Thanh tra vụ Đồng Tâm: Ông Lưu Bình Nhưỡng nói thật

Thứ bảy, 17/06/2017, 18:40
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chưa hài lòng với văn bản trả lời của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của cơ quan này trong vụ việc ở Đồng Tâm.

Ngày 17/6, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông đã nhận được văn bản trả lời của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của cơ quan này trong vụ việc tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) và cảm thấy chưa hài lòng.

Theo ông Nhưỡng, văn bản trả lời của Thanh tra Chính phủ đã nêu lên được một số thông tin và một số việc thanh tra đã làm, nhưng chưa cho thấy được kết quả.

Lý giải thêm về điều này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, có những việc nếu thuộc thẩm quyền thì Thanh tra Chính phủ phải xem xét báo cáo Thủ tướng để trực tiếp làm. Chẳng hạn, việc thanh tra đất quốc phòng an ninh phải là vai trò của Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ là cơ quan rất quan trọng, tham mưu giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ phải đôn đốc một cách quyết liệt các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu (phải) và ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (trái).

"Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ: phải hết sức quan tâm và phải dành các cán bộ có am hiểu chuyên môn nghiệp vụ và giỏi về luật pháp, có đạo đức, phẩm chất tốt, có kỹ năng tiếp công dân để phân loại, giải quyết những bức xúc.

Nếu không nhạy bén phân loại các bức xúc, giải quyết khiếu nại tố cáo thì nó có thể dễ dàng trở thành những điểm nóng, bức xúc lớn, đặc biệt các vụ nhạy cảm như đất đai, động chạm đến nhiều chủ thể, có dấu hiệu tham nhũng", đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.

Bởi thế, trong trường hợp này, theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, thanh tra phải quyết liệt hơn thì mới tốt cho địa phương giải quyết các vấn đề hoặc tự cơ quan này phải vào cuộc giải quyết nếu thấy địa phương không đủ năng lực hoặc đứng ra giải quyết không được công minh. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan.

"Tôi cho rằng quan trọng không phải ở việc nói gì mà ở chỗ làm thế nào, kết quả ra sao, hiệu quả đến đâu. Nếu hiệu quả không có thì tính quyết liệt cũng không có.

Quyết liệt không phải chỉ ở chỗ có một vài công văn hay yêu cầu địa phương báo cáo, mà vấn đề ở chỗ sự việc đã rất lâu rồi mà không chạy.

Theo đúng quy định, nếu địa phương không làm hoặc làm sai, hoặc cố tình không làm thì phải có biện pháp cứng rắn, thậm chí lấy lên để làm theo đúng quy định.

Tôi muốn Thanh tra Chính phủ phải cực kỳ mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Tôi là người  ủng hộ sự quyết liệt của Thanh tra Chính phủ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải phòng chống tham nhũng", đại biểu Nhưỡng bày tỏ.

Liên quan đến vụ việc ở Đồng Tâm, trước đó, các báo đồng loạt đưa tin Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã văn bản phúc đáp ý kiến ĐBQH đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo, trong đó có vụ Đồng Tâm, được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu khi tranh luận ngày 9/6.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sự việc xuất phát từ việc ông Lê Đình Kình và các hộ dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm khiếu kiện, tố cáo liên quan việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực Đồng Sênh.

Ngày 15/4, sau khi Công an TP.Hà Nội bắt các đối tượng để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm, trong đó có ông Lê Đình Kình, khiến công dân xã Đồng Tâm bức xúc, giữ 38 cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

Vụ việc sau đó được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đối thoại với công dân và giao Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, cơ quan này đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến vụ việc.

Cụ thể, khi công dân có đơn khiếu nại đã được ban Tiếp công dân Trung ương tiếp từ ngày 17/11/2016, đồng thời có văn bản gửi UBND TP Hà Nội để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

Ngay sau khi có thông tin về vụ việc trên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh có văn bản ngày 19/4, đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo diễn biến vụ việc. Đồng thời yêu cầu thành phố có biện pháp xử lý thích hợp để ổn định tình hình, tránh xảy ra điểm nóng; giao Cục địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND TP.Hà Nội trong quá trình xử lý vụ việc.

Thanh tra Chính phủ đã cử một Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với TP.Hà Nội, theo đó đã cùng Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đối thoại với công dân tại huyện Mỹ Đức ngày 20/4, tại xã Đồng Tâm ngày 22/4.

Gần đây, sau khi Thanh tra TP.Hà Nội kết thúc thanh tra trực tiếp diện tích đất khu sân bay Miếu Môn, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cử một Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ tham gia ý kiến đối với kết quả thanh tra tại các cuộc họp ngày 1/6, ngày 7/6.

Hiện TP.Hà Nội đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng.

"Thanh tra Chính phủ tiếp tục phối hợp với UBND TP.Hà Nội để giải quyết những vấn đề liên quan; nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội", báo cáo của cơ quan thanh tra nêu.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn