốc và không biết ngày, tháng, năm nào sẽ trả được tiền''.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Thỏa - Bí thư chi bộ thôn Đông Cốc đã rất bức xúc sau khi địa phương ra đấu giá và bên trúng đấu giá đã nộp tiền trúng đấu giá cho Công ty CP Đấu giá Việt Nam đầy đủ.
Theo ông Thỏa, số tiền 8,5 tỉ đồng mà ông Hùy đưa cho nhân dân là để khai thác, chặt cây sưa. Đây là số tiền người dân đang mượn của ông Hùy. Trách nhiệm ở đây là của Công ty Đấu giá, phải trả cho dân chứ không thể phủi trách nhiệm.
Cây sưa đỏ cổ thụ được người mua chuyển về xưởng tại Đồng Kỵ |
''Sau nhiều lần trao đổi với Công ty, ông Phương (Chủ tịch HĐQT Cty CP Đấu giá Việt Nam) hứa sẽ trả tiền gốc lẫn tiền lãi.
Không những thế, phía Công ty còn hứa là đầu tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Ông Phương còn đưa ra lý do là ông Hùy (người trúng đấu giá) trả đủ tiền cho địa phương rồi thì địa phương đòi gì nữa'', ông Thoả cho biết thêm.
Như đã thông tin trước đó, ngày 26/3, ông Nguyễn Văn Hùy, một đại gia ở làng gỗ nổi tiếng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã mua thành công cây sưa 200 tuổi tại xã Hà Mãn (Thuận Thành) với giá 24,5 tỷ đồng. Để có được cây sưa, ngoài số tiền đã đấu giá thì ông này đã hỗ trợ nhân dân thêm 1,5 tỷ đồng.
Số tiền bán sưa được chia cho từng nhân khẩu trong thôn Đông Cốc, mỗi nhân khẩu là 10 triệu đồng. Ngoài ra, những người con của quê hương như con gái trong thôn đã đi lấy chồng hay người trong thôn chuyển đi thì được 5 triệu đồng. Số tiền để chia cho người dân là gần 17 tỷ đồng.
Số tiền 8,5 tỷ (trong đó có 1,5 tỷ đồng mà ông Hùy hỗ trợ thêm cho nhân dân để sản xuất, tu bổ các công trình phúc lợi) còn lại sẽ được dùng để tu bổ đình chùa, khu di tích và các công trình phúc lợi trong thôn.
Theo Đất Việt