|
Toàn cảnh Sơn Trà |
Cuộc đối thoại với ông Huỳnh Tấn Vinh diễn ra tại khu nghỉ mát Furama, nơi ông đang làm tổng giám đốc. Ông Vinh nói sẵn sàng trả lời thẳng thắn tất cả các câu hỏi của PV.
Món nợ giày vò
Không thể không nhắc đến một thắc mắc của không ít người đặt ra: Liệu có sự xung đột lợi ích nào không giữa việc ông - tổng giám đốc Furama - lên tiếng về việc bảo vệ Sơn Trà, nơi có các tập đoàn khác đang xây các khu nghỉ mát ở đó?
Đó là cách nghĩ thường thấy và cũng là nỗi buồn trong xã hội của chúng ta hiện nay, khi người ta ngại công khai lên tiếng về những sai trái trong xã hội và khi có ai đó lên tiếng thì họ ít nghĩ rằng người đó lên tiếng vì cái chung, mà đều nghĩ theo hướng chắc hẳn người đó sẽ theo “phe” nào đó, có “lợi ích” nào đó, có ai đó “chống lưng”...
Khi tôi bắt đầu lên tiếng về những vấn đề của du lịch Đà Nẵng, chứ không chỉ vấn đề Sơn Trà hiện nay, lãnh đạo tập đoàn nơi tôi làm việc đã góp ý với tôi rằng: “Thôi anh rút lui đi, kẻo ảnh hưởng đến công việc của mình”, hoặc “Kẻo các tập đoàn khác nghĩ mình không thích hay cạnh tranh gì với họ”.
Tôi đã trả lời rằng: “Khi tôi lên tiếng là lên tiếng vì Đà Nẵng, vì cái chung. Nếu tập đoàn cảm thấy có ảnh hưởng không tốt gì đến tập đoàn thì tôi sẵn sàng rời khỏi công việc ở tập đoàn”.
Sau đó, đến bây giờ, tôi không còn nghe lãnh đạo tập đoàn nói gì cả. Họ tôn trọng và chia sẻ với sự dấn thân của tôi.
Những ai có suy nghĩ tôi làm vì lợi ích nào đó thì tôi trả lời thẳng rằng Furama là tập đoàn nghỉ mát đầu tiên có mặt ở Đà Nẵng và đến bây giờ nó vẫn là khu nghỉ mát hàng đầu, còn riêng bản thân tôi bây giờ không cần thêm nhà, thêm tiền hay tiếng gì nữa vì ở tuổi này tôi đã cảm thấy đủ.
Thời gian qua, kể từ khi ông lên tiếng về Sơn Trà, ông có bị áp lực nào không?
Áp lực duy nhất tôi phải tìm cách làm cho tốt đó là dư luận của người dân, báo chí và các cấp chính quyền. Càng ngày tôi thấy càng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc bảo vệ Sơn Trà. Khi thấy sự mong mỏi đó, mà tôi coi là áp lực, tôi không thể làm điều gì trái với lương tâm của mình.
Khi lên tiếng về vấn đề Sơn Trà, trước đó nữa là về tình trạng vi phạm của hướng dẫn viên Trung Quốc, về quy hoạch du lịch Đà Nẵng..., chính quyền Đà Nẵng không phải lúc nào cũng đồng thuận với ông. Có lúc nào ông cảm thấy mình đơn độc không?
Có chứ, nhưng chỉ là cô đơn chứ không đơn độc, vì luôn có nhiều người ủng hộ công khai hay âm thầm, một mong muốn chung rằng: “Cứ im lặng thì mai này không còn gì để lại cho con cháu”.
Là người Đà Nẵng và là người làm du lịch lâu năm, tôi nghĩ mình cần tiếp tục nói lên những cái đúng trong khả năng hiểu biết của mình. Nếu tôi không nói thì tôi sẽ mãi mang một món nợ dày vò mãi tim mình.
|
Ông Huỳnh Tấn Vinh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng |
“Phe” của tôi là người yêu môi trường
Báo chí có đăng tin từ ngày ông lên tiếng về các vấn đề của du lịch Đà Nẵng và mới nhất là Sơn Trà, hình như có những cuộc gọi “lạ” vào điện thoại cố định nhà ông...
Có, nhưng tôi không quan tâm lắm và không muốn nói về điều đó lắm. Vì tôi hiểu rằng khi chúng ta đi ngược lại một quan điểm của số đông, đặc biệt số đông đó là “nhóm lợi ích” hay người giữ quyền quyết định, chúng ta sẽ phải đối diện với những thách thức.
Cho dù thách thức nào, tôi cũng chỉ muốn và sẽ làm theo con tim mình. Tôi đã từng là lính, từng vượt qua bao khó khăn. Và nay vì báu vật Sơn Trà, tôi sẽ không bao giờ lùi bước.
Cũng có ý kiến cho rằng ông phải có “cơ” mạnh lắm, phải được ai đó “hậu thuẫn” phía sau, hay thuộc “phe” nào đó mới dám lên tiếng mạnh mẽ như thế, cụ thể trong vấn đề Sơn Trà...
(Cười rồi nghiêm túc)“Hậu thuẫn” cho tôi là sự thật; “phe” của tôi là đông đảo người Đà Nẵng và những người yêu môi trường, yêu thiên nhiên; và “cơ” của tôi là niềm tin vào lời hứa về một nền quản trị kiến tạo mà Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người từng lãnh đạo ngành du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, đã khởi xướng.
Ông có bao giờ nghĩ đến việc sắp tới ông không còn làm chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng?
Tôi kể cho bạn nghe. Cách nay một năm, một lãnh đạo ở Đà Nẵng gặp riêng tôi nói đại ý rằng cấp trên sẽ thôi để tôi làm chủ tịch hiệp hội, sẽ đưa một người ở Sở thay tôi.
Tôi trả lời rằng hẳn nhiên là tôi muốn tiếp tục làm chủ tịch hiệp hội, vì từ vị trí đó tôi có thể làm được nhiều hơn cho việc chung, nhưng hẳn nhiên tôi sẽ không cố sống cố chết để bám cho được vị trí đó.
Tôi trả lời rằng nếu các anh muốn thì các anh cứ việc, nhưng quan điểm của tôi là nếu một người của cơ quan công quyền đi lãnh đạo hiệp hội thì nên dẹp hiệp hội đó đi vì nó không phải là hiệp hội nghề nghiệp nữa mà là cánh tay của cơ quan công quyền.
Và tôi cũng trả lời rằng tôi không tin các hội viên hiệp hội sẽ chọn một người của chính quyền đại diện hiệp hội, vì khi tham gia hiệp hội, họ cần có một người đủ uy tín nghề nghiệp để đại diện cho tiếng nói của họ.
|
Bán đảo Sơn Trà được xem là lá phổi xanh của TP.Đà Nẵng với hệ sinh thái đa dạng từ rừng đến biển |
Người không có lá phổi thì làm sao sống?
Đà Nẵng những năm gần đây tăng trưởng du lịch khá nhanh, nhưng phải trả giá với một số dự án vội vã đánh đổi các yếu tố cảnh quan và môi trường mà báo chí đã nêu. Ông suy nghĩ sao?
Chọn du lịch để phát triển là cách làm đúng hướng. Nhưng cách làm có vấn đề. Hai di sản thiên nhiên của Đà Nẵng là Sơn Trà và dòng sông Hàn đều bị đe dọa. Đó chính là điều tôi đã, đang và sẽ còn lên tiếng.
Bạn nhớ không, nếu không có báo chí, trong đó có báo Tuổi Trẻ lên tiếng, người ta đã xây một tòa tháp cao tầng gọi là “ngọn hải đăng” có thể chặn dòng chảy sông Hàn. Bên dòng sông Hàn thơ mộng này, những nhà hàng mô hình “thuyền bêtông” cũng đã mọc lên.
Còn bây giờ, khi Sơn Trà đang trở thành vùng đất của dự án, mai này khi các dự án hình thành thêm ở đó thì cảnh rừng xanh thiên nhiên bị “cạo”, người dân mở cửa sổ ra đáng ra nhìn thấy ngay Sơn Trà xanh biếc một màu trước cửa thì lại thấy những “vết thương bêtông”.
Sơn Trà là “lá phổi” của Đà Nẵng, con người không có lá phổi thì làm sao sống?
Đà Nẵng bêtông hiện đại có bằng các đô thị khác ở Việt Nam không? Và du khách thế giới đến Đà Nẵng đâu phải vì sự hiện đại thua xa nước họ?
Trong khi ta đang nắm di sản mà người ta không có thì lại muốn biến thành cái mà người ta không cần. Tôi cho rằng đó là cách làm du lịch ăn xổi ở thì, thiếu bền vững, mai này khi nhận ra thì nhìn quanh chỉ toàn là bêtông, mà đáng tiếc là điều này diễn ra không chỉ ở Đà Nẵng.
Riêng về vấn đề Sơn Trà, ông có đề xuất cụ thể gì sắp tới?
Là rà soát và kiểm tra. Kiểm tra để thấy quy hoạch đã không hợp lý ra sao và từ đó các dự án đã làm sai ra sao, qua đó điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Nào, bây giờ chúng ta hãy hình dung một kịch bản sắp tới mà nhiều người đã nghĩ thế này: Quy hoạch Sơn Trà vẫn giữ nguyên “đúng quy trình”, chỉ giảm số phòng của khu du lịch. Nếu có chuyện đó, ông sẽ phản ứng ra sao?
Tôi lên tiếng bảo vệ Sơn Trà chỉ với mục đích duy nhất là giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú tại Sơn Trà, nghĩa là dừng lại trước khi “băm nát” nó thêm nữa. Hiện trên Sơn Trà đã có nhiều khu du lịch, chúng ta không thể thay đổi thực trạng đó, mà phải dừng lại ở đó, không “phá” thêm nữa.
Cho dù mai này khi “kịch bản” như bạn nói diễn ra, dù là điều không mong chờ, tôi vẫn không hối tiếc về những gì mình đã làm.
Có thể tôi không đạt được mục đích là giữ lại nguyên trạng cho Sơn Trà, nhưng tôi và chúng ta đã đạt được mục đích lớn hơn, đó là nhiều người bây giờ quan tâm hơn về Sơn Trà, khi đã có nhiều người lên tiếng hơn thì sẽ giảm đi số người muốn đi ngược lại sự quan tâm đó. Một khi đã có sự quan tâm đó, có nhiều tiếng nói hơn, môi trường là của tất cả chúng ta chứ không phải của riêng ai.
Và điều tôi không hối tiếc là tôi đã làm hết sức mình điều mà con gái tôi nói với tôi: “Ba ơi hãy cứu Sơn Trà!”.
Mở cửa đón khách mà mất kiểm soát thì thà đóng cửa Cách nay hai năm, khi các vụ việc hướng dẫn viên Trung Quốc ở Đà Nẵng giới thiệu xuyên tạc về Hoàng Sa, ông cũng đã lên tiếng mạnh mẽ? Không một ai là người Việt mà có thể chấp nhận cảnh hướng dẫn viên Trung Quốc đến quê hương chúng ta và xuyên tạc về địa lý, lịch sử đất mẹ của chúng ta. Tôi cũng vậy. Chúng ta mở cửa đón khách nhưng mất kiểm soát thì thà đóng cửa còn hơn. |
Theo TTO