Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều sai phạm tại mỏ đá đang "băm nát" ngọn Sư Tử

Thứ sáu, 09/06/2017, 17:57
Không chỉ khai thác sai thiết kế, quy trình, mà nhiều động thái “khó tin” mới đây của cả chủ mỏ lẫn Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh đang khiến người dân trên địa bàn lẫn các nhà nghiên cứu văn hóa lo rằng, không những không đóng được mỏ, mà ngọn Sử Tử linh thiêng sẽ còn nối dài thương tích.

Nhiều sai phạm

Trước khi vào cuộc tìm hiểu những vấn đề liên quan đến ngọn Sư Tử linh thiêng, một thắng cảnh đã đi vào thi ca kêu cứu, PV Dân trí đã nhận được rất nhiều phản ánh của giới chuyên môn về hàng loạt sai phạm trong quá trình “xẻ thịt” ngọn núi của chủ mỏ đá này. Các sai phạm mà giới chuyên môn cung cấp, bao gồm: sai quy trình khai thác, khai thác không đúng thiết kế, sai phạm về bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động…

Chiều 8/6, PV đã vào “vùng lõi” của đại công trường xẻ thịt ngọn Sư Tử để kiểm chứng những phản ánh nêu trên. Thực tế những gì đang xảy ra tại đây có thể khẳng định, những thông tin mà những người có trách nhiệm cung cấp là hoàn toàn chính xác. Câu hỏi đặt ra là cơ quan chức trách ở đâu khi mà sai phạm tại đây kéo dài suốt nhiều năm?

Sai phạm đầu tiên đó là quy trình khai thác không đảm bảo an toàn. Theo tài liệu mà PV có được, trong hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác mỏ mà Tổng công ty hợp tác kinh tế QK 4 (TCT QK4) trình cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh, sau đó được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cấp giấy phép số 1443QĐ/UB-CN ngày 10/7/2001, doanh nghiệp phải cắt tầng để khai thác nhằm tránh sạt trượt, bảo đảm an toàn mỏ.

Sai phạm trong quy trình khai thác, trong đó chủ mỏ không cắt tầng để khai thác khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thế nhưng, quy trình khai thác này đã không được chủ mỏ nghiêm túc thực hiện, thay vào đó là kỹ thuật khai thác thô sơ, đầy hiểm nguy. Sau khi cho bóc phần lớp đất tầng phủ, chủ mỏ cho khoan lỗ và kích hoạt mìn ở bất cứ nơi đâu. Hậu quả là mặt bằng công trường còn nham nhở, có nguy cơ sạt lở, mất an toàn khi có mưa lớn. Sai phạm này của Tổng công ty hợp tác kinh tế QK 4 vừa được Liên đoàn Địa chất Việt Nam phát giác trong một cuộc thanh, kiểm tra mới đây.

Sau khi bị phát giác, chủ mỏ mới gấp rút sửa sai khi huy động máy móc bóc tách tầng phủ để thực hiện cắt tầng chuẩn bị cho công đoạn khai thác tiếp theo.

Tổng công ty hợp tác kinh tế QK 4 hiện đang cho bóc đất tầng phủ, cắt lớp mở rộng khai thác theo yêu cầu của đơn vị chức năng.

Sai phạm tiếp theo của chủ mỏ là khai thác sai thiết kế. Theo hồ sơ thiết kế, mỏ chỉ được cấp phép khai thác ở cốt bằng 0 (bằng mặt ruộng của người dân), thế nhưng hiện chủ mỏ đã cho đào múc cốt thấp hơn sơ đồ mỏ, đạt độ âm trên 3m, với diện tích hàng ngàn m2.

Sai phạm này của chủ đầu tư không chỉ khiến nhà nước thất thoát một lượng lớn tài nguyên, mà còn kéo theo hệ lụy trong tương lại đây sẽ là một hồ nước lớn gây nguy hiểm cho nhân dân.

Vị trí PV đứng hiện đã có độ âm so thiết kế trên 3m.

Các sai phạm khác của chủ mỏ là bảo họ lao động cho công nhân, phương án bảo vệ môi sinh môi trường quá sơ sài. Thời điểm chúng tôi có mặt nhiều công nhân đang làm việc dưới công trường đầy rẫy hiểm nguy gần như không được trang bị bảo hộ lao động.

Phương án bảo vệ môi trường quá hời hợt khiến chất thải bẩn từ mỏ đá tràn ra gây nhiễm bẩn mặt đất khiến nhiều ruộng đồng bị vùi lấp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất của người dân.

Một công nhân khoan, chẻ đá không được trang bị bảo hộ lao động.

Ngọn Sư Tử sẽ tiếp tục bị bức tử?

Trong khi một danh lam thắng cảnh đang bị xẻ thịt không thương tiếc, bị người dân phản đối, được nhiều đại biểu tại các kỳ họp HĐND huyện, tỉnh kiến nghị đóng cửa, thì một tài liệu mà PV Dân trí vừa tiếp cận được hẳn sẽ khiến dư luận giật mình. Dù còn thời hạn khai thác đến năm 2021, khối lượng chưa khai thác theo giấy phép số 1443QĐ/UB-CN ngày 10/7/2001 là trên 700.000m3, thế nhưng vào năm 2015, TCT QK4 lại có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin thăm dò, mở rộng thêm 1,86ha nằm sát cạnh mỏ đang khai thác.

Đề xuất của TCT HTKT QK4 nhanh chóng được UBND tỉnh chấp thuận, giao cho Sở TN-MT chủ trì triển khai. Đến tháng 4/2016 Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh Võ Tá Đinh có Công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị xem xét chấp thuận cho Tổng công ty 4 được mở rộng, không qua đấu giá diện tích 1,86ha (trữ lượng: đá xây dựng 1x2 623.000m3, đất san lấp 138.490m3) với giá xấp xỉ 4,1 tỷ đồng.

Nếu kiến nghị này của Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh được UBND tỉnh này chấp thuận, ngọn Sư Tử linh thiêng tiếp tục bị TCT QK4 "xẻ thịt".

Tuy nhiên, sau gần một năm kể từ ngày Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh ký kiến nghị, đề xuất nói trên, UBND tỉnh này vẫn chưa đồng ý cấp phép cho TCT QK4 được quyền mở rộng, khai thác số diện tích xin mở rộng. Theo tìm hiểu, lý do khiến UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa chấp thuận cho công ty này được mở rộng khai thác là do vấp phải phản ứng của người dân và các nhà nghiên cứu văn hóa.

Hiện, cũng như chính quyền xã Xuân Hồng, nhiều cán bộ, nhà nghiên cứu văn hóa về núi Hồng hiện rất băn khoăn, lo lắng một khi đề xuất mở rộng thêm diện tích mỏ đá tại ngọn Sư Tử của TCT QK4 được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận.

Một lãnh đạo đã về hưu của ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh lo lắng: “Theo tôi tốt nhất là tìm phương án đóng cửa mỏ, còn không là cho hoạt động đến hết phép đã cấp, chứ cho mở rộng ra là kéo dài sai lầm với một danh lam như thế. Tôi chỉ phân tích thế này, hoạt động của những mỏ đá như thế này đã góp phần phá hủy cảnh quan thiên nhiên hoang dã; giảm diện tích rừng, giảm sự tái sinh dẫn đến sự di cư, biến mất của các loài động vật hoang dã còn lại tại núi Hồng".

Tiến sĩ Võ Hồng Hải

Tiến sĩ Võ Hồng Hải, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL, hiện là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng bày tỏ sự băn khoăn trước đề xuất mở rộng quy mô, diện tích khai thác đá của TCT QK4 tại ngọn Sư Tử nói trên. “Ngọn Sư Tử nằm ở vị trí rất đắc địa, có độ “view” bất cứ ai đi qua cũng có thể nhìn thấy, việc chấp thuận cấp phép mỏ tại vị trí như thế đã là không nên.

Về mặt phong thủy, ngẫm những câu thơ cổ: “Hồng Lĩnh sơn cao/Song Ngư hải khoát/Nhược ngộ minh thời/Nhân tài tú phát (Hồng Lĩnh chon von/Song Ngư bát ngát/Gặp được thời minh/Nhân tài đua phát), hẳn Núi Hồng còn nguyên giá trị khi bàn về di sản văn hóa của xứ sở Hồng Lam. Vì thế chúng ta cần phải ứng xử hài hòa giữa lợi ích kinh tế và văn hóa, chỉ vì phát triển kinh tế mà đánh mất những thứ đã là hồn cốt của một vùng đất, một miền quê là không nên một chút nào” – ông Võ Hồng Hải nói.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn