Địa chấn Trung Đông: Ai sẽ bảo vệ Qatar?

Thứ bảy, 17/06/2017, 18:51
Xin giới thiệu bài viết của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Ilia Polonski về chủ đề này đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 16/6/2017.

Chúng tôi có đặt thêm một số đề mục nhỏ để tiện theo dõi và bổ sung thêm bản đồ. Còn các ảnh khác trong bài là của tác giả .

1.     Một số nét chung

Cuộc khủng hoảng Qatar – một quốc gia nhỏ ven bờ Vịnh Péc-xích hiện đang là tâm điểm chú ý của cả cộng đồng quốc tế. Nhờ có nguồn tài nguyên khí đốt và dầu mỏ dồi dào mà Qatar đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới.

Cũng vì giàu có mà quốc gia này đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Chính Qatar là nước tham gia tích cực vào những sự kiện Mùa xuân Ả rập năm 2011 và có can dự vào các vụ lật đổ những chế độ thế tục ở Ai cập, Tuynidi, Lybia, Yemen và cả cuộc nội chiến ở Syria.

Nhưng hiện nay Vương quốc này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, nguy cơ đến từ các cựu đồng minh. Ngày 5/6//2017, các nước Ả-rập Xê-út (Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (United Arab Emirates), Bahrain, Mauritanie, Mauritius (Châu Phi), Maldives (Nam Á) và Comoro Islands đã lần lượt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Chính phủ các nước nói trên cáo buộc Qatar hỗ trợ các tổ chức khủng bố quốc tế, tuyên truyền tư tưởng cực đoan và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực. Bắt đầu một cuộc phong tỏa toàn diện Qatar.

Dĩ nhiên, trong tình huống trên - có khả năng xảy ra một chiến dịch quân sự chống Qatar. Mặc dù có một vai trò rất lớn về chính trị không chỉ tại khu vực Trung Đông mà còn trên cả quy mô toàn cầu nhưng Qatar rất ít có khả năng tự bảo vệ.

Tại Vương quốc nhỏ bé này chỉ có gần 2,5 triệu người sinh sống. Và cũng như đại bộ phận các vương quốc dầu mỏ khác ở vùng Vịnh Péc-xích, phần lớn những người sống ở Qatar là các công nhân lao động và nhân viên nước ngoài – người nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Iran, Bangladesh, Philippin, Shri- Lanka, Etiopia, và các nước khác ở Châu Á và Châu Phi,- họ không có quốc tịch Qatar và cũng không có bất kỳ một quyền gì.

Người lao động nước ngoài làm việc trong hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế nước này – từ lao động phổ thông đến các vị trí cần trình độ đại học. Dân số gốc quá ít ỏi nên tiềm lực động viên của nước này gần như là con số không.


2. Lực lượng vũ trang Qatar:

Lực lượng vũ trang nước này có quy mô rất nhỏ. Quân số: chỉ gần 12.000 người. Lịch sử Quân đội Qatar hiện đại bắt đầu từ năm 1971 sau khi nước này được Anh trao trả độc lập.

Thu nhập đầu mỏ cho phép các quốc vương Qatar quan tâm nhiều đến mua sắm vũ khí và trang bị, tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất mà quân đội này phải đối mặt ngay từ những ngày đầu thành lập đến này – đó là vấn đề nhân lực.

Những người có quốc tịch Qatar hiện nay cũng chỉ chiếm 30% quân số của Lực lượng vũ trang nước này. Phần còn lại là lính đánh thuê xuất thân từ các quốc gia A rập khác và từ Pakistan. Hạt nhân của Quân đội Qatar là Lục quân vương quốc với quân số 8.500 sỹ quan và binh lính.

Trong biên chế của Lục quân Qatar có các đơn vị và phân đội sau đây: đầu tiên là Lữ đoàn cận vệ quốc vương gồm 3 tiểu đoàn bộ binh có nhiệm vụ bảo vệ Quốc vương, Hoàng gia và Dinh Quốc vương.

Tiếp theo - đó là Bộ đội lục quân gồm 04 tiểu đoàn bộ binh cơ giới, 01 tiểu đoàn pháo binh (với biên chế 04 đại đội pháo binh và 01 đại đội phòng không), 01 lữ đoàn tăng – thiết giáp (biên chế 01 tiểu đoàn tăng, 01 tiểu đoàn bộ binh cơ giới, 01 tiểu đoàn chống tăng và 01 đại đội cối) và 01 đại đội đặc nhiệm.

Các quốc vương Qatar luôn thực hiện chính sách không tiếc tiền mua sắm vũ khí trang bị hiện đại để bù cho quân số ít ỏi. Mặc dù trước đây Qatar nằm dưới sự kiểm soát của người Anh, nhưng trong thời gian gần đây phần lớn phương tiện kỹ thuật tăng – thiết giáp của Lục quân Qatar đều được mua từ Pháp.

Trước hết, đó là 40 xe tăng АМХ-30S, và một số tăng AMX-30S đã được cải hoán để thích hợp với điều kiện tác chiến trên sa mạc. Năm 2013, Qatar đã đặt mua 62 xe tăng Leopard — 2 A7 do Đức sản xuất. Các xe tăng theo hợp đồng này bắt đầu được bàn giao cho Qatar từ năm 2015, đến thời điểm hiện tại, đã có 30 tăng Leopard — 2 A7 được đưa vào trang bị.

Các phân đội bộ binh cơ giới Lục quân Qatar có các xe bọc thép nhiều kiểu khác nhau, nhưng chủ yếu là của Pháp. Trước hết , đó là 12 xe trinh sát - chiến đấu АМХ-10RC (còn được gọi là “ xe tăng bánh lốp”). Vũ khí của những xe này là pháo 105 ly và súng máy hai nòng 7,62 ly.

Hệ thống điều khiển hiện đại của xe cho cho phép nhận dạng mục tiêu cả ban ngày lẫn ban đêm. Hệ thống này (điều khiển) gồm thiết bị đo xa lazer, máy tính quỹ đạo điện tử và kính ngắm tầm nhiệt có thể hoạt động cả ban đêm. Ngoài các “xe tăng bánh lốp” nói trên, trong trang bị của Lục quân đội nước này còn có 16 xe trinh sát bọc thép lớp VBL cũng do Pháp sản xuất.

Đấy là các xe bọc thép hạng nhẹ được công ty “Panhard General Defence” thiết kế giữa những năm 80. Trong trang bị của Lục quân Qatar còn có 40 xe chiến đấu bộ binh AMX-10P trang bị pháo 20 ly M693. Các phân đội bộ binh cơ giới được trang bị 30 xe AMX-VCI – (xe vận tải bọc thép –viết tắt - BTR) do Pháp sản xuất, 160 xe BTR kiểu VAB, 4 chiếc VAB VPM81 và 24 chiếc VAB VCAC HOT – tất cả đều mua của Pháp.

Lục quân Qatar còn có 8 xe BTR “Cadillac Commando” V-15 của Mỹ. Hiện trong các kho còn 12 xe ôtô trinh sát bọc thép hạng nhẹ của Anh nhãn “Ferret” – những xe này được đưa vào khai thác từ những năm 50. Cũng trong tình trạng tương tự là 20 chiếc “Engesa EE-9 Cascavel” – xe trinh sát – chiến đấu bánh lốp do Brazil sản xuất, xuất xưởng từ những năm 1970.

Xe “Engesa EE-9 Cascavel ” là loại xe được sử dụng rộng rãi ở các nước Châu Á, Châu Phi nhờ có kết cấu đơn giản và độ tin cậy cao, có thể sử dụng để tiến hành trinh sát và cả để hỗ trợ các phân đội bộ binh và trong tác chiến chống tăng.

Từ cuối những năm 1990, Qatar được cung cấp xe MOWAG Piranha do Thụy Sỹ sản xuất. Hiện nay, trong Lục quân Qatar có 40 chiếc kiểu này – trong đó, - 36 xe mang pháo 90 ly, 2 xe chỉ huy và 2 xe sửa chữa cơ động- sơ tán bọc thép.

Trong trang bị của Lục quân có 9 tổ hợp tên lửa phòng không tự hành Roland-2 do Đức - Pháp hợp tác sản xuất được trang bị hệ thống giám sát radar chuyên dụng. Còn về các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai : thì lực lượng chủ yếu chủ yếu là các tổ hợp “Mistral” của Pháp - tổng cộng các phân đội lục quân Qatar có 24 tổ hợp “Mistral”, ngoài ra còn có 20 tổ hợp “Strela-2” của Nga.

Lục quân Qatar cũng có 28 tổ hợp pháo tự hành 155 ly AMX Мк F-3, 15 khẩu cối 120 ly Brandt, 04 khẩu cối tự hành 81 ly VPM (trên khung gầm xe VAB), 26 khẩu cối 81 ly L16, 44 tổ hợp tên lửa chống tăng “Hot” (trong đó có 24 tổ hợp tự hành lắp trên xe VAB) và khoảng từ 60 – 100 tổ hợp tên lửa chống tăng Milan.

Phương tiện kỹ thuật tăng - thiết giáp Lục quân Qatar tham chiến lần đầu tiên trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”, sau đó là trong các cuộc xung đột quân sự cục bộ tại Trung Đông và được các chuyên gia quân sự nước ngoài đánh giá là có trình độ tác chiến tương đối cao.

Không quân: Chính quyền Qatar cực kỳ quan tâm phát triển lực lượng này. Không quân Qatar được thành lập năm 1974 (sau Lục quân một thời gian ngắn). Cũng như đối với Lục quân, các máy bay chủ yếu của Không quân Qatar là do Pháp sản xuất.

Hiện nay, trong trang bị của Không quân có 09 máy bay “Mirage - 2000 -5EDA” và 03 chiếc “Mirage-2000-5DDA”, 06 máy bay chiến đấu – huấn luyện Alpha Jet, 12 -13 chiếc máy bay lên thẳng Vesland “Comando” Mk2A (3 chiếc vận tải), Mk2C (1-2 chiếc chở khách VIP) và Mk3 (8 chiếc, máy bay tuần tiễu trên biển, 2 trong số đó được trang bị 01 tên lửa chống hạm AM-39 “Exoset”, 11 máy bay lên thẳng SA-342L “Gazel” mang tên lửa chống tăng có điều khiển “Hot”, 18 máy bay lên thẳng “AgustaWestland AW139”.

Về cơ cấu tổ chức, Không quân Qatar có 01 phi đội máy bay tiêm kích – ném bom, 01 phi đội máy bay cường kích, 01 phi đội máy bay vận tải, 03 phi đội máy bay lên thẳng và 01 tiểu đoàn tên lửa phòng không.

Theo truyền thống, thành phần chỉ huy cao cấp nhất của Quân đội Qatar là các thành viên của Hoàng gia. Tư lệnh tối cao Quân đội Qatar là Quốc vương Tamim bin Hamad bin Halif Al Tani (sinh năm 1980),- người lên ngôi thay cha mình là Quốc vương Hamad bin Halif al Tani năm 2013.

Quốc vương Tamim Al Tani tốt nghiệp đại học tại Anh – Học viện quân sự Hoàng gia danh tiếng Sandhurst và sau đó giữ các chức vụ chỉ huy khác nhau trong Quân đội Qatar. Bộ trưởng nhà nước phụ trách các vấn đề quốc phòng Qatar (Bộ trưởng quốc phòng) là Halid bin Muhamed Al- Attia (sinh năm 1967) – một trong những đại diện của bộ lạc banu Tamim (Hoàng gia Qatar xuất thân từ bộ lạc này).

Vị Bộ trưởng quốc phòng Qatar này tốt nghiệp đại học tại Ả rập Xê-ut – Học viện không quân quốc vương Feisal. Từ năm 1987 đến năm 1995, Halid bin Muhamed Al- Attia là phi công tiêm kích Không quân Qatar, nhưng sau đó giải ngũ và làm kinh doanh. Từ năm 2008 – đến 2011, Bộ trưởng hợp tác quốc tế. Từ năm 2013 đến 2016 là Bộ trưởng ngoại giao, còn từ năm 2016 – Bộ trưởng nhà nước phụ trách các vấn đề quốc phòng (Bộ trưởng quốc phòng).

Khác với giới chỉ huy cao cấp, các vị trí (chức vụ) sỹ quan trung cấp và sơ cấp trong Quân đội Qatar phần lớn do các sỹ quan xuất thân từ các nước A rập khác đảm nhiệm – trước hết là từ Oman, Yemen và Jordan và cả người Pakistan đảm nhiệm trong suốt một thời gian dài.

Về mặt hình thức, Quân đội Qatar tuyển quân theo chế độ tuyển chọn những người tình nguyện – công dân nam tuổi từ 17 đến 25, tuy nhiên, Luật Qatar cũng cho phép thực hiện chế độ hợp đồng phục vụ trong Quân đội đối với các công dân nước ngoài để bù đắp thiếu hụt nguồn lính chuyên nghiệp của nước này.

3. Ai sẽ bảo vệ Qatar ?

Với một quân đội có quân số quá ít và gần như không có lực lượng dự bị động viên, Qatar dễ trở thành miệng mồi ngon của các quốc gia láng giềng mạnh hơn trong bất kỳ một cuộc xung đột quân sự nào. Qatar không thể đấu với Arập Xê-ut, càng không thể đấu với Iran.

Điều này thì Quốc vương Qatar và các cộng sự của mình hiểu quá rõ – họ đang cố gắng thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng (leo dây) với các quốc gia mạnh. Trước hết, trên lãnh thổ Qatar có căn cứ quân sự mang tầm quan trọng chiến lược bậc nhất của Mỹ tại khu vực – căn cứ Al- Adid. Trong suốt 20 năm tồn tại của căn cứ này, Mỹ đã chi một khoản tiền khổng lồ.

Hiện nay, trên căn cứ này có Trung tâm (Sở) chỉ huy toàn bộ lực lượng Mỹ tại khu vực Trung Đông và Ấn Độ Dương (Trung tâm này chuyển từ A rập Xê- ut sang). Tại đây, Mỹ cũng bố trí rất nhiều máy bay và xe tăng – xe bọc thép.

Dĩ nhiên, chỉ riêng sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ với quy mô như vậy, nếu tính tới diện tích lãnh thổ nhỏ bé của Qatar cũng đã cho thấy Mỹ đang kiểm soát tình hình quân sự - chính trị của nước này và nếu cần thiết, có thể hành động với tư cách là người bảo vệ Vương quốc, nhưng cũng có thể là phu mộ của chính Vương quốc.

Tiếp đó, vào đầu tháng 6/2017, khi một loạt các nước Trung Đông và quốc gia Châu Phi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức lên tiếng ủng hộ Qatar. Như đã biết, trong những năm gần đây, giữa Ankara và Doha đã hình thành một mối quan hệ đặc biệt.

Ngay từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã ký các thỏa thuận về củng cố quan hệ hợp tác song phương , trong đó có một điều khoản đáng chú ý là hai bên tính tới việc thành lập tại Qatar một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trước khi cuộc khủng hoảng ngoại giao xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa vội thành lập văn phòng đại diện quốc phòng tại nước này, trong khi như cầu về sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Vương quốc ngày càng trở nên cấp bách.

Nhưng sau đó, ngay trong ngày 7/6, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua đạo luật “Về việc bố trí lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar”, còn vào ngày 12/6, một Phái bộ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Doha để nghiên cứu trên thực địa khả năng bố trí quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa tới Qatar một cụm quân tới 3.000 người. Trên thực tế, trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao như hiện nay, động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ là một cuộc phô trương sức mạnh trước các quốc gia A rập, đồng thời thể hiện quyết tâm của Ankara sẵn sàng bảo vệ Vương quốc Qatar trước một cuộc tấn công quân sự trực tiếp có thể xảy ra của quân đội A rập Xê- ut cùng những quốc gia A rập khác mới cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quân sự chủ chốt của Mỹ trong khối NATO và điều đó sẽ trói tay Washington – dễ hiểu là Mỹ khó có thể sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại các đồng minh của mình trong khối NATO.

Cuối cùng , không thể bỏ qua một yếu tố nữa là Qatar có mối quan hệ đặc biệt với Iran – khác với A rập- Xê-ut, một quốc gia luôn là đối thủ công khai của Iran, Qatar cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với quốc gia láng giềng hùng mạnh này. Khi Arập – Xê-ut và các đồng minh tuyên bố phong tỏa Qatar, Iran đã có ngay một động thái nhiều ý nghĩa - điều máy bay chở lương thực – thực phẩm đên Qatar.

Và như vậy, chúng ta thấy rằng, mặc dù Quân đội Qatar có rất ít quân và không mạnh, nhưng Vương quốc vùng Vịnh nhỏ bé này có được sự bảo vệ chắc chắn của các đồng minh mạnh hơn, nhờ có sách lược ngoại giao khôn khéo và cân bằng đối với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới - Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ và thậm chí cả Nga.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn