Đứng cạnh Triều Tiên, chỉ Nga mới dám làm

Thứ sáu, 09/06/2017, 18:29
Nga đang dần thay thế vị trí của Trung Quốc tại Triều Tiên sau khi Bắc Kinh thẳng thừng từ chối hỗ trợ cho Bình Nhưỡng dưới sức ép từ phương Tây.

Thay thế vị trí của Trung Quốc

Thời gian gần đây, sau khi Trung Quốc chấp thuận đề nghị của Mỹ gây áp lực buộc Triều Tiên kiềm chế các chương trình vũ khí, Nga bắt đầu tăng cường giúp quốc gia này giữ kết nối với phần còn lại của thế giới.

Trung Quốc mới đây đã tuyên bố hạn chế cung cấp than đá cho nước này và đang từng bước thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngừng các chương trình phát triển tên lửa hành trình và hạt nhân.

Trong khi đó, theo Sputnik, so với cùng kỳ năm ngoái, trao đổi thương mại giữa Nga và Triều Tiên trong 2 tháng đầu năm 2017 đã tăng 73%, chủ yếu là do lượng than cung cấp từ Nga tăng. Ngoài việc tăng cường các lô hàng than đá, Nga còn có một số động thái khác nhằm mở rộng thương mại với Triều Tiên.

Cụ thể, trong tháng 5/2017, công ty Investstroytrest của Nga đã mở tuyến phà mới nối thành phố cảng Vladivostok của Nga tới thành phố Rajin của Triều Tiên. Mikhail Khmel, Phó giám đốc của công ty này cho biết, tuyến phà là để phục vụ khách du lịch Trung Quốc đi thăm Vladivostok bằng đường biển.

Nga đang dần thay thế vai trò của Trung Quốc tại Triều Tiên

Theo TASS, tháng 1/2017, các quan chức ngành đường sắt Nga đã tới thăm Triều Tiên để thảo luận việc nâng cấp tuyến đường sắt Rajin-Hasan nối Nga với bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Nga và Triều Tiên còn đạt được thoả thuận nhập cư lao động bổ sung cho lực lượng 40.000 lao động Triều Tiên đang được thuê để làm việc trong ngành công nghiệp gỗ và xây dựng của Nga. Đây là một nguồn thu ngoại tệ chính cho chính quyền Kim Jong-un, theo báo Nihon Keizai của Nhật Bản.

Giáo sư thỉnh giảng James Brown tại Đại học Temple, Tokyo, cho rằng hoạt động thương mại của Nga phù hợp với quan điểm của nước này với Triều Tiên. Ông nhận định:

"Nga không muốn cô lập Triều Tiên. Họ muốn Triều Tiên có thể tiếp tục tiến hành các hoạt động với phần còn lại của thế giới. Nga vẫn phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng cũng thông cảm hơn với nước này".

Chuyên gia phân tích Anthony Ruggiero của Quỹ bảo vệ các chế độ dân chủ tại Washington cho biết, tàu chở dầu thường xuyên chạy tuyến Nga-Triều và tuyến đường sắt đang sửa chữa là bằng chứng cho thấy Nga có thể thay thế một số nguồn cung cấp dầu từ Trung Quốc, nhưng không rõ liệu Nga có thể thay thế hoàn toàn hay không.

"Nếu Trung Quốc thực sự ngừng, Nga có thể bù đắp hoàn toàn không? Tôi không chắc chắn rằng họ sẽ làm như vậy", Ruggiero nói.

Nước cờ chiến lược

Mới đây, các quan chức ngoại giao của Triều Tiên và Nga đã gặp nhau tại Thủ đô Moscow hôm 5/6 theo lời mời của Nga để cùng trao đổi tình hình trên bán đảo Triều Tiên và thảo luận các cách thức để tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và Đại sứ Triều Tiên tại Nga Kim Hyung Joon đã ký một văn kiện trong đó ghi rõ các cam kết tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước thông qua các kênh liên lạc và hợp tác gần gũi với nhau.

Bắc Kinh đã từng là một đồng minh thân cận lâu năm với Bình Nhưỡng song đã thẳng thừng từ chối nhập khẩu than của Triều Tiên khi tình hình căng thẳng bởi Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ và phương Tây, nhưng Nga thì ngược lại.

Moscow đã quá quen thuộc với những lời dọa dẫm, kinh tế Nga đã có thể đứng vững trước lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Thậm chí, xứ sở bạch dương còn đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Tăng trưởng (GDP) của nước này năm 2017 và năm 2018 đều được dự báo đạt 1,5%, tăng so với dự báo trước đó là 1% trong năm 2017 và 1,4% năm 2018.

Con số này tương đương với những quốc gia đang cấm vận Nga, như Mỹ tăng trưởng đạt 2.3% trong năm 2017, Nhật 0,8%, còn EU được dự báo tăng trưởng 1,6% trong năm nay.

Nga luôn sẵn sàng thay thế Trung Quốc đứng bên cạnh Triều Tiên trong tình hình căng thẳng. Trong bối cảnh tứ bề bị bao vây, việc Bình Nhưỡng hướng về Nga - một quốc gia vốn chịu sức ép từ lệnh trừng phạt của phương Tây là điều dễ hiểu.

Nga được gì trong mối quan hệ với Triều Tiên? Giới phân tích cho rằng, cái mà Moscow có được chính là sự an toàn của vùng Viễn Đông trước nguy cơ từ Trung Quốc - đó là điều mà Nga muốn từ rất lâu nhưng chưa có cơ hội để thực hiện.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn