Khi Thổ Nhĩ Kỳ thò tay vào bàn cờ lớn vùng Vịnh

Thứ sáu, 09/06/2017, 18:39
Giữa bầu không khí căng thẳng ở Trung Đông, tại khu vực biên giới giữa Qatar và Saudi Arabia có thể xuất hiện quân đội của một nước thứ ba: Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chụp ảnh cùng binh sĩ ở Kayseri, ngày 8-6 - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin RIA Novosti, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một loạt văn bản luật cho phép chính quyền Ankara mở rộng hiện diện quân sự tại Qatar, đồng thời tham gia huấn luyện lực lượng hiến binh của nước này.

Thổ và Qatar - anh em Hồi giáo

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan lên án chính sách cô lập Qatar của các nước vùng Vịnh và tuyên bố sẵn sàng gặp Ngoại trưởng Iran - quốc gia vốn là một phần nguyên nhân khiến Qatar bị “trừng phạt”. Cuộc gặp đó quả thật đã diễn ra.

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có một mối quan hệ được xem là khắn khít nhất Trung Đông. Theo thông tin chính thức từ Ankara, Quốc vương Tamim bin Hamad Al-Thani của Qatar là người đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Erdogan sau cuộc đảo chính bất thành của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7-2016.

Tại Syria, Libya, Palestine và Ai Cập, cả hai nước này đều cùng ủng hộ chung các nhóm vũ trang Hồi giáo, trong đó có Phong trào Hamas, Anh em Hồi giáo (MB) - tổ chức bị nhiều nước, trong đó có Nga và Saudi Arabia, xem là khủng bố…

Việc ông Erdogan sẵn sàng chìa tay giúp Qatar có vẻ hơi bất ngờ trong bối cảnh Ankara nỗ lực khẳng định vai trò hòa giải.

Cách đây vài ngày, cố vấn của ông Erdogan về đối ngoại - ông Ilnur Cevik nhấn mạnh rằng cả hai bên xung đột (Qatar và các nước vùng Vịnh) đối với Thổ Nhĩ Kỳ đều là “những người bạn và anh em dòng Sunni”.

Cùng với Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem là nhà hòa giải “tự nhiên” cho căng thẳng vùng Vịnh, tuy nhiên đụng đến chuyện cô lập Qatar thì Ankara ngay lập tức chọn đứng về phía người anh em thân thiết.

Năm 2014, khi Saudi Arabia triệu hồi đại sứ tại Qatar về nước, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng bằng cách mở căn cứ quân sự tại Qatar. Kể từ đó, tại Qatar luôn có sự hiện diện của khoảng 80-150 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự cho phép của Quốc hội, số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar có thể tăng lên vài ngàn người.

Theo RIA, quyết định của Ankara rõ ràng mang ý nghĩa quân sự, trong đó đã tính đến việc Saudi Arabia tập trận quân sự gần biên giới với Qatar. Trong các văn bản luật mới, Quốc hội Thổ cũng có đề cập riêng đến khả năng tập trận chung với Qatar.

Tình bạn với Iran?

Việc quan hệ Thổ - Iran có dấu hiệu cải thiện, trùng thời điểm với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, có khả năng xuất phát từ lý do kinh tế. Dù quan điểm chính trị hai nước rất khác biệt, kinh ngạch giao thương Thổ - Iran không ngừng tăng.

Năm 2016, Nga đóng vai trò trung gian dẫn đến sự hình thành một tam giác lợi ích Matxcơva - Ankara - Tehran tại Syria. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cả ba nước đồng tuyên bố sẵn sàng giải quyết các vấn đề của Trung Đông mà không cần Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU).

Trục địa chính trị Tehran - Ankara - Doha vừa hình thành đặt ra nhiều câu hỏi về trật cũ tại Trung Đông, do đó rất khó để khẳng định nó sẽ bền vững.

Sự tồn tại của liên minh này phần nhiều phụ thuộc vào Mỹ, quốc gia đã công khai ủng hộ Saudi Arabia cô lập Qatar. Tổng thống Donald Trump gọi đây là khởi đầu cho việc cắt đứt nguồn tài chính tài trợ khủng bố.

“Việc tài trợ cho những kẻ cực đoan phải chấm dứt. Khi tôi còn ở Trung Đông, các nhà lãnh đạo ở đó chỉ cho tôi Qatar và nói: Ngài hãy nhìn đi!” - ông Trump kể lại, một cách gián tiếp lên án Doha.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani - Ảnh: Reuters

Chọn ai?

Việc Iran và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau tạo điều kiện cho ông Erdogan dựng một bức tường tại biên giới giáp với khu vực người Kurd ở Iran. Tehran ban đầu khá dè dặt trước sáng kiến này nhưng sau đó quyết định bắt tay với Ankara.Vấn đề người Kurd đồng thời cũng là khúc xương trong quan hệ Thổ - Mỹ. Hồi tháng 5, trước chuyến công du Washington, Tổng thống Erdogan tuyên bố không có ý định thỏa hiệp với việc Mỹ giúp đỡ các nhóm vũ trang có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK)

Các quốc gia châu Âu, trong đó có Nga, đang đứng trước lựa chọn khó khăn liên quan đến những sự kiện gần đây ở Trung Đông. Mỗi nước có cái khó riêng.

Chẳng hạn với Pháp, dòng tiền đầu tư từ Saudi Arabia và Qatar đều quan trọng như nhau. Paris đã bảo trợ chính trị cho cả hai nước trong nhiều thập kỷ. Trước đây, Tổng thống Sarkozy thì nghiêng về Qatar, còn Tổng thống Hollande chọn Saudi Arabia. Ông Macron sẽ chọn ai?

Nói về Nga, quan hệ giữa Matxcơva với Riyadh và Doha thì bị che mờ bởi cuộc xung đột ở Syria. Trước đó nữa là cuộc chiến tranh ở nước Cộng hòa Chechnya.

Chính tại Qatar, tình báo quân sự Nga năm 2004 tiêu diệt Zelimkhan Yandarbiyev - một thủ lĩnh ly khai Chechnya. Nhiều công dân Saudia Arabia cũng tham gia phe ly khai chiến đấu với quân đội Nga ở Chechnya.

Đó là một quá khứ phức tạp.

Về mặt tích cực, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Hoàng tử Mohammad Bin Salman Al Saud cách đây không lâu đã có chuyến thăm đến Matxcơva. Trước ông Salman, bà Valentina Matvienko - Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, đã đi thăm Saudi Arabia và đã thảo luận một loạt dự án đầu tư.

Qatar cũng đầu tư rất tích cực vào nền kinh tế Nga, tiêu biểu là ngành dầu khí.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích